Xuất khẩu tôm của Việt Nam: Tăng trưởng nhưng còn nhiều lo lắng
Theo số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), bức tranh xuất khẩu tôm của Việt Nam trong quý I/2025 có nhiều tín hiệu lạc quan. Dù vậy, những lo lắng từ chính sách thuế quan của Mỹ sẽ là nỗi ám ảnh dai dẳng các doanh nghiệp.

Theo VASEP, xuất khẩu tôm của Việt Nam trong quý I/2025 đạt 939 triệu USD, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2024. Mức tăng trưởng ấn tượng này đến từ sự phục hồi nhu cầu tại nhiều thị trường lớn, nhất là Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và khối các quốc gia trong nhóm ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Trong đó, Trung Quốc và Hong Kong là thị trường được ghi nhận sáng hơn cả. Tổng kim ngạch tại thị trường này đạt 288 triệu USD, tăng tới 125%. Thị trường Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu mạnh mẽ thủy sản để phục vụ tiêu dùng nội địa và chuẩn bị cho kỳ nghỉ lễ Lao động vào đầu tháng 5. Giá xuất khẩu tôm sú Việt Nam sang Trung Quốc trong tháng 3 duy trì mức 9,6 USD/kg, tăng nhẹ so với tháng 1. Tuy nhiên, giá tôm chân trắng vẫn ở mức thấp (6,6 USD/kg), cho thấy sức ép cạnh tranh từ Ecuador và Ấn Độ vẫn hiện hữu.
Trong khi đó, xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 124 triệu USD (tăng 20%), sang Hàn Quốc đạt 77 triệu USD (tăng 16%). Thị trường Nhật Bản có nhu cầu cao với tôm chế biến và sản phẩm đông lạnh tiện lợi. Tuy nhiên, giá xuất khẩu đang có xu hướng giảm sau đợt tăng mạnh đầu năm: tôm chân trắng từ 9,5 xuống 8,4 USD/kg; tôm sú từ 14,7 xuống 13,6 USD/kg. Hàn Quốc cũng ghi nhận biến động giá, phản ánh sự cạnh tranh từ các nước châu Á khác.
Một thị trường lớn khác là khu vực châu Âu cũng ghi nhận những tăng trưởng lạc quan. Xuất khẩu tôm sang EU trong quý đầu năm nay đạt 107 triệu USD, ghi nhận mức tăng trưởng khả quan 33%. Giá xuất khẩu trung bình tôm chân trắng đi EU đang đi ngang (7,6 USD/kg), trong khi giá tôm sú tăng nhẹ lên 10,9 USD/kg trong tháng 3.
Tại thị trường Mỹ, xuất khẩu tôm cũng ghi nhận tăng trưởng trong quý I/2025, đạt 134 triệu USD, tăng 11%. Mỹ cũng là thị trường được ghi nhận có mức giá cao nhất. Giá trung bình xuất khẩu tôm chân trắng trong tháng 3 đạt 10,9 USD/kg, giá tôm sú ở mức 17,7 USD/kg - ổn định hơn so với các thị trường khác.
Tuy nhiên, thị trường Mỹ đã và đang chịu tác động mạnh từ việc Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế quan đối ứng với tất cả các quốc gia nhằm giảm thâm hụt thương mại, bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam vào thị trường Mỹ phải đối mặt với thuế nhập khẩu mới cùng với sức ép từ 2 vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp.
Đáng ngại hơn, Mỹ đã nâng mức thuế đối với hàng hóa Trung Quốc lên 125%, trong khi tạm hoãn áp thuế đối ứng 90 ngày với các nước không trả đũa. Bối cảnh này có thể khiến Trung Quốc có thể chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường EU, Nhật Bản và Hàn Quốc, gia tăng đáng kể áp lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam tại các thị trường này.
Trong bối cảnh hiện tại, VASEP đánh giá, việc chuyển hướng xuất khẩu, tìm các thị trường mới với doanh nghiệp Việt Nam cũng không hề dễ dàng. Chẳng hạn như với khối các quốc gia trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), xuất khẩu tôm của Việt Nam vào các quốc gia nhóm này đạt 269 triệu USD (tăng 40%).
Tuy nhiên, thực tế là tôm Việt Nam chủ yếu xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản và Canada. Thị trường tại các nước khác được đánh giá là quy mô nhỏ; nhu cầu có xu hướng giảm; ngoài ra, chi phí logistics cao và có không ít rào cản mang tính kỹ thuật.
Trong tháng tới, xuất khẩu tôm Việt Nam dự kiến tiếp tục tăng. Dù vậy, mục tiêu đạt 4 tỷ USD trong năm 2025 vẫn rất thách thức do ảnh hưởng từ thuế đối ứng của Mỹ và áp lực cạnh tranh toàn cầu - VASEP đưa ra dự báo.