Xuất khẩu vững đà tăng trưởng


Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt gần 186 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy doanh nghiệp đã thích ứng tốt với bối cảnh sau dịch COVID-19 và tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do.

Hồi phục mạnh mẽ

Theo số liệu Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa quý II ước đạt 96,8 tỷ USD, tăng 8,7% so với quý I và tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 185,94 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước.

Dù tăng trưởng tốt nhưng xuất khẩu vẫn đối mặt với nhiều thách thức.
Dù tăng trưởng tốt nhưng xuất khẩu vẫn đối mặt với nhiều thách thức.

Một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao như điện thoại và linh kiện 28,58 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 27 tỷ USD... Nhóm nông, lâm, thủy sản mang về 15,8 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước; nổi bật là thủy sản 5,8 tỷ USD (tăng 39,6%), cà phê 2,3 tỷ USD (tăng 49,7%), hạt tiêu 566 triệu USD (tăng 14%)... Một số nhóm hàng nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu xuất khẩu cũng tăng cao như hóa chất đạt 1,7 tỷ USD, tăng 59,3%; nguyên liệu, phụ liệu dệt may, da giày đạt 1,2 tỷ USD, tăng 20,6%...

Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch 6 tháng đạt 55,9 tỷ USD, tăng 22,5%. Tiếp đến là Liên minh châu Âu 23,6 tỷ USD, tăng 21,6% và Trung Quốc 26,3 tỷ USD, tăng 7%.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 6 tháng ước đạt 185,23 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước 65,23 tỷ USD, tăng 15,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 120 tỷ USD, tăng 15,6%. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 710 triệu USD.

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), đạt được kết quả khả quan này là nhờ doanh nghiệp đã chủ động thích ứng, điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp, hiệu quả. Đặc biệt, Việt Nam ngày đang tận dụng tốt các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết.

Nghĩ khác về xuất khẩu nông sản

Tuy vậy, theo các chuyên gia, từ nay đến cuối năm, xuất khẩu vẫn đối mặt nhiều thách thức. TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, cả dịch bệnh và tình hình kinh tế thế giới đều diễn biến khó lường. “Không biết kinh tế Mỹ có bị suy thoái  không, giá đồng đôla biến động thế nào? Cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine kéo dài đã tác động nhiều đến thị trường dầu khí và các sản phẩm lương thực như lúa mỳ, lúa mạch...”.

Để giữ vững xuất khẩu, theo TS. Lê Đăng Doanh, Việt Nam cần nỗ lực đa dạng hóa thị trường để giảm bớt phụ thuộc vào một số thị trường chính. Các mặt hàng nông sản chủ lực như tôm, gạo... phải gia tăng chế biến sâu để phù hợp với thị hiếu của thị trường. Đồng thời, đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ liên quan đến kinh tế số. “Đặc biệt, phải cố gắng giảm gánh nặng giá xăng dầu, kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp và thị trường. Đây là vấn đề đặt ra trong ngắn hạn cũng như dài hạn”, ông Doanh nhấn mạnh.  

Với ngành nông nghiệp, để đạt mục tiêu xuất khẩu 55 tỷ USD, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng, nông sản Việt đã có mặt ở 185 thị trường, vấn đề quan trọng là chất lượng sản phẩm thế nào? “Cần tăng cường hiệu quả bảo quản ở các vùng nguyên liệu và tập trung để cung cấp cho xuất khẩu; tập trung vào những sản phẩm chủ lực xuất khẩu có triển vọng, có giá trị cao; xem xét đẩy mạnh xuất khẩu bằng đường hàng không để bảo đảm chất lượng hàng hóa”. Theo ông Thủy, xuất khẩu nông sản bây giờ phải suy nghĩ sang hướng đi chậm lại nhưng tăng hiệu quả, tăng giá trị sinh lợi và tăng số lượng vào những thị trường đã có, đấy mới là cách làm tốt nhất.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, khuyến cáo các doanh nghiệp tận dụng tối đa lợi ích các hiệp định thương mại tự do mang lại. Tại những thị trường có đòi hỏi cao, doanh nghiệp phải đặc biệt quan tâm đến tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm. Với kim ngạch xuất khẩu ngày một lớn, hàng hóa Việt Nam sẽ phải đối mặt rào cản thương mại của các nước sở tại. Do đó, doanh nghiệp cần chủ động, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương để kịp thời ứng phó.