Xuất khẩu thủy sản cả năm đạt khoảng 7,9 tỷ USD
(Tài chính) Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo, xuất khẩu thủy sản cả năm sẽ đạt khoảng 7,8 - 7,9 tỷ USD, tăng khoảng 15% so với năm 2013.
Cơ hội không ít
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15-11, XK thủy sản của Việt Nam đạt gần 7 tỷ USD, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo VASEP, năm 2014, thủy sản Việt Nam đã có và nắm bắt được một số cơ hội thuận lợi, tranh thủ đẩy mạnh sản xuất và XK.
Điển hình là việc ngành tôm Thái Lan gặp nhiều khó khăn như sản lượng giảm mạnh do ảnh hưởng của EMS (Hội chứng tôm chết sớm), EU cắt giảm ưu đãi thuế quan cho mặt hàng tôm chín của nước này trong năm nay và năm tới là tôm nguyên liệu, và gần đây nhất là thông tin về việc sử dụng lao động bất hợp pháp trong ngành thủy sản của nước này. Đây là cơ hội tốt Việt Nam đã và sẽ tận dụng để đẩy mạnh XK sang thị trường EU và Mỹ.
Bên cạnh đó, hoạt động khai thác thủy sản cũng có nhiều thuận lợi nhờ thời tiết và nhờ việc triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP (Nghị định 67) về một số chính sách phát triển thủy sản và hỗ trợ ngư dân sản xuất tại các vùng biển xa. Do vậy, XK mực, bạch tuộc, cua ghẹ và các loại cá biển khác đều tăng trong 9 tháng đầu năm nay.
Lệnh cấm NK của Nga đối với thủy sản EU, Mỹ, Na Uy, Australia và Nhật Bản trong năm qua cũng là cơ hội tốt cho thủy sản Việt Nam thâm nhập trở lại thị trường này, nhất là mặt hàng cá tra. Từ đầu tháng 8-2014 đến tháng 9-2014, đã có 26 DN Việt Nam được phép XK vào thị trường Nga, sau khi bị tạm ngừng XK từ 31-1-2014.
Thách thức cũng nhiều
Bên cạnh hàng loạt cơ hội XK rộng mở, những khó khăn, thách thức từ nội tại và thị trường nước ngoài đối với ngành thủy sản cũng ngày càng nhiều, đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng của cộng đồng thủy sản, nhất là các DN chế biến và XK.
VASEP đánh giá, khó khăn nổi cộm trong năm qua là tình trạng một số mặt hàng thủy sản XK chủ lực của Việt Nam bị thua thiệt về thuế chống bán phá giá (CBPG). Cụ thể, thuế CBPG tôm của Việt Nam trong đợt xem xét hành chính POR8 của Mỹ ở mức cao nhất từ trước đến nay, ảnh hưởng mạnh đến DN XK tôm và giá tôm nguyên liệu trong nước.
Theo POR 8 thì 30/32 DN XK tôm Việt Nam sang Mỹ chịu thuế CBPG là 6,37%. Hai DN còn lại là Tập đoàn Thủy sản Minh Phú chịu mức thuế 4,98% và Công ty CP Thủy sản Sóc Trăng (STAPIMEX) 9,75%. Cách tính thuế bất hợp lý của Mỹ dẫn đến mức thuế cao như vậy sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh mặt hàng tôm của Việt Nam tại Mỹ, ảnh hưởng về việc cân bằng tài chính của các DN.
Liên quan tới mặt hàng cá tra, trong đợt xem xét hành chính thuế CBPG cá tra POR10, mức thuế đối với các DN XK cá tra của Việt Nam sang Mỹ nói chung vẫn thiếu hợp lý khi DOC tiếp tục sử dụng Indonesia làm quốc gia thay thế trong quá trình tính toán biên độ phá giá, vì Indonesia có tổng thu nhập cao gấp đôi, GDP cao gấp 4 lần VN.
Ngoài vấn đề thuế CBPG, năm qua, chi phí cho hoạt động XK gia tăng cũng tạo gánh nặng và áp lực lớn cho DN. Theo phản ánh của các DN XK thủy sản, DN đã phải chịu hàng chục phụ phí các loại. Ngoài ra, chủ hàng còn phải đóng thêm các loại phí khác như phí thủ tục, phí hóa đơn, phí lưu kho bãi, phí cầu đường, phí giao hàng lẻ theo container.... Các DN tính toán, so với 2013, năm nay các loại phí này tăng 20-30% khiến lợi nhuận của DN giảm mạnh.
Theo VASEP, có một thách thức đặt ra với ngành thủy sản nói chung, các DN XK thủy sản nói riêng không chỉ trong năm 2014 mà còn khá lâu dài là gánh nặng tiêu chuẩn đối với sản phẩm XK. Đó là khi thị trường NK ngày càng xuất hiện nhiều tiêu chuẩn gây tốn kém cho DN, ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất. Cùng với đó, nhu cầu đối với sản phẩm thủy sản sản xuất và khai thác bền vững ngày càng cao.