Yếu tố hấp dẫn dòng vốn ngoại

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Theo ông Andy Ho, kinh tế Việt Nam tính đến thời điểm cuối tháng 9/2013 đang tỏ rõ dấu hiệu khá ổn định.

 Yếu tố hấp dẫn dòng vốn ngoại
Cam kết vốn FDI vào Việt Nam khá cao và có khả năng lên đến 20 tỷ USD vào cuối năm. Nguồn: internet
Đồng tiền ổn định

Phiên giao dịch ngày 23/10/2013 tại HSX, nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài mua vào 10,8 triệu cổ phiếu, bán ra 4,1 triệu cổ phiếu, giá trị mua ròng đạt 135,2 tỷ đồng. Như vậy, đây là phiên mua ròng liên tục thứ 20 trên HSX của khối ngoại, tính từ phiên giao dịch ngày 26/9/2013. Tổng giá trị mua ròng ghi nhận lên đến 992,4 tỷ đồng. Có thể nói, mặt bằng giá thấp chính là một trong những yếu tố hấp dẫn dòng vốn ngoại.

Nhận định lạc quan nói trên được ông Andy Ho, Giám đốc đầu tư của Tập đoàn VinaCapital đưa ra tại Hội nghị thường niên các NĐT của mình, vừa diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh. Mỗi năm, VinaCapital đều tổ chức gặp mặt các NĐT tại Việt Nam nhằm cung cấp những thông tin về thị trường, nền kinh tế, hoạt động của VinaCapital…

Theo ông Andy Ho, kinh tế Việt Nam tính đến thời điểm cuối tháng 9/2013 đang tỏ rõ dấu hiệu khá ổn định. Lạm phát tăng xấp xỉ 5% so với hồi đầu năm và dự đoán cuối năm đạt khoảng 6,5% hoặc 7%, thấp so với những năm gần đây. Theo ông, các NĐT nước ngoài đều mừng vì điều này.

Trong khi đó, tiền đồng tương đối ổn định so với USD, lãi suất dự đoán trong khoảng 6,5 - 7,5% và sẽ tiếp tục ổn định do chênh lệch lãi suất giữa tiền đồng và USD lớn, người dân, NĐT sẽ tiếp tục dùng tiền đồng gửi tiết kiệm, mua trái phiếu, đầu tư tài sản… Cán cân thương mại hàng hóa quốc tế cân bằng. Cam kết vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khá cao và có khả năng lên đến 20 tỷ USD vào cuối năm.

“Điều quan trọng hơn là đã giải ngân hơn 10 tỷ USD vốn FDI cho các khoản đầu tư xây nhà máy, bất động sản…”, ông Andy Ho nhận định.

Những yếu tố khiến tỷ giá của Việt Nam ổn định cũng được vị chuyên gia này nêu ra như để khẳng định thêm về triển vọng kinh tế. Theo đó, tỷ giá của một số nước đã biến động rất mạnh. Mới đây, do Chính phủ Mỹ công bố thông tin về khả năng giảm lượng tiền mua trái phiếu dài hạn, lượng tiền tại một số thị trường bị rút về khiến cho đồng nội tệ rớt giá rất nhanh.

Tuy nhiên, đồng tiền Việt Nam lại không bị xáo trộn nhiều bởi số vốn FDI đổ vào Việt Nam khá lớn...

“Yếu tố thứ hai giúp tiền đồng ổn định là dự trữ ngoại tệ của Việt Nam tăng lên hơn 30 tỷ USD và khả năng lên 40 tỷ USD vào cuối năm rất cao”, ông Andy Ho nói.

Nhiều chính sách ưu đãi

Chia sẻ với các NĐT nước ngoài tại hội nghị, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng công bố những thông tin khả quan về tình hình kinh tế Việt Nam. Theo đó, lãi suất cho vay sẽ tiếp tục được duy trì theo hướng hạ thấp và tăng trưởng tín dụng tiếp tục có chuyển biến tích cực; xuất khẩu vẫn duy trì đà tăng trưởng cao với mức tăng dự kiến 14% cho cả năm 2013; hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp dù còn nhiều khó khăn nhưng đã có những chuyển biến tích cực…

Phó thủ tướng cho biết, Chính phủ Việt Nam đang tích cực thực hiện một số giải pháp như tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế ở 3 khâu đột phá chiến lược là hoàn thiện những thể chế kinh tế thị trường, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính, phát triển nhanh nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng cơ cấu hệ thống hoạt động đồng bộ.

Về thể chế chính sách, các bộ, ngành đang rà soát lại hệ thống pháp luật để sửa đổi các mâu thuẫn chồng chéo, giảm thiểu thủ tục hành chính nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và minh bạch hơn. Về nguồn nhân lực, sẽ đầu tư cho mục tiêu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 49% vào cuối năm nay, 55% vào năm 2015 và 70% vào năm 2020.

Về phát triển cơ sở hạ tầng, sẽ khuyến khích các mô hình đầu tư từ khu vực tư nhân nhằm giảm đầu tư công. Kế đến là tái cấu trúc nền kinh tế theo mô hình tăng trưởng bền vững, tập trung vào những lĩnh vực mà NĐT ngoại có khả năng và cơ hội tham gia như đầu tư công, tài chính - ngân hàng…

Theo Phó thủ tướng, Việt Nam đã và đang tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực đầu tư với mục đích tạo môi trường thuận lợi cho các NĐT và khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực sản xuất chế tạo và chế biến... đồng thời giảm mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp về 22% vào đầu năm 2014; xuống 20% vào đầu năm 2016; và ưu đãi thuế cho các dự án đầu tư vào khu công nghiệp, khuyến khích NĐT nước ngoài mở rộng hoạt động tại Việt Nam…