06 mục tiêu cải cách, phát triển và hiện đại hóa ngành Hải quan đến năm 2025
Nhằm hướng tới hình thành Hải quan số, Hải quan thông minh, thời gian tới, ngành Hải quan tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động nghiệp vụ hải quan theo hướng tập trung hóa, hiện đại hóa, tự động hóa công tác quản lý điều hành nghiệp vụ hải quan; các quy trình thủ tục hải quan đơn giản được số hóa tối đa.
Ngày 13/9/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã ký Quyết định số 1855/QĐ-BTC về việc ban hành “Kế hoạch Cải cách, phát triển và hiện đại hóa ngành Hải quan đến năm 2025”. Kế hoạch đề ra 06 mục tiêu cụ thể để xây dựng và phát triển Hải quan Việt Nam hiện đại đến năm 2025. Cụ thể như sau:
Một là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật quản lý nhà nước về hải quan đảm bảo cơ sở pháp lý đầy đủ để thực hiện chuyển đổi số toàn diện ngành Hải quan, triển khai Hải quan số, hướng tới Hải quan thông minh; triển khai đầy đủ, sâu rộng các cam kết, chuẩn mực quốc tế. Hình thành không gian thí điểm dịch vụ số và xây dựng khung pháp lý cho phép thử nghiệm các dịch vụ số trong quản lý nhà nước về hải quan chưa được pháp luật quy định, qua đó tổ chức đánh giá để xây dựng hành lang pháp lý cần thiết.
Hai là, đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động nghiệp vụ hải quan theo hướng tập trung hóa, hiện đại hóa, tự động hóa công tác quản lý điều hành nghiệp vụ hải quan, công tác tham mưu, thực thi nghiệp vụ kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; các quy trình thủ tục hải quan đơn giản được số hóa tối đa; các lĩnh vực nghiệp vụ được tích hợp, liên thông, tự động hóa mức độ cao; đẩy mạnh kiểm tra trước và sau thông quan, giảm tỷ lệ kiểm tra trong quá trình làm thủ tục hải quan.
Triển khai đồng bộ và đẩy mạnh quản lý rủi ro, quản lý tuân thủ trong tất cả các hoạt động nghiệp vụ hải uqan dựa trên thông tin, dữ liệu chung toàn Ngành. Nâng cao hiệu quả kiểm soát biên giới hướng tới mô hình quản lý biên giới hải quan thông minh thông qua việc tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin với các quốc gia, với cơ quan hải quan các nước có hoạt động thương mại phục vụ hoạt động quản lý hải quan.
Ba là, nâng cao hiệu quả Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN trên cơ sở đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng số hóa và xử lý tập trung thủ tục hành chính của các bộ, ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; triển khai mở rộng số lượng các thủ tục hành chính của các bộ, ngành; kết nối, trao đổi, chia sẻ thông tin giữa cơ quan hải quan với các bộ, ngành.
Bốn là, đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động quản lý điều hành ngành Hải quan. Xây dựng và tổ chức bộ máy cơ quan hải quan theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối trung gian từ Tổng cục tới các Cục Hải quan tỉnh, thành phố đáp ứng thực hiện hải quan số hướng tới hải quan thông minh và chuyển đổi số toàn diện ngành Hải quan.
Năm là, xây dựng và vận hành Hệ thống công nghệ thông tin hải quan đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số toàn diện ngành Hải quan, thực hiện Hải quan số hướng tới hải quan thông minh với cơ sở dữ liệu số hóa tối đa, tập trung cấp Tổng cục và xử lý nghiệp vụ thống nhất trên cùng hệ thống, sẵn sàng kết nối và chia sẻ dữ liệu số với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan; đảm bảo tiếp nhận và chia sẻ các bộ dữ liệu mở có chất lượng và giá trị khai thác cao, mở dữ liệu theo quy định của pháp luật để phát triển Hải quan số hiệu quả theo kiến trúc Chính phủ số...
Hiện đại hóa cơ sở vật chất, trụ sở cơ quan hải quan các cấp, trang bị phương tiện, thiết bị hiện đại phục vụ yêu cầu nghiệp vụ... đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan theo mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh và chuyển đổi số ngành Hải quan.
Sáu là, đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế về hải quan toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả thực chất nhằm phục vụ cho công tác thực thi pháp luật hải quan cũng như tiến trình cải cách, hiện đại hóa các quy trình, thủ tục hải quan; thúc đẩy hợp tác, trao đổi thông tin nghiệp vụ với hải quan khu vực và trên thế giới nhằm đảm bảo an ninh, an toàn chuỗi cung ứng, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại hợp pháp, phòng chống và ngăn chặn các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại.
Đẩy mạnh quan hệ đối tác hải quan doanh nghiệp và các bên liên quan nhằm xây dựng và thực thi hiệu quả, hiệu lực chính sách, pháp luật về hải quan, tạo thuận lợi hơn nữa trong hoạt động xuất nhập khẩu của cộng đồng doanh nghiệp.
Kế hoạch Cải cách, phát triển và hiện đại hóa ngành Hải quan đến năm 2025 đặt mục tiêu đến năm 2025 xây dựng và phát triển Hải quan Việt Nam cơ bản hoàn thành Hải quan số theo định hướng Chính phủ số, tạo nền tảng xây dựng Hải quan thông minh. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong quản lý nhà nước về hải quan gắn với cải cách, đổi mới hoạt động nghiệp vụ hải quan trong thực hiện hải quan số, tự động hóa thực hiện các chủ tục hành chính trên Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, du lịch và tải hợp pháp qua biên giới...