Xuất khẩu tôm: Ngoài Mỹ, Nhật và EU, còn những thị trường tiềm năng nào khác cho 2022?
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, 2 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt trên 550 triệu USD, tăng 46,3% so với cùng kỳ. Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất của tôm Việt Nam.
Xuất khẩu 2 tháng tăng hơn 46% so với cùng kỳ
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thu ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), năm 2021, có hơn 300 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu tôm nước lợ đến 103 thị trường với kim ngạch xuất khẩu đạt 3,9 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2020. Trong đó 8 thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất là Mỹ, CPTPP, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Nga và Đài Loan.
Cũng theo Tổng thư ký VASEP, 2 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt trên 550 triệu USD, tăng 46,3% so với cùng kỳ. Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất của tôm Việt Nam. Với sự hồi phục nhu cần của chuỗi HORECA (chuỗi nhà hàng, khách sạn, dịch dụ ẩm thực) và với thế mạnh tôm chế biến, dự báo xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ năm 2022 sẽ tiếp tục tăng.
“Nhật là thị trường lớn và là thị trường truyền thống của xuất khẩu tôm Việt Nam, chiếm 15% tổng giá trị xuất khẩu tôm trong nhiều năm. Trong 2 tháng đầu năm thị trường này cũng đã có dấu hiệu khởi sắc với giá bán bình quân cao nhất so với các thị trường khác. Mặc dù hiện nay Indonesia và Ấn độ đang đẩy mạnh xuất khẩu tôm, đặc biệt là tôm sú sang thị trường này. Tuy nhiên tôm Việt Nam vẫn chiếm thị phần cao nhất tại Nhật.
Cùng với đó nhu cầu tiêu thụ tôm tại thị trường Châu Âu cũng bắt đầu tăng trở lại, đặc biệt tại Anh, Đức, Hà Lan, Bỉ,...
Với những thuận lợi về mặt thị trường như vậy, VASEP dự báo xuất khẩu tôm Việt Nam trong năm 2022 có khả năng tăng trưởng từ 10-12%,kim ngạch xuất khẩu đạt 4,2 – 4,3 tỷ USD”, ông Hòe nhận định.
Theo Tổng cục Thủy sản ngành tôm năm 2021 đã có sự bức phá mạnh mẽ với diện tích nuôi gần 800.000ha, sản lượng tôm nuôi các loại đạt gần 1 triệu tấn, tăng 4,3 % so với năm 2020.
Vẫn còn nhiều thách thức
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, mặc dù năm 2021, các doanh nghiệp xuất khẩu bị ảnh hưởng rất nặng nề bởi dịch COVID-19 nhưng bằng sự nỗ lực khắc phục khó khăn, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy, hải sản đã tiệm cận 50 tỷ USD, vượt kế hoạch đề ra, đây là một kế quả rất ấn tượng. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt gần 9 tỷ USD, tăng gần 6% so với năm 2020 và 2 tháng đầu năm 2022 tiếp tục đà tăng, đây là một kết quả rất đáng khích lệ.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Tiến, bên cạnh những kết quả đạt được thì hạ tầng ngành nông nghiệp nói chung, hạ tầng nuôi thủy sản nói riêng vẫn còn rất yếu kém, đặc biệt là tỷ lệ vùng nuôi ô nhiễm môi trường ngày càng cao; con giống mặc dù đã được kiểm tra, thanh tra đột xuất nhưng vẫn còn số lượng lớn con giống không rỏ nguồn gốc được cung cấp cho vùng nuôi.
Mặt khác do vùng nuôi chưa bền vững dịch bệnh diễn biến phức tạp; chiến tranh Nga Ukraine, nguyên liệu đầu vào như ngô tăng 30%, đậu tương tăng 10%, giá xăng dầu tăng cao. Cùng với đó, là khó khăn trong quản lý vùng nuôi, chế biến, logistics…nên hoạt động sản xuất, chế biến, xuất khẩu năm 2022 dự báo sẽ có nhiều thách thức mà cả chuỗi ngành hàng cần nỗ lực vượt qua.
Còn theo đại diện VASEP, xuất khẩu tôm năm 2022 sẽ có 5 thách thức, đó là dịch bệnh có chiều hướng tăng, chi phí thức ăn khó kiểm soát, việc tiếp cận nguồn tôm giống sạch bệnh còn hạn chế, rào cản thương mại các nước nhập khẩu càng khắt khe hơn và với sự cạnh tranh xuất khẩu, dự báo giá xuất khẩu sẽ tăng không theo kịp mức tăng của chi phí đầu vào. Cùng với sản lượng tôm nuôi tương đương năm 2021 nên có thể vào cao điểm sản xuất sẽ xảy ra tình trạng thiếu nguyên liệu cục bộ.
Để khắc phục tình trạng này, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP đề xuất các địa phương có thế mạnh nuôi tôm nước lợ mạnh dạng mở rộng diện tích, nuôi thâm canh, quảng canh cải tiến để nâng sản lượng vượt qua mốc 1 triệu tấn, đảm bảo cho chế biến xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.