Yếu tố tiền bạc trong chỉ số hạnh phúc
Những chuyên gia xã hội học đều nhìn nhận rằng những người sống hạnh phúc đều mang lại nhiều giá trị tốt đẹp cho người xung quanh, giúp đất nước phát triển bền vững.
Anh Đặng Huy Thông, một hướng dẫn viên du lịch quốc tế, chia sẻ rất nhiều du khách nước ngoài thích tham quan miền Tây. Họ nói với anh: “Tôi thích nơi này vì người dân sống hạnh phúc quá. Họ có thể mời cơm bất cứ ai mà không cần thân quen. Đi chợ mua bán, bị cự nự họ vẫn cười vui được”. Anh Huy Thông nhận ra rằng tính cách cởi mở, lối sống hạnh phúc của người dân chính là “tài sản quốc gia”. Anh đặt câu hỏi: Các chuyên gia có giải pháp nào để có thể làm người Việt sống hạnh phúc hơn?
Câu hỏi của anh khiến nhiều người dự khán thích thú trong buổi ra mắt sách Hạnh phúc của người Việt Nam của PGS.,TS. xã hội học Lê Ngọc Văn.
Người Việt dễ hài lòng
Theo kết quả khảo sát trên 2.000 người thuộc các địa phương, dân tộc, tôn giáo, nghề nghiệp khác nhau trên cả nước, TS. Lê Ngọc Văn nhận thấy rằng có đến gần 82% người dân cảm thấy hài lòng về cuộc sống đang có ở các mức độ rất hài lòng, hài lòng và tương đối hài lòng.
Cuốn sách Hạnh phúc của người Việt Nam là thành quả của một công trình nghiên cứu khoa học trong năm năm của PGS.,TS. xã hội học Lê Ngọc Văn, đã được Hội đồng nghiệm thu Quốc gia đánh giá ở mức cao nhất: Xuất sắc.
Để cảm thấy hạnh phúc, đa số người dân Việt chỉ cần đáp ứng được các nhu cầu như thu nhập ổn định, gia đình hòa thuận và có sức khỏe tốt là đủ để cảm thấy hạnh phúc. Các vấn đề khác như sự thân thiện của chính quyền, xã hội tự do dân chủ, sự phát triển văn hóa, sự tự chủ, tự quyết của bản thân đều xếp sau khá xa các nhu cầu vừa kể trên.
TS. Lê Ngọc Văn trả lời anh Huy Thông: “Đúng như bạn nhận xét, người Việt có sẵn gen hạnh phúc. Họ dễ hài lòng về các nhu cầu cơ bản cá nhân”.
Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng gần một nửa số dân cho biết họ vẫn chưa hài lòng về yếu tố tiền bạc. Tiền bạc dường như là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự hạnh phúc của người Việt.
Không phải giàu có mới có thể hạnh phúc
Theo TS. Văn, nỗi lo lắng về tiền bạc khiến người dân Việt dễ hạnh phúc khi đời sống nâng lên nhưng cũng sẽ cảm thấy bất hạnh nếu đời sống bị sa sút. Đây cũng có thể là nguyên nhân của nhiều tệ nạn xã hội như tham nhũng, hối lộ, buôn lậu, mại dâm, trộm cắp...
Bà Phạm Phương Thảo, cựu chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh, chia sẻ người dân ở một số quốc gia như Bhutan hoặc Myanmar có thái độ sống hạnh phúc đáng ngưỡng mộ dù các quốc gia này còn nghèo khó.
Bà cho biết, trước đây nhiều cơ quan ở TP. Hồ Chí Minh có những chỉ dẫn mang tính mệnh lệnh, ví dụ như “Xuống xe, tắt máy, xuất trình giấy tờ”. Sau đó họ đã đổi thành những chỉ dẫn thân thiện: “Vui lòng tắt máy xe, vui lòng liên hệ tại trực ban”. Sự thay đổi cách thức giao tiếp đó khiến người dân hài lòng hơn. Sự tử tế, thân thiện đều có thể khiến mọi người xung quanhgia tăng hạnh phúc.
Hạnh phúc khiến con người sống tử tế hơn
TS xã hội học. Phạm Thị Thúy cho biết bà đã mở nhiều khóa học cho các giáo viên, giúp họ có được suy nghĩ tích cực, lạc quan và cân bằng. Theo TS. Thúy, một giáo viên vui vẻ, hạnh phúc sẽ giúp các học trò của mình vui vẻ, hạnh phúc. Các mối quan hệ xung quanh đều trở nên tích cực hơn.
Một số doanh nghiệp cũng đã mời bà tập huấn các khóa “Học hạnh phúc” cho nhân viên. Họ nhận ra rằng khi nhân viên họ hạnh phúc, họ làm việc sáng tạo và hiệu quả hơn, mọi người đối xử với nhau tốt đẹp hơn ngay cả khi có bất đồng.
TS. Văn cho biết ông đã từng đi thăm một khách sạn năm sao ở Hà Lan xây dựng trên nền của một nhà tù. Tỉ lệ tội phạm của Hà Lan thấp đến mức các nhà tù bị “ế”, phải cho nước ngoài thuê hoặc chuyển sang làm công trình khác. Một trong các kinh nghiệm của họ là xây dựng xã hội mà người dân cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc. TS. Văn nói: “Người sống hạnh phúc thì sẽ giảm bạo lực đi, sống tử tế và lành mạnh hơn. Môn học hạnh phúc thật sự là một môn khoa học mang rất nhiều lợi ích cho cá nhân người học, cho xã hội và cho quốc gia”.
TS. Văn cho biết nhiều trường đại học trên thế giới đã đưa môn học này vào dạy cho các sinh viên. Nhiều trường học quốc tế, một số tập đoàn có chức danh “giám đốc hạnh phúc” để giúp nhân viên có năng lực sống hạnh phúc.
Mong muốn sẽ có môn học hạnh phúc trong nhà trường
Môn học hạnh phúc chưa có mã ngành riêng để đào tạo nên trong trường đại học, tôi dạy cho các em sinh viên dưới hình thức là những chuyên đề. Tôi có tham vọng là môn học này sẽ được đưa vào các trường đại học, trường phổ thông để dạy cho các em. Con người cần giao tiếp được với nội tâm của mình, vượt qua những giai đoạn khó khăn, sống hạnh phúc, tử tế.
PGS.,TS. Lê Ngọc Văn