Yếu tố giúp doanh nghiệp ở các nước mới nổi thu lợi nhuận cao
Sau 2 năm thụt lùi, lợi nhuận của các doanh nghiệp ở các nền kinh tế mới nổi năm 2016 đã vượt lên trên các nền kinh tế phát triển nhờ sự hồi phục mạnh mẽ của thị trường hàng hóa nguyên liệu và chiến lược cắt giảm chi phí.
Sự khởi sắc của thị trường hàng nguyên liệu
Theo báo cáo của Ngân hàng Thụy Sỹ UBS, tính chung toàn bộ các thị trường mới nổi, lợi nhuận bình quân trên vốn chủ sở hữu (ROE) đã tăng từ mức 10,2% trong tháng 4/2016 lên 10,55% trong tháng 12/2016. Tuy thấp hơn đáng kể so với mức đỉnh điểm 16% trong năm 2007, nhưng tỷ suất lợi nhuận này cao hơn con số 10,22% của khu vực các nền kinh tế phát triển.
Ông Geoff Dennis - phụ trách bộ phận thị trường mới nổi toàn cầu của UBS - cho rằng, ROE của các nền kinh tế mới nổi bắt đầu giảm từ giữa năm 2011, song đã "chạm đáy" và tăng trở lại.
Trong khi đó, theo đánh giá của ông Alistair Way - phụ trách mảng chứng khoán thị trường mới nổi thuộc Standard Life Investments - ROE của các doanh nghiệp tại các thị trường mới nổi đã tốt hơn so với dự báo của giới phân tích và cao hơn các nước phát triển, nhờ sự hồi phục của giá cả nhiều mặt hàng nguyên liệu, đặc biệt là trong nửa cuối năm 2016.
Trong đó, công ty năng lượng và khai khoáng được hưởng lợi nhuận nhiều nhất. Sự khởi sắc của thị trường hàng nguyên liệu là yếu tố giúp khu vực Mỹ Latin, Đông Âu, Trung Đông và châu Phi có sự phục hồi ấn tượng về ROE hơn so với khu vực châu Á trong năm 2016.
Tận dụng thời cơ để cắt giảm chi phí, tái cơ cấu
Nhiều công ty đã tận dụng thời cơ thuận lợi để thực hiện tái cơ cấu. Ông Stephen Parr,thuộc quỹ đầu tư Aberdeen Asset Management, cho biết công ty khai khoáng Vale của Brazil đã thực hiện nhiều biện pháp cắt giảm chi phí, cân đối lại công nợ trên bảng cân đối kế toán và thắt chặt chi phí nghiên cứu-phát triển cũng như các chi phí đầu tư khác. Điều này góp phần cải thiện ROE của các doanh nghiệp.
Nhờ các nỗ lực cải cách cơ cấu, tỷ suất lợi nhuận biên của các doanh nghiệp đã có sự chuyển hướng ngoạn mục trong khoảng thời gian từ năm 2015 - 2016. ROE bắt đầu hồi phục đối với 6/10 nhóm ngành theo phân loại của UBS. Trong sáu nhóm ngành này, ngoài các nhóm ngành liên quan tới hàng hóa nguyên liệu, còn có hàng tiêu dùng, và hai nhóm ngành có sự phục hồi ROE mạnh mẽ là năng lượng và công nghiệp.
Theo ông Dennis, các nền kinh tế mới nổi trước đây đã không lường trước được quy mô cũng như tác động của cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ toàn cầu. Tuy nhiên, giờ đây, nắm bắt được thực trạng tăng trưởng yếu của kinh tế thế giới, các nền kinh tế mới nổi đã nỗ lực kiểm soát chi phí để hỗ trợ lợi nhuận.
Dẫu vậy, các doanh nghiệp của các thị trường mới nổi cũng chưa áp dụng được nhiều biện pháp kiểm soát chi phí như các doanh nghiệp tại các nền kinh tế phát triển.
Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu "chạm đáy" và sản xuất công nghiệp có chiều hướng ổn định hơn, có thể ROE của các nền kinh tế mới nổi sẽ tăng vững trong dài hạn. Theo các phân tích của Ngân hàng UBS, thị trường chứng khoán các nền kinh tế mới nổi sẽ có khả năng tăng 4 - 5% trong năm nay. Tuy nhiên, nếu các công ty tập trung tăng ROE chỉ trên cơ sở cắt giảm chi phí, thì có thể thị trường sẽ không đạt được mức tăng trưởng như mong đợi.
Bên cạnh đó, giới phân tích cũng lưu ý rằng, các biện pháp thắt chặt chi phí mà các nền kinh tế mới nổi đang áp dụng có thể là "con dao hai lưỡi". Tuy chính sách cắt giảm chi phí đầu tư và kiềm chế mở rộng hoạt động áp dụng ở các nước phát triển kể từ cuộc khủng hoảng tài chính có thể là hợp lý và cần thiết, song những biện pháp này lại góp phần làm kinh tế suy giảm.
Chính vì vậy, nếu doanh nghiệp tại các nền kinh tế mới nổi tiếp tục đi theo lối mòn này, khả năng kinh tế toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn từ chiến lược cắt giảm chi phí.