Xuất khẩu tăng, vẫn nhiều nỗi lo
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước trong 6 tháng qua đã có mức tăng khá so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng kết quả này vẫn chủ yếu do sự đóng góp của khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm 2/3 tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu và đạt mức tăng trưởng gần 25%. Doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm 1/3 tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu, với mức tăng khiêm tốn hơn 2%.
Những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn như dệt may, giày dép cũng đạt mức tăng cao tương ứng là 17% và 16%. Kết quả này có ý nghĩa quan trọng với dệt may và da giày bởi ngay từ đầu năm nay những khó khăn dồn dập đến, nhất là ký kết hợp đồng xuất khẩu khó hơn so với cùng kỳ những năm trước.
heo Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam Lê Tiến Trường, tăng trưởng xuất khẩu dệt may ở mức khá do trong năm 2012 có lượng đơn hàng khá dồi dào, đặt biệt là việc Việt Nam tham gia đàm phán ký kết hiệp định thương mại đã giúp thu hút các chủ hàng trên thế giới. Đồng thời, các doanh nghiệp trong ngành đã nâng cao năng lực cạnh tranh và thành thạo với việc ứng phó biến động của thị trường thế giới.
Trái ngược với nhóm hàng công nghiệp chế biến, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản do giá xuất khẩu giảm đã làm giảm 530 triệu USD kim ngạch xuất khẩu. Bên cạnh đó, do khó khăn của các nền kinh tế thế giới và việc hạn chế tiêu dùng, nên giá hàng hóa, đặc biệt là giá hàng nông sản giảm sút, làm cho mức giá xuất khẩu bình quân 6 tháng năm nay của nhóm hàng nông sản của thấp hơn so với cùng kỳ. Giá xuất khẩu giảm đã làm giảm hơn 252 triệu USD kim ngạch xuất khẩu.
Đồng thời, do khó khăn về thị trường cũng như thời tiết không thuận lợi nên lượng xuất khẩu của một số mặt hàng nông sản cũng giảm. Tính chung, xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản 6 tháng qua ước đạt 9,7 tỷ USD, giảm 7% so với cùng và giảm 4% về tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu so với năm 2012. Riêng kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 2,9 tỷ USD và chỉ tăng khoảng 1% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù vậy, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) Trương Đình Hòe cho rằng, đây vẫn là kết quả bất ngờ, cho thấy nhu cầu thị trường có dấu hiệu tăng, xuất khẩu bắt đầu phục hồi.
Điểm đáng chú ý nữa là sau khi xuất siêu trong năm 2012, thì hiện nước ta đã nhập siêu trở lại, ước khoảng 1,4 tỷ USD. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục xuất siêu, doanh nghiệp trong nước nhập siêu. Điều này, xét ở mức độ nhất định, cho thấy sản xuất của các doanh nghiệp trong nước có dấu hiệu phục hồi, nhập khẩu nguyên liệu sản xuất tăng trở lại. Cùng với nhóm hàng cần nhập khẩu tăng thì nhóm hàng hạn chế nhập khẩu cũng tăng.
Tuy nhiên, đại diện Bộ Công thương cho rằng, chưa nên lo ngại về tín hiệu này, do kim ngạch nhập khẩu của nhóm hàng này không cao so với các nhóm hàng cần nhập khẩu, hơn nữa mới chỉ tăng từ tháng 6/2013.
Trong 6 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu của cả nước đã tiếp tục tăng trưởng. Nhưng chưa thể yên tâm với kết quả này, vì mới đạt 49% kế hoạch năm. Để hoàn thành mục tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm là 126 tỷ USD thì 6 tháng cuối năm, xuất khẩu bình quân mỗi tháng phải đạt 10,67 tỷ USD. Xét theo yếu tố chu kỳ thì xuất khẩu nửa cuối năm luôn cao hơn nửa đầu năm từ 15-20%, nên nếu như không có yếu tố đột biến thì đây là con số có khả năng thực hiện.
Song, tăng xuất khẩu vẫn chủ yếu do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, còn doanh nghiệp trong nước đạt mức tăng thấp, chứng tỏ vẫn còn rất khó khăn. Vì vậy, các biện pháp như hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn vay, đáo hạn ngân hàng, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu cần tiếp tục được thực hiện mạnh mẽ hơn trong 6 tháng cuối năm.