Xuất khẩu vào EU: Cần tự giác tuân thủ quy định
Thị trường EU nổi tiếng khó tính, nông sản xuất khẩu vào thị trường này đòi hỏi phải đáp ứng rất nhiều tiêu chuẩn.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) Trần Ngọc Quân – nông sản là mặt hàng được bảo hộ tại EU, do đó doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều biện pháp bảo hộ khi xuất khẩu vào thị trường này. Các nước EU cũng có quy định rất cao và chặt chẽ về dư lượng thuốc kháng sinh, thuốc trừ sâu, nguồn gốc xuất xứ các mặt hàng nông sản.
Dù EU đã vượt Mỹ, trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Việt Nam, nhưng mục tiêu tăng thị phần tại thị trường này không dễ thực hiện. Theo chuyên gia Tổ chức xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển Hà Lan (CBI) Nguyễn Ngọc Sơn, việc doanh nghiệp trong nước không tuân thủ đầy đủ và nghiêm ngặt các quy định về chất lượng, truy xuất nguồn gốc là khá phổ biến. Đã có trường hợp, năm nay doanh nghiệp tuân thủ các quy định, đủ điều kiện xuất khẩu, nhưng sang năm không tuân thủ nữa và bị dừng hợp đồng. Như vậy, ý thức tự giác tuân thủ quy định của doanh nghiệp trong nước còn hạn chế cũng chính là rào cản cho mở rộng thị phần của nông sản Việt Nam tại EU.
Trước hiện trạng trên, đại diện CBI khuyến cáo, EU có muôn vàn rào cản về pháp lý, do đó buộc doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu thông tin và đáp ứng đầy đủ, ổn định các quy định mới có thể xuất khẩu bền vững. Do khoảng cách địa lý xa, chi phí tiếp cận thị trường cao, doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu về chi phí, rủi ro để cân bằng được bài toán xuất khẩu. Doanh nghiệp cũng nên nghiên cứu tạo sự khác biệt nào đó cho nông sản Việt trên thị trường EU.
Đặc biệt, khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được thực thi, sự khác biệt là rất lớn, đó là xuất khẩu vào EU, nông sản Việt sẽ được hưởng thuế suất 0%. Ngoài ra, số lượng quốc gia có hiệp định thương mại tự do với EU không ít, nhưng tập trung vào sản xuất nông sản thì không nhiều. Như vậy có thể thấy, cánh cửa thị trường EU đã rộng mở cho nông sản Việt Nam.
Tuy nhiên, để bước qua cánh cửa này, doanh nghiệp trong nước cần đặc biệt chú ý đến chất lượng sản phẩm. Không chỉ ở giai đoạn vận chuyển mà phải kiểm soát chặt chẽ toàn bộ quy trình sản xuất. Minh bạch về nguồn gốc xuất xứ giúp nhà nhập khẩu thuận lợi phân luồng an toàn thực phẩm.