Yếu tố ảnh hưởng đến công nợ phải thu của các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm Việt Nam
Bài viết phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến công nợ phải thu của các doanh nghiệp ngành sản xuất thực phẩm. Sử dụng dữ liệu từ các báo cáo tài chính của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn năm 2018 - 2022 với tổng 145 quan sát, kết quả hồi quy mô hình REM cho thấy, hàng tồn kho, thu nhập ròng, vốn chủ sở hữu là các yếu tố tác động ngược chiều với tỷ lệ khoản phải thu, trong khi đó tài sản lưu động ảnh hưởng cùng chiều.
Giới thiệu
Trong kinh doanh, ở khía cạnh tài chính, doanh nghiệp (DN) nào có chính sách quản trị tốt thì đứng vững và ngược lại dễ dẫn đến giải thể. Một trong những yếu tố các DN thường xuyên gặp phải là quản trị dòng tiền không tốt dẫn đến mất khả năng thanh toán, đặc biệt vai trò của khoản phải thu trong dòng tiền là rất quan trọng. Khoản phải thu ảnh hưởng đến dòng tiền, từ đó quyết định đến hiệu quả kinh doanh của DN vì lợi nhuận và tiền thường ít đi cùng nhau.
DN quản lý các khoản công nợ phải thu tốt, DN sẽ ít công nợ, khả năng thanh toán dồi dào, ít bị chiếm dụng vốn. Điều đó giúp DN chủ động vốn đảm bảo cho quá trình kinh doanh thuận lợi. Ngược lại, khi tình hình tài chính của DN gặp khó khăn sẽ dẫn đến tình trạng chiếm dụng vốn lẫn nhau dây dưa kéo dài. Do đó, việc quản lý tốt khoản phải thu là vấn đề quan trọng cần được quan tâm.
Khi có những chính sách quản trị khoản phải thu phù hợp, không những đánh giá được sự tín nhiệm khách hàng của chính DN mà còn cho biết mức độ tín nhiệm của DN đối với nhà cung cấp. Vai trò quản trị khoản phải thu của DN sản xuất trong nền kinh tế thị trường là không thể phủ nhận. Do đó, nghiên cứu này đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến chính sách quản trị khoản phải thu của các DN ngành sản xuất thực phẩm được niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Cơ sở lý thuyết và bằng chứng thực nghiệm
Khoản phải thu là số tiền mà một công ty ghi nhận nợ phải thu do đã bán sản phẩm của mình cho khách hàng theo hình thức cấp tín dụng (Kontuš, 2013). Các yếu tố chính để công ty quyết định tăng hay giảm các khoản phải thu là theo đặc thù ngành và các chính sách thu tiền, có thể kể đến bao gồm:
- Thu nhập ròng: Petersen và Rajan (1997) cho rằng, thu nhập ròng có mối quan hệ nghịch biến với khoản phải thu. Tuy nhiên, nghiên cứu của Vaidya (2011) thì kết luận rằng, khoản phải thu lại tương quan thuận với thu nhập ròng. Thực tế cũng cho thấy, thông thường khi khoản phải thu tăng sẽ kéo theo doanh thu tăng, từ đó lợi nhuận cũng tăng theo. Điều này thể hiện tỷ lệ thuận giữa hai khoản này.
- Quy mô: Một công ty lớn với tiềm lực tài chính mạnh và ổn định thì họ sẵn sàng tăng cấp tín dụng, chấp nhận bị chiếm dụng vốn trong một thời gian nhất định, giảm khả năng thanh toán ngắn hạn. Do đó, với tình hình tài chính đủ mạnh thì vốn lưu động của công ty vẫn đảm bảo cung cấp cho hoạt động kinh doanh diễn ra bình thường và đảm bảo khả năng thanh toán ở mức phù hợp nhưng họ sẽ tăng được khả năng cạnh tranh giúp mở rộng thị phần.
- Tài sản lưu động: Theo kết quả nghiên cứu của Vaidra (2011) thì tài sản lưu động có quan hệ đồng biến với tín dụng thương mại ròng. Tín dụng thương mại ròng bằng hiệu số khoản phải thu và khoản phải trả, thể hiện khoản phải thu thuận chiều với tín dụng thương mại ròng. Khi tăng khoản phải thu (chỉ số tín dụng thương mại ròng tăng) thì tài sản lưu động cũng tăng theo vì khoản phải thu là một thành phần của tài sản lưu động.
- Tăng trưởng doanh thu: Tác giả Trần Ái Kết (2017) cho rằng, công ty có tăng trưởng doanh thu cao thì tín dụng thương mại ròng sẽ lớn. Trái lại, Phan Đình Nguyên và Trương Thị Hồng Nhung (2014) khẳng định giữa tăng trưởng doanh thu và tín dụng thương mại ròng có mối tương quan nghịch. Thực tế, khi hợp đồng bán hàng được ký kết thì kế toán sẽ ghi nhận tăng khoản phải thu. Cuối mỗi quý và năm tài chính, các khoản phải thu sẽ được tập hợp lại thành doanh thu. Điều này cho thấy, khoản phải thu tăng (tín dụng thương mại ròng tăng) thì doanh thu sẽ tăng và ngược lại.
- Hàng tồn kho: Sự tác động của hàng tồn kho là trực tiếp khoản phải thu. Đối với một DN, đặc biệt là DN sản xuất, thành phẩm tồn kho rất lớn. Kế toán sẽ ghi nhận tăng khoản phải thu và giảm hàng tồn kho khi hàng hóa được ký kết bán hàng. Nghiên cứu của Vaidya (2011), Phan Đình Nguyên và Trương Thị Hồng Nhung (2014) cũng đều kết luận rằng, mối quan hệ giữa tỷ lệ hàng tồn kho và tín dụng thương mại ròng là nghịch biến.
- Vốn chủ sở hữu: Thực tế cho thấy, các công ty có vốn chủ sở hữu cao thì hoạt động kinh doanh của công ty hiệu quả. Do đó, các công ty thắt chặt chính sách tín dụng, kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn, vì vậy khoản phải thu giảm. Ngược lại, đối với DN có vốn chủ sở hữu thấp thì nên mở rộng tín dụng thương mại nhằm nâng cao uy tín khách hàng, thu hút được khách hàng vì thế khoản phải thu tăng.
- Số năm hoạt động: Công ty càng hoạt động lâu năm thì sẽ có khoản phải thu cao. Điều này cũng khẳng định trong nghiên cứu của Trần Ái Kết (2017) số năm hoạt động có tác động tích cực đến tín dụng thương mại ròng, vì nó cũng là yếu tố tác động tích cực tới khoản phải thu theo nhiều nghiên cứu (Petersen và Rajan, 1997).
Mô hình và phương pháp nghiên cứu
Mô hình nghiên cứu
Dựa trên lý thuyết và các nghiên cứu thực nghiệm, mô hình các yếu tố ảnh hưởng đến khoản phải thu được xây dựng như sau:
KPTit = α0 + β1HTKit + β2QMit + β3TUOIit + β4TNRit+ β5TSLDit + β6DTit + β7VCSHit + εit (1)
Trong mô hình (1), biến phụ thuộc là KPT thể hiện công nợ phải thu của DN i tại thời điểm t, các biến độc lập bao gồm: Hàng tồn kho (HTK), quy mô (QM), thời gian hoạt động (TUOI), thu nhập ròng (TNR), tài sản lưu động (TSLD), doanh thu (DT), vốn chủ sở hữu (VCSH). εit là sai số của mô hình. Chi tiết đo lường biến được thể hiện trong Bảng 1.
Bảng 1: Đo lường các biến trong mô hình nghiên cứu |
|||
Biến |
Đo lường |
Ký hiệu |
|
Biến phụ thuộc |
Công nợ phải thu |
Khoản phải thu/Doanh thu thuần |
KPT1 |
(Khoản phải thu-Khoản phải trả)/Doanh thu thuần |
KPT2 |
||
Biến độc lập |
Hàng tồn kho |
Hàng tồn kho/Doanh thu thuần |
HTK |
Quy mô |
Ln(Tổng tài sản) |
QM |
|
Thời gian hoạt động |
Ln(1+ số năm hoạt động) |
TUOI |
|
Thu nhập ròng |
Lợi nhuận sau thuế/Doanh thu thuần |
TNR |
|
Tài sản lưu động |
Tài sản ngắn hạn/Doanh thu thuần |
TSLD |
|
Tăng trưởng doanh thu |
(Doanh thu thuần sau/Doanh thu thuần năm trước)-1 |
DT |
|
Vốn chủ sở hữu |
Vốn chủ sở hữu/Tổng tài sản |
VCSH |
Nguồn: Lược khảo tài liệu của tác giả
Dữ liệu nghiên cứu
Dữ liệu nghiên cứu là dữ liệu thứ cấp được thu thập từ báo cáo tài chính đã kiểm toán của 29 công ty ngành sản xuất thực phẩm có đầy đủ dữ liệu đang niêm yết trên sàn HOSE và HNX trong giai đoạn từ năm 2018 - 2022 với tổng số 145 quan sát.
Phương pháp phân tích
Hồi quy với dữ liệu bảng được ước lượng bằng hai mô hình: Mô hình tác động cố định (FEM) và mô hình tác động ngẫu nhiên (REM). Kiểm định Hausman được sử dụng để lựa chọn mô hình FEM hay REM. Đồng thời, các kiểm định liên quan đến mức độ tin cậy của mô hình hồi qui với dữ liệu bảng cũng được thực hiện một cách thích hợp như: Kiểm định đa cộng tuyến thông qua hệ số nhân tử phóng đại phương sai (VIF) và phương sai sai số thay đổi thông qua kiểm định Wald (Modified Wald test for groupwise heteroscedasticity) (Baltagi, 2008).
Kết quả nghiên cứu và thảo luận
Thống kê mô tả biến
Bảng 2: Thống kê các biến |
|||||
Tên biến |
Số quan sát |
Giá trị trung bình |
Độ lệch chuẩn |
Giá trị nhỏ nhất |
Giá trị lớn nhất |
Biến phụ thuộc |
|||||
KPT1 |
145 |
0,1963 |
0,1822 |
0,0253 |
0,9367 |
KPT2 |
145 |
-0,2366 |
0,4276 |
-3,4536 |
0,7356 |
Biến độc lập |
|||||
HTK |
145 |
0,2577 |
0,3855 |
0,0191 |
4,1376 |
QM |
145 |
6,1293 |
0,7090 |
4,6831 |
8,0635 |
TUOI |
145 |
1,0947 |
0,1283 |
0,6990 |
1,3424 |
TNR |
145 |
0,0472 |
0,1093 |
-0,9181 |
0,5288 |
TSLD |
145 |
0,6323 |
0,4757 |
0,1408 |
4,7703 |
DT |
145 |
0,0900 |
0,3356 |
-0,8725 |
2,1324 |
VCSH |
145 |
0,5068 |
0,2117 |
-0,1582 |
0,9578 |
Nguồn: Tính toán từ số liệu nghiên cứu
Qua số liệu thống kê ở Bảng 2 cho thấy, sự khác biệt giữa hai biến phụ thuộc KPT1 và KPT2. Biến KPT1 (khoản phải thu) trung bình là 0,1963 và độ lệch chuẩn thấp hơn, trong khi biến KPT2 (tín dụngthương mại ròng) trung bình là -0,2366 và độ lệch chuẩn cao hơn. Ngoài ra, sự chênh lệch giá trị lớn nhất và nhỏ nhất của hai trường hợp là khá lớn. Các biến độc lập có sự chênh lệch khá lớn giữa giá trị lớn nhất và nhỏ nhất. Điều này cho thấy, trong ngành có sự khác biệt lớn giữa các công ty nhu là tài sản ngắn hạn, dài hạn; vốn chủ sở hữu, khoản phải thu, quy mô, tuổi đời và tùy theo chính sách, hoạch định của các nhà quản trị khác nhau sẽ có sự khác nhau của các công ty.
Kết quả hồi quy
Bảng 3: Kết quả mô hình hồi quy REM |
||
Biến độc lập |
Mô hình tác động ngẫu nhiên (REM) |
|
KPT1 |
KPT2 |
|
HTK |
-0,453*** (0,093) |
-0,571*** (0,173) |
QM |
-0,0167 (0,017) |
-0,0808** (0,032) |
TUOI |
-0,187 (0,144) |
-0,401** (0,191) |
TNR |
-0,0909** (0,042) |
1,390*** (0,510) |
TSLD |
0,497*** (0,089) |
-0,101 (0,145) |
DT |
-0,00774 (0,034) |
0,0808 (0,068) |
VCSH |
-0,154** (0,065) |
0,484*** (0,161) |
Số quan sát |
145 |
145 |
R2 |
69,60% |
84,93% |
F |
471,32*** |
718,38*** |
Ghi chú: *,**,*** hệ số có ý nghĩa thống kê lần lượt tại mức ý nghĩa 10%, 5%, 1%. Giá trị sai số chuẩn điều chỉnh nằm trong dấu ngoặc đơn.
Nguồn: Tính toán từ dữ liệu nghiên cứu
Sau khi xem xét mức độ tương quan, mức độ đa cộng tuyến giữa các biến và lựa chọn phương pháp hồi quy, mô hình hồi quy sẽ được thực thi. Kết quả kiểm định Hausman cho thấy, ước tính REM là phù hợp hơn, tuy nhiên mô hình lại tồn tại hiện tượng phương sai sai số thay đổi. Do đó, để khắc phục sai phạm trên, kiểm định sai số chuẩn điều chỉnh Robust được áp dụng.
Trường hợp biến phụ thuộc là KPT1: Thu được 4 trên 8 biến độc lập được đưa vào mô hình hồi quy có ý nghĩa thống kê lần lượt là 1%, 5%, 1%, và 5%, là các biến HTK, TNR, TSLD và VCSH. Trường hợp biến phụ thuộc là KPT2: Thu được 6 trên 8 biến độc lập được đưa vào mô hình hồi quy có ý nghĩa thống kế lần lượt là 1%, 5%, 5%, 1%, 1% và 1%, đó là các biến HTK, QM, TUOI, TNR, VCSH và TSCD.
- Hàng tồn kho (HTK): Biến hàng tồn kho có ảnh hưởng ngược chiều đến khoản phải thu. Kết quả này phù hợp với kết quả nghiên cứu của Vaidya (2011). Sự tác động tiêu cực này là do giai đoạn 2018 - 2022 kinh tế có nhiều biến đổi, điều kiện kinh doanh khác nhau.
Để giảm chi phí lưu trữ kho và vấn đề hàng hóa gần quá hạn, các công ty thường gây áp lực cho bộ phận bán hàng để bán nhanh khối lượng hàng tồn này. Để giảm được lượng hàng tồn kho còn giúp tăng doanh bằng cách mở rộng cấp tín dụng phải thu làm tăng giá trị khoản phải thu.
- Quy mô (QM): Quy mô của công ty là biến tác động đến KPT2 (tín dụng thương mại ròng) và có mức tác động là -0,0808. Điều này cho thấy kết quả trái với Petersen và Rajan (1997). Sự tác động của quy mô doanh nghiệp đến tín dụng thương mại ròng thường do khó khăn trong việc thực hiện chính sách tín dụng trong cùng ngành. Những công ty lớn với lợi thế đáp ứng nguồn sản phẩm nên có khả năng cạnh tranh cao và dễ dàng mở rộng hay thu hẹp điều khoản tín dụng.
- Thời gian hoạt động (TUOI): Thời gian hoạt động có tác động ngược chiều đến KPT2. Lý do để giải thích cho kết quả này là do giai đoạn 2018 - 2022, đặc biệt là năm 2020, 2021 đầy khó khăn mọi mặt do dịch bệnh. Các công ty lâu năm gặp nhiều khó khăn hơn các công ty mới. Không chỉ tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn mà các công ty lâu năm phải chịu thêm nhiều chi phí lãi vay, các chi phí từ việc hoạt động đầu tư dài hạn mà các doanh nghiệp mới thường ít hơn hoặc không có. Vì vậy, để duy trì nguồn vốn lưu động đảm bảo cho hoạt động chính là sản xuất kinh doanh, công ty thường rất hạn chế cấp tín dụng phải thu.
- Thu nhập ròng (TNR): Yếu tố này ảnh hưởng ngược chiều đến KPT1 nhưng cùng chiều đến KPT2. DN thực hiện chính sách thu hẹp cấp tín dụng. Khi tăng doanh thu (thu nhập ròng tăng) thì tiền mặt cũng tăng, đồng thời giảm khoản phải thu vì công ty đang cần tái sản xuất ngay. Nhưng nếu công ty được nhà cung cấp cho nợ, tức là công ty tăng khoản phải trả. Nên công ty không cần tiền mặt để tái sản xuất vì được mua chịu. Khi đó, công ty sẽ mở rộng cấp tín dụng, tăng khoản phu và sẽ tăng lợi nhuận ròng (giá trị nguyên liệu thấp hơn giá trị thành phẩm).
- Tài sản lưu động (TSLD): Tài sản lưu động là một khoản mục được cấu thành từ khoản phải thu và hàng tồn kho là chủ yếu với các công ty ngành sản xuất thực phẩm. Khi khoản phải thu tăng (các yếu tố khác không đổi) thì tài sản lưu động cũng tăng và ngược lại. Thực tế, các DN sản xuất luôn có các khoản phải thu vì tính đặc thù của ngành có dòng tiền ra vào thường xuyên
- Vốn chủ sở hữu (VCSH): Để lý giải cho sự tác động của vốn chủ sở hữu với khoản phải thu khác chiều với khi tác động đến tín dụng thương mại ròng cũng được giải thích trên mối quan hệ với khoản phải trả. Thực tế cho thấy, khi công ty có vốn chủ sở hữu cao thể hiện hoạt động kinh doanh của công ty hiệu quả. Vì thế các công ty thường thắt chặt tín dụng, kiểm soát chặt nguồn vốn, nên khoản phải thu của công ty giảm.
Kết luận và khuyến nghị
Trong mối quan hệ tài chính giữa các DN, những DN đóng vai trò người mua hàng thường cố gắng kéo dài thời hạn thanh toán. Ngược lại, DN là nhà cung cấp thường mất khá nhiều thời gian để quản lý các khoản phải thu, để vừa giữ được khách hàng, vừa thu được tiền bán hàng, vì vậy cần phải quản lý các khoản phải thu một cách hiệu quả.
Từ những số liệu thu thập trong giai đoạn 2018 - 2022 của 29 DN ngành sản xuất niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nghiên cứu chỉ ra rằng hàng tồn kho, thu nhập ròng, vốn chủ sở hữu tác động nghịch với khoản phải thu và tài sản lưu động là thuận chiều. Bên cạnh yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến khoản phải thu, cũng phải xem xét các yếu tố tác động đến tín dụng thương mại ròng. Trong đó, hàng tồn kho, quy mô, tuổi đời, tài sản cố định tác động nghịch với tín dụng thương mại ròng và thuận chiều là thu nhập ròng, vốn chủ sở hữu.
Từ kết quả nghiên cứu, nhằm giúp các DN ngành sản xuất thực phẩm nâng cao hiệu quả quản trị công nợ phải thu, tác giả khuyến nghị, các DN có vốn chủ sở hữu cao nên thu hẹp hoạt động cấp tín dụng phải thu, vì vốn chủ sở hữu cao thể hiện công ty có nguồn vốn mạnh, kết quả kinh doanh tốt dẫn đến tăng lợi nhuận giữ lại.
Để đảm bảo khả năng thanh khoản tốt, phòng ngừa rủi ro trong ngắn hạn cho DN, cần duy trì mức tài sản lưu động phù hợp với nhu cầu sử dụng của công ty. Ngoài ra, một hệ thống tín dụng phải thu tốt cho phép nhà quản trị có thể kiểm soát khả năng chi trả của khách hàng một cách tương đối. Có chi phí vốn đầu tư thấp, cho phép các DN có thể mở rộng điều khoản tín dụng hơn so với các đối thủ cạnh tranh trong ngành.
Tài liệu tham khảo:
- Phan Đình Nguyên và Trương Thị Hồng Nhung (2014), Các yếu tố ảnh hưởng đến tín dụng thương mại của các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam. Tạp chí Công nghệ ngân hàng, số 4, trang 39 - 46;
- Baltagi, B. H. (2008), Econometric Analysis of Panel Data, Wiley;
- Kontuš, E. (2013), Management of accounts receivable in a company. Ekonomska misao i praksa, (1), 21-38;
- Petersen, M. A., & Rajan, R. G. (1997), Trade credit: theories and evidence. The review of financial studies, 10(3), 661-691.Vaidya, R. R. (2011). The determinants of trade credit: Evidence from Indian manufacturing firms. Modern Economy, 2(05), 707;
- Vaidya, R. R. (2011), The determinants of trade credit: Evidence from Indian manufacturing firms. Modern Economy, 2(05), 707.