“Xương sống” của chiến lược hiện đại hóa Kho bạc Nhà nước

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Thực hiện chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước (KBNN) đến năm 2020, KBNN đã xây dựng và trình phê duyệt kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) 5 năm giai đoạn 2011 - 2015, đề án hiện đại hóa ứng dụng CNTT đến năm 2020.

“Xương sống” của chiến lược hiện đại hóa Kho bạc Nhà nước
KBNN tăng cường ứng dụng CNTT. Nguồn: internet

Làm chủ hệ thống

Với mục tiêu chung là xây dựng nền hành chính công phục vụ người dân và doanh nghiệp, KBNN đang tăng cường nghiên cứu và triển khai các dịch vụ công điện tử, từ đó tạo ra các kênh giao dịch và kênh thông tin trực tuyến giữa cơ quan này với các tổ chức, cá nhân có quan hệ với ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, KBNN đã thiết lập hệ thống hạ tầng CNTT tương đối mạnh gồm hệ thống máy chủ, máy trạm, máy in, thiết bị  tin học... tạo thành một mạng diện rộng với tất cả các mạng cục bộ của các đơn vị KBNN cấp huyện, tỉnh và trung ương tạo ra một cơ sở hạ tầng vững chắc cho việc vận hành các chương trình phần mềm ứng dụng của ngành.

Với việc hình thành Trung tâm dữ liệu tập trung hiện đại đặt tại trụ sở cơ quan KBNN, cùng với chiến lược xây dựng các ứng dụng sử dụng cơ sở dữ liệu tập trung đặt tại trung tâm, khả năng sẵn sàng của hệ thống CNTT cho vận hành một hệ thống quản lý hiện đại đang dần được cải thiện.

KBNN cũng đã từng bước hình thành đội ngũ cán bộ tin học từ trung ương đến địa phương vừa nắm vững công nghệ vừa am hiểu nghiệp vụ. Đội ngũ cán bộ CNTT của KBNN đã chủ trì xây dựng, triển khai và duy trì vận hành nhiều chương trình ứng dụng, hệ thống mạng, và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của ngành.

Đặc biệt,  các cán bộ tin học địa phương (sau khi được tập huấn) đã tự triển khai công việc ngay tại đơn vị mình mỗi khi có một ứng dụng mới thay vì  các cán bộ tin học tại trung ương phải đến từng địa phương như trước kia. Có thể nói, với mô hình này, đội ngũ cán bộ tin học trong toàn hệ thống kho bạc đang tiếp cận và dần tiến đến làm chủ các hệ thống công nghệ.

Những mục tiêu cơ bản

Đến năm 2015, KBNN sẽ cung cấp đầy đủ thông tin cho các cơ quan, đơn vị là khách hàng và các đối tượng quan tâm đến hoạt động của ngành; cung cấp các dịch vụ công điện tử cho các đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư, người nộp thuế (doanh nghiệp và người dân), từ đó tạo cơ sở bước đầu cho việc hình thành Kho bạc Điện tử đến năm 2020. Ngoài ra, KBNN sẽ ứng dụng CNTT đầy đủ toàn diện, hiệu quả, an toàn bảo mật trong các nghiệp vụ cơ bản của ngành, từng bước hiện đại hóa quản lý và điều hành nội bộ hệ thống KBNN...

Song song với các mục tiêu này, KBNN sẽ hiện đại hóa công tác thanh toán theo phương thức nâng cấp, mở rộng hệ thống thanh toán song phương và trao đổi thông tin thanh toán song phương với các ngân hàng thương mại; từng bước tập trung ngân quỹ KBNN, nâng cao khả năng thanh khoản của hệ thống kho bạc, đảm bảo xử lý các giao dịch thanh toán nhanh chóng, kịp thời; quản lý ngân quỹ KBNN vừa an toàn vừa hiệu quả.

Bên cạnh đó, KBNN sẽ hoàn thiện các hệ thống kiểm soát chi ngân sách nhà nước theo hướng nâng cấp, xây dựng hệ thống kiểm soát thanh toán vốn đầu tư, vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư, vốn chương trình mục tiêu đầu tư theo mô hình tập trung toàn ngành tài chính; giao diện và tích hợp chặt chẽ với hệ thống Tabmis (hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc); hình thành hệ thống các ứng dụng kiểm soát chi ngân sách nhà nước một cách đầy đủ, toàn diện, tự động hóa cao, làm hạt nhân cho hệ thống thông tin tài chính tích hợp (GFMIS).

Lãnh đạo KBNN cho biết, để thực hiện tốt những mục tiêu đã đề ra, sẽ huy động các nguồn lực để triển khai các đề án, dự án ứng dụng CNTT với quan điểm: Ứng dụng CNTT là nền tảng để thực hiện chiến lược phát triển KBNN.

Trước mắt, KBNN sẽ hoàn thiện cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của các bộ phận CNTT tại trung ương và cấp tỉnh; đào tạo về quản lý, quản trị quá trình triển khai dự án ứng dụng CNTT và tăng cường phát huy vai trò cho các cán bộ quản lý, cán bộ chủ chốt thuộc các lĩnh vực nghiệp vụ khi tham gia quá trình ứng dụng; tăng cường đào tạo kỹ năng về ứng dụng cho cán bộ, công chức của hệ thống; bồi dưỡng, đào tạo chuyên sâu cho cán bộ, công chức chuyên trách theo vị trí công việc cũng như cho lãnh đạo các cấp.