1.500 tấn thịt heo nhập khẩu từ Nga chuẩn bị bán ra thị trường để bình ổn giá
Gần 1.500 tấn thịt heo của Tập đoàn Miratorg (Nga) đã cập cảng Cát Lái, Phước Long (TP. Hồ Chí Minh) và cảng Hải Phòng. Lượng thịt heo này đã làm xong thủ tục kiểm dịch, đang chuẩn bị thông quan. Đây cũng là tập đoàn có sức sản xuất thịt lợn top đầu ở Nga với sản lượng đạt khoảng 500.000 tấn thịt lợn mỗi năm.
Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, ngoài nguồn cung thịt lợn trong nước, để bù đắp thiếu hụt, bình ổn giá, Việt Nam đã gia tăng lượng thịt lợn nhập khẩu. Cụ thể, Bộ không giới hạn định mức (không cấp quota) về số lượng thịt lợn nói riêng cũng như các sản phẩm động vật được phép nhập khẩu.
Ngoài số 1.500 tấn thịt kể trên, gần 2.000 tấn thịt heo của tập đoàn này cũng đang trên đường vận chuyển về Việt Nam. Về tình hình nhập khẩu thịt heo, năm 2019 Việt Nam nhập khẩu thịt heo và sản phẩm thịt heo vào khoảng hơn 67.000 tấn, tăng 63% so với năm 2018. Hai tháng đầu năm 2020, Việt Nam nhập khẩu gần 14.000 tấn, tăng 150% so với cùng kỳ năm 2019. Chủ yếu nhập từ Canada, Đức, Brazil, Ba Lan, Hoa Kỳ.
Hiện đang có 15 doanh nghiệp Việt Nam tham gia nhập, phân phối thịt heo của Tập đoàn Miratorg. Trong đó, Công ty TNHH Nhiêu Lộc đăng ký nhập số lượng lớn nhất với trên 1.100 tấn.
Song song với nhập khẩu thịt, việc tái đàn heo trong nước cũng đang được đẩy mạnh. Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) dự tính trong quý I/2020 sẽ đạt 810 tấn thịt heo, quý II đạt 950 tấn, quý III đạt 1.016 tấn, quý IV đạt 1.083 tấn. Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Phạm Văn Đông cho biết, ngoài Tập đoàn Miratorg (Nga), đơn vị cũng đang đề nghị hai doanh nghiệp khác của Nga hoàn thiện một số thủ tục, giấy tờ còn thiếu theo quy định của Việt Nam và quốc tế để tiếp tục cấp phép xuất khẩu thịt lợn vào Việt Nam trong thời gian tới.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, nhu cầu thịt heo trung bình trong năm 2019 khi chưa có dịch tả heo châu Phi là khoảng 980.000 tấn, chưa tính lượng thịt heo xuất khẩu. Như vậy, đến cuối quý II, đầu quý III/2020 Việt Nam có thể cân bằng được cung cầu thịt heo.