Xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ 10 tháng năm 2016
Xuất, nhập khẩu hàng hóa
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu thực hiện tháng Chín đạt 15.418 triệu USD, cao hơn 418 triệu USD so với số ước tính, trong đó điện thoại và linh kiện cao hơn 513 triệu USD; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng cao hơn 78 triệu USD; sắt thép cao hơn 45 triệu USD; gạo cao hơn 38 triệu USD; thủy sản cao hơn 36 triệu USD; hàng dệt may thấp hơn 133 triệu USD; phương tiện vận tải và phụ tùng thấp hơn 51 triệu USD.
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Mười ước tính đạt 15,50 tỷ USD, tăng 0,5% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 4,43 tỷ USD, tăng 3,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 11,07 tỷ USD, giảm 0,8%.
Một số mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch giảm so với tháng trước: Điện thoại và linh kiện giảm 3,9%; hàng rau, quả giảm 17,9%; sắt thép giảm 25,2% (lượng giảm 25%). Bên cạnh đó, một số mặt hàng chủ lực có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh: Điện tử, máy tính và linh kiện tăng 9,3%; thủy sản tăng 8,1%; giày dép tăng 7,8%.
So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Mười tăng 8,3%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 6,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 9,2%. Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Rau quả tăng 36,7%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 29,8%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 25,9%; hàng dệt, may tăng 7,3%.
Tính chung 10 tháng năm nay, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 144,1 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 41,4 tỷ USD, tăng 4,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 102,7 tỷ USD, tăng 8,1%.
Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng gia công, lắp ráp (với tỷ trọng lớn thuộc về các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Điện thoại và linh kiện đạt 28,3 tỷ USD, tăng 10,3%; dệt may đạt 19,9 tỷ USD, tăng 5,2%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 14,8 tỷ USD, tăng 15,6%; giày dép đạt 10,4 tỷ USD, tăng 6,9%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 8,3 tỷ USD, tăng 24,9%.
Một số mặt hàng nông sản và nguyên liệu thô có kim ngạch giảm so với cùng kỳ năm trước: Gạo đạt 1,9 tỷ USD, giảm 16,3% (lượng giảm 20,6%); dầu thô đạt gần 2 tỷ USD, giảm 39,6% (lượng giảm 22,2%); sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 809 triệu USD, giảm 26,5% (lượng giảm 13,2%); hóa chất đạt 763 triệu USD, giảm 1,0%.
Về thị trường hàng hóa xuất khẩu 10 tháng năm 2016, Hoa Kỳ vẫn là thị trường dẫn đầu với 31,8 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2015. Tiếp đến là EU đạt 27,3 tỷ USD, tăng 7,4%; Trung Quốc đạt 17,3 tỷ USD, tăng 23,9%; Nhật Bản đạt 12 tỷ USD, tăng 3,4%; Hàn Quốc đạt 9,5 tỷ USD, tăng 29,1%; riêng xuất khẩu sang thị trường ASEAN đạt 14,2 tỷ USD, giảm 7,6%.
Về sự cố Galaxy Note 7: Trong tháng Chín, sự cố lỗi pin của sản phẩm Galaxy Note 7 của Samsung dẫn đến quyết định của Công ty là thu hồi, ngừng xuất khẩu sản phẩm này nên kim ngạch xuất khẩu hàng điện thoại và linh kiện (trong đó xuất khẩu của Công ty Samsung chiếm tỷ trọng chủ yếu trong nhóm hàng này) được dự báo sẽ sụt giảm.
Thực tế cho thấy, sự cố Galaxy Note 7 có ảnh hưởng đến hoạt động của Samsung Việt Nam, làm giảm lợi nhuận nhưng hiện tác động chưa đáng kể đến kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này. Nguyên nhân là do một phần sản phẩm Galaxy Note 7 được phân phối ngay tại thị trường trong nước, trong khi xuất khẩu sản phẩm này hiện chiếm tỷ trọng không lớn.
Mặt khác, Samsung Việt Nam đã đẩy mạnh xuất khẩu các dòng sản phẩm điện thoại khác để bù vào sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu của Galaxy Note 7. Trong 15 ngày đầu tháng Mười, kim ngạch xuất khẩu của riêng nhóm hàng điện thoại và linh kiện đạt 1,35 tỷ USD, tăng 2,1% so với 15 ngày đầu tháng 10/2015. Ước tính kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng điện thoại và linh kiện tháng 10/2016 tăng 5% so với cùng kỳ năm 2015.
Dự báo sự cố Galaxy Note 7 sẽ tác động trực tiếp đến việc giảm kim ngạch xuất khẩu nói chung, nhưng mức độ sẽ không lớn. Sự cố này cũng có thể ảnh hưởng gián tiếp tới việc tiêu thụ và xuất khẩu các dòng sản phẩm khác của Samsung.
Tuy nhiên, với thế mạnh về kiểu dáng và giá cả cạnh tranh, dự báo mức độ tác động giảm kim ngạch xuất khẩu trong hai tháng còn lại của năm 2016 sẽ không nhiều (có thể làm tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của cả năm 2016 giảm khoảng 0,3 điểm phần trăm).
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu thực hiện tháng Chín đạt 14.554 triệu USD, thấp hơn 546 triệu USD so với số ước tính, trong đó: Điện tử máy tính và linh kiện thấp hơn 163 triệu USD; vải thấp hơn 90 triệu USD; kim loại thường khác thấp hơn 61 triệu USD; hóa chất thấp hơn 35 triệu USD; sản phẩm chất dẻo và sợi dệt cùng thấp hơn 34 triệu USD; nguyên phụ liệu dệt may, giày dép thấp hơn 32 triệu USD; chất dẻo thấp hơn 28 triệu USD.
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Mười ước tính đạt 15,70 tỷ USD, tăng 7,9% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 6,30 tỷ USD, tăng 10,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 9,40 tỷ USD, tăng 6,4%.
Kim ngạch một số mặt hàng nhập khẩu phục vụ sản xuất tăng: Điện tử máy tính và linh kiện tăng 6,7%; vải tăng 18,4%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 174,8%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Mười tăng 13,4%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 12,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 14,1%.
Tính chung 10 tháng năm 2016, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu đạt 140,6 tỷ USD, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 57,4 tỷ USD, tăng 2,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 83,2 tỷ USD, tăng 1,9%.
Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước giảm so với cùng kỳ năm trước: Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 22,5 tỷ USD, giảm 1,5%; điện thoại và linh kiện đạt 8,5 tỷ USD, giảm 6,3%; nguyên phụ liệu dệt may, giày dép đạt 4,2 tỷ USD, giảm 0,7%; xăng dầu đạt 3,8 tỷ USD, giảm 15,3% (lượng tăng 17,7%); thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu đạt 2,8 tỷ USD, giảm 1,1%; hóa chất đạt 2,5 tỷ USD, giảm 2,8%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,5 tỷ USD, giảm 18,4%; bông đạt 1,4 tỷ USD, giảm 2,1%; phân bón đạt 906 triệu USD, giảm 21,8%.
Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 22,7 tỷ USD, tăng 17,5%; vải đạt 8,5 tỷ USD, tăng 1,3%; sắt thép đạt 6,6 tỷ USD, tăng 4,9%; chất dẻo đạt 5,0 tỷ USD, tăng 2,6%; kim loại thường khác đạt 4,0 tỷ USD, tăng 16%; sản phẩm chất dẻo đạt 3,6 tỷ USD, tăng 15,6%.
Về thị trường hàng hóa nhập khẩu 10 tháng năm 2016, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch đạt 40,3 tỷ USD, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Hàn Quốc đạt 25,8 tỷ USD, tăng 10,8%; ASEAN đạt 19,1 tỷ USD, giảm 2,8%; Nhật Bản đạt 12,2 tỷ USD, tăng 1,7%; EU đạt 9,1 tỷ USD, tăng 6,4 %; Hoa Kỳ đạt 6,7 tỷ USD, tăng 0,6%.
Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng Chín xuất siêu 864 triệu USD. Tháng Mười ước tính nhập siêu 200 triệu USD, tính chung 10 tháng năm 2016 xuất siêu 3,52 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 15,96 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 19,48 tỷ USD.