“Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn…” *
(Tài chính) Trong kho tàng tri thức quý báu của nhân loại, hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh về lối sống giản dị đã trở nên quá đỗi thân quen, gần gũi. Người đã để lại cho muôn đời sau một tấm gương đạo đức mà mỗi khi soi vào đấy, thấy tâm hồn mình trong sáng hơn, hành vi và con người như được nâng cao hơn.
Học theo tấm gương vĩ đại
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm tới vấn đề đạo đức nói chung và đạo đức công vụ nói riêng. Theo Người, để thiết lập một nền công vụ mạnh mẽ, sáng suốt của dân, hoạt động vì nhân dân và chịu sự kiểm soát, bãi miễn bởi nhân dân; một nền công vụ có hiệu lực từ Trung ương đến cơ sở, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên trau dồi đạo đức của mình.
Đặc biệt, Người luôn căn dặn cán bộ, đảng viên ngành Tài chính: “Phải ra sức học tập, quản lý tài sản quốc gia mà Ngành mình phụ trách. Đồng thời, phải trau dồi đạo đức cách mạng: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, một lòng, một dạ phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân”. Lời dạy của Người về phẩm chất “Cần, kiệm, liêm, chính” đã là một trong những chuẩn mực đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên ngành Tài chính và đặc biệt của cán bộ, đảng viên trong hệ thống Kho bạc Nhà nước và đã trở thành một việc làm hàng ngày của mỗi cán bộ, đảng viên.
Học tập và làm theo những chuẩn mực đạo đức của Bác không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm vinh dự và tự hào của mỗi cán bộ, đảng viên trong hệ thống Kho bạc Nhà nước nói chung và cán bộ đảng viên làm công tác kho quỹ nói riêng.
Nhiều “bông hoa đẹp”
Hơn 23 năm xây dựng và phát triển hệ thống Kho bạc Nhà nước, công tác quản lý kho quỹ luôn có một vị trí hết sức quan trọng, góp phần thực hiện tốt chức năng quản lý quỹ ngân sách nhà nước, đảm bảo an toàn tuyệt đối tiền, tài sản của quốc gia. Là đơn vị có nhiệm vụ đặc thù, công việc luôn phải tiếp xúc với tiền bạc, việc kiểm soát thanh toán các khoản chi trả của ngân sách nhà nước nhiều cám dỗ, nhưng các cán bộ kho quỹ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nói không với tiêu cực, đảm bảo tuyệt đối về tài sản.
Mỗi cán bộ, đảng viên ngành Kho bạc học và làm theo Bác thể hiện qua việc luôn nêu cao trách nhiệm công vụ, kiểm soát các khoản chi chặt chẽ, chi đúng, chi đủ và kịp thời theo quy định, đảm bảo an toàn tuyệt đối tiền và tài sản của Nhà nước.
Thành tích trả lại hơn 500.000 món tiền thừa cho khách hàng với số tiền lên đến 160 tỷ đồng, là một minh chứng đáng tự hào của đội ngũ cán bộ kho quỹ Kho bạc Nhà nước, là hành động và việc làm thiết thực theo tấm gương đạo đức Bác Hồ. Mỗi năm, Ngành lại có thêm hàng trăm cán bộ tự nguyện trả tiền thừa cho khách hàng được Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước khen thưởng.
Các cán bộ Kho bạc Nhà nước từ Trung ương đến địa phương luôn là những “bông hoa đẹp”, có nhiều tấm gương về phẩm chất trung thực, đạo đức trong sáng. Mặc dù hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng nhiều người trong số họ đã cố gắng, nỗ lực vượt lên chính bản thân mình, sẵn sàng trả lại những món tiền thừa cho khách hàng chỉ với lý do rất giản đơn là để giữ cho chữ “Tâm” trong sáng với khách hàng và chữ “Liêm” với nghề.
Có thể kể đến những tấm gương điển hình về sự vượt khó cũng như giữ tâm và đức thanh liêm, trong sáng như trường hợp của chị Vũ Thị Hồng Xuân, cán bộ kiểm ngân Kho bạc Nhà nước Hải Dương. Là một người phụ nữ đẹp người, đẹp nết như chính tên chị nhưng hoàn cảnh gia đình rất éo le, chồng chị mất khi con còn nhỏ dại, bản thân bị ung thư. Một trường hợp khác là chị Nguyễn Thị Liên, trưởng quỹ Kho bạc Nhà nước Sơn Trà - Đà Nẵng, chồng bị bệnh thần kinh, thường xuyên đập phá nhà cửa; Chị Lê Thị Bích Liên, cán bộ kho quỹ - Kho bạc Nhà nước TP. Huế và còn rất nhiều tấm gương khác... Cuộc sống gia đình các chị đầy ắp những khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần, một mình các chị vừa phải hoàn thành công việc cơ quan, vừa phải thực hiện thiên chức của một người mẹ, người vợ, làm trụ cột gia đình, có những lúc các chị tưởng chừng như không thể vượt qua nổi.
Nhưng nhờ có sự quan tâm, động viên, giúp đỡ của anh em, bạn bè, đồng nghiệp và bằng chính nghị lực của mình, các chị đã vượt qua tất cả để hoàn thành xuất sắc công việc được giao. Các chị luôn tâm niệm “đói cho sạch, rách cho thơm” để giữ một tấm lòng trong sáng với đời, với nghề. Hàng năm, các chị đã trả lại nhiều món tiền thừa, có những món tiền lên tới cả trăm triệu đồng, bằng tài sản mà cả đời các chị ao ước cũng khó có thể có được.
Một tấm gương xúc động hơn cả mà hẳn những ai làm trong ngành Kho bạc chắc vẫn còn nhớ mãi và tôn vinh là anh Trần Văn Cao, kiểm ngân Kho bạc Nhà nước Hà Giang. Anh Cao mặc dù bị bệnh hiểm nghèo, vay nợ từng ngày để chữa bệnh, nhưng khi thấy khách hàng để quên túi tiền, anh sẵn sàng trao trả lại cho người để quên. Năm 2005, do căn bệnh hiểm nghèo, anh đã ra đi mãi mãi, nhưng đã để lại trong lòng chúng ta một tấm gương sáng về chữ “Liêm” trong nghề và phẩm chất trung thực của người cán bộ kho quỹ Kho bạc Nhà nước.
Khắc ghi lời dạy của Bác, mỗi cán bộ, đảng viên Chi bộ Kho quỹ nói riêng và hệ thống Kho bạc Nhà nước nói chung nguyện sẽ phấn đấu hết mình thực hiện theo tư tưởng và tấm gương đạo đức của Bác, góp phần xây dựng chi bộ, Đảng bộ cơ quan Kho bạc Nhà nước Trung ương luôn giữ vững danh hiệu “trong sạch, vững mạnh”.
_________________
Bài đạt giải nhất cuộc thi Thuyết trình “Tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về đạo đức công vụ trong ngành Tài chính” do Đảng ủy KBNN Trung ương tổ chức năm 2013. Tít bài do BBT đặt.
Bài đăng trên Thông tin Công tác Đảng số 3 (12 – 2013)