10 sự kiện Khoa học và Công nghệ nổi bật năm 2023
Viettel triển khai thành công trạm thu phát sóng 5G theo tiêu chuẩn Open RAN đầu tiên trên thế giới; Chính thức bàn giao quyền quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc từ Bộ KH CN về UBND TP Hà Nội; Phát triển thành công hệ thống dịch thuật lấy tiếng Việt làm trung tâm…là một trong những sự kiện khoa học và công nghệ (KHCN) nổi bật năm 2023.
Ngày 25/12, Câu lạc bộ Nhà báo Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã công bố kết quả cuộc bình chọn 10 sự kiện KHCN nổi bật năm 2023.
Các lĩnh vực được bình chọn gồm: Cơ chế chính sách; khoa học xã hội; khoa học tự nhiên; nghiên cứu ứng dụng; tôn vinh nhà khoa học, hội nhập quốc tế. Đây là năm thứ 18 hoạt động này được Câu lạc bộ Nhà báo KHCN Việt Nam tổ chức với sự tham gia của hơn 40 phóng viên chuyên theo dõi lĩnh vực KHCN của các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.
10 sự kiện KHCN Việt Nam nổi bật được các phóng viên bình chọn nhiều nhất, có số điểm cao nhất gồm:
Thứ nhất, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành nghị quyết mới về phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam.
Trên cơ sở tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 6-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương khoá X “về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành Nghị quyết số 45-/NQTW “về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới” (ngày 24/11/2023).
Nghị quyết số 45-NQ/TW đặt mục tiêu đến năm 2030: Phát triển đội ngũ trí thức về số lượng và chất lượng, nhất là đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực then chốt, trọng yếu, lĩnh vực mới đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo đảm khả thi, đồng bộ, tạo cơ hội, điều kiện, động lực cho đội ngũ trí thức phát triển toàn diện, nâng cao năng lực, trình độ và cống hiến cho đất nước. Ưu tiên bảo đảm nguồn lực cho đầu tư phát triển khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ lõi, công nghệ nguồn, công nghệ mũi nhọn; quan tâm đầu tư cho nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học lý luận chính trị, quản lý, giáo dục và đào tạo, y tế, văn hoá, văn học, nghệ thuật. Phát triển một số cơ sở nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học đạt trình độ tiên tiến, thuộc nhóm hàng đầu châu Á; trong đó Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh được xếp hạng trong nhóm 500 đại học hàng đầu thế giới. Tăng số lượng phát minh, sáng chế, công trình khoa học trong bảng xếp hạng của khu vực và thế giới; sản phẩm khoa học, công nghệ, tác phẩm văn học, nghệ thuật đỉnh cao; công trình công bố trên các tạp chí uy tín trong nước và quốc tế. Nâng chất lượng tạp chí khoa học của Việt Nam đạt trình độ khu vực và quốc tế.
Tầm nhìn đến năm 2045 của Nghị quyết số 45-NQ/TW: Đội ngũ trí thức Việt Nam lớn mạnh, có chất lượng cao, cơ cấu hợp lý, thuộc tốp đầu khu vực và tiệm cận với các nước phát triển; nhiều nhà khoa học có ảnh hưởng trên thế giới, đạt các giải thưởng quốc tế trên các lĩnh vực; nhiều tổ chức khoa học và công nghệ, cơ sở giáo dục và đào tạo đạt chuẩn quốc tế đáp ứng yêu cầu của quốc gia phát triển.
Thứ hai, chính thức bàn giao quyền quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc từ Bộ KH&CN về UBND TP Hà Nội.
Ngày 24/11/2023, tại Hà Nội, Bộ KH&CN và UBND thành phố Hà Nội tổ chức lễ bàn giao Khu Công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc về thuộc quyền quản lý của UBND thành phố Hà Nội. Khu CNC Hòa Lạc là dự án quan trọng được Chính phủ giao Bộ KH-CN triển khai thực hiện và quản lý nhằm nâng cao tiềm lực KH-CN quốc gia. Đây là khu CNC đầu tiên của cả nước được Thủ tướng Chính phủ thành lập từ năm 1998. Trải qua quá trình 25 năm hình thành, xây dựng và phát triển, đến nay Khu CNC Hòa Lạc đã thu hút được 111 dự án đầu tư (bao gồm 96 dự án trong nước và 15 dự án đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 111.500 tỷ đồng. Các nhà đầu tư đã nghiên cứu, chuyển giao, làm chủ và phát triển các CNC thuộc 55 nhóm CNC, 31 nhóm sản phẩm CNC thuộc Danh mục CNC được ưu tiên đầu tư phát triển và sản phẩm CNC được khuyến khích phát triển. Khu CNC Hòa Lạc đang quy tụ nhiều doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn của Việt Nam cũng như các dự án đầu tư của tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư và phát triển…
Phát biểu lễ bàn giao, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị, UBND Hà Nội sau khi tiếp quản Khu CNC Hòa Lạc cần bảo đảm kế thừa và phát huy các thành quả đã đạt được, bảo đảm sự ổn định, tránh gián đoạn trong công tác xây dựng, phát triển và quản lý. Đồng thời, Hà Nội cần huy động thêm các nguồn lực để tạo động lực thúc đẩy phát triển Khu CNC Hòa Lạc, bảo đảm giữ vững vai trò quan trọng của Khu CNC Hòa Lạc trong chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2030.
Thứ ba, phát triển thành công hệ thống dịch thuật lấy tiếng Việt làm trung tâm
Trong năm 2023, nhóm nghiên cứu Viện Công nghệ thông tin (thuộc Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam) đã phát triển thành công hệ thống dịch thuật lấy tiếng Việt làm trung tâm, có khả năng dịch thuật hai chiều giữa tiếng Việt và các ngôn ngữ nghèo tài nguyên của khu vực Đông Nam Á với chất lượng tương đương với các sản phẩm thương mại nổi tiếng trên thế giới. Tính đến thời điểm hiện tại, hệ thống đã có khả năng dịch hai chiều giữa các cặp ngôn ngữ bao gồm Việt - Lào, Việt - Khmer, Việt - Thái, Việt - Malaysia và Việt - Indonesia. Hệ thống được nghiên cứu phát triển dựa trên các tiến bộ mới nhất hiện nay trên thế giới trong lĩnh vực xử lý ngôn ngữ tự nhiên nói chung và dịch máy nói riêng. Các ngôn ngữ như tiếng Lào, tiếng Thái và tiếng Khmer mang lại những thách thức rất lớn khi xây dựng mô hình dịch máy, không chỉ vì sự khan hiếm của dữ liệu song ngữ mà còn vì những ngôn ngữ này rất phong phú về mặt hình thái, thiếu sự phân tách từ, phân tách câu và tính đa nghĩa. Mô hình của dịch máy của Viện CNTT đã học được cách thích ứng với tất cả những đặc điểm đặc biệt này của các ngôn ngữ nói trên. Các mô hình dịch máy được huấn luyện trên hệ thống máy chủ Nvidia A100 tại Viện Công nghệ thông tin có cấu hình tiên tiến bậc nhất ở Việt Nam hiện nay. Hệ thống dịch máy có thể dễ dàng mở rộng sang các ngôn ngữ đích mới bao gồm các ngôn ngữ dân tộc thiểu số tại Việt Nam (thường là rất nghèo tài nguyên dữ liệu) như tiếng Mường, tiếng Thái,… và cả các ngôn ngữ nước ngoài phổ biến như tiếng Trung, tiếng Pháp, tiếng Nga khi cần. Đặc biệt, hệ thống có khả năng tinh chỉnh để thích ứng với các miền ngôn ngữ chuyên sâu như y tế, luật… theo yêu cầu riêng của đối tác.
Các tính năng chính của hệ thống dịch đa ngữ này gồm: Phần mềm được cài đặt và chạy trên hệ thống máy chủ của đơn vị, cho phép đơn vị toàn quyền kiểm soát dữ liệu và ứng dụng; Có khả năng cập nhật dữ liệu, tái huấn luyện mô hình nhằm nâng cao chất lượng dịch thuật, thích ứng với lĩnh vực chuyên môn của đơn vị; Bảo đảm tuyệt đối an toàn thông tin trong quá trình sử dụng; Có thể triển khai cả trong mạng nội bộ và trên mạng Internet; Được khai thác thông qua 2 hình thức, giao diện web để người dùng trực tiếp dịch thuật và hình thức giao tiếp API cho phép các hệ thống khác kết nối thao tác; Cho phép tự động dịch thuật với nhiều định dạng khác nhau, bao gồm dạng text (.txt), dạng file văn bản được số hóa (.rtf, .doc, .docx, .pdf, .html…): Giữ nguyên khuôn dạng (format) chính của các văn bản sau dịch.
Thứ tư, phục dựng hình ảnh 3D thành công kiến trúc cung điện Kính Thiên thời Lê Sơ.
Cuối tháng 11/2023, Viện Nghiên cứu Kinh thành (thuộc Viện Hàn lâm KH-XH Việt Nam) đã công bố “Nghiên cứu giải mã và phục dựng hình ảnh 3D thành công kiến trúc cung điện Kính Thiên thời Lê Sơ”. Nghiên cứu giải mã hình thái kiến trúc điện Kính Thiên, tòa chính điện quan trọng nhất trong Cấm thành Thăng Long thời Lê sơ, là chương trình nghiên cứu khoa học rất nghiêm túc, công phu của các nhà khoa học Viện Nghiên cứu Kính thành. Trong suốt hơn 3 năm (2020 - 2023), trên cơ sở các nguồn tư liệu tin cậy của khảo cổ học, đặc biệt là kết quả nghiên cứu so sánh với kiến trúc cung điện cổ ở Đông Á, nghiên cứu mặt bằng nền móng, bộ khung giá đỡ mái, hình thái bộ mái, các loại ngói lợp mái, các nhà khoa học Viện Nghiên cứu Kinh thành đã giải mã và phục dựng 3D thành công hình thái kiến trúc điện Kính Thiên. Đây là toà điện xây dựng trên cấp nền cao, phía trước có thềm bậc đá chạm rồng, kích thước lớn gồm 11 bậc, chia làm 3 lối đi, lối chính giữa dành cho nhà vua, hai bên dành cho các quan đại thần. Chính giữa phía sau và hai bên nền điện có thể có các thềm bậc đơn bằng đá cũng chạm rồng. Trên thềm điện có lan can đá bao quanh kiến trúc gỗ được sơn son thếp màu đỏ sặc sỡ. Kiến trúc này có quy mô lớn, thuộc loại kiến trúc đấu củng, trùng diêm, trên mái lợp ngói rồng men vàng đặc sắc và được trang trí bằng các tượng đầu rồng vươn cao lên trời, tạo nên vẻ đẹp cao sang và quyền lực của vương triều.
Kết quả nghiên cứu này đã đóng góp quan trọng và thiết thực trong việc quảng bá hình ảnh di sản Hoàng thành Thăng Long, giúp hình dung rõ ràng hơn, cảm nhận sâu hơn về vẻ đẹp độc đáo, tráng lệ và kỳ bí của kiến trúc điện Kính Thiên thời Lê sơ trong Hoàng cung Thăng Long xưa, mang lại niềm tự hào về tài năng và trí tuệ sáng tạo của cha ông, góp phần làm sáng rõ và sâu sắc hơn giá trị nổi bật toàn cầu của Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, đưa giá trị di sản đến gần hơn với công chúng, tạo sự lan tỏa các giá trị văn hóa của Kinh đô Thăng Long, của Thủ đô Hà Nội - nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng các giá trị văn hiến của đất nước.
Thứ năm, làm chủ công nghệ sơn phản xạ nhiệt dùng vật liệu nano tự sản xuất trong nước.
Tiếp thu và kế thừa những thành tựu KH-CN tiên tiến trên thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng, trong năm 2023, Viện Kỹ thuật nhiệt đới (thuộc Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam) phát triển thành công công nghệ sơn phản xạ nhiệt mặt trời. Hiện tại, Viện Kỹ thuật nhiệt đới đã hoàn toàn làm chủ công nghệ chế tạo các phụ gia phản xạ nhiệt trên cơ sở vật liệu kích thước nano và ứng dụng chúng trong chế tạo sơn phản xạ nhiệt mặt trời hiệu quả cao. Sản phẩm sơn phản xạ nhiệt mặt trời do Viện chế tạo đáp ứng hoàn toàn các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe của nước ngoài và tương đương các sản phẩm nhập ngoại nhưng có hiệu quả kinh tế cao hơn đã được áp dụng tại các công trình dân dụng và quốc phòng (mái nhà xây dựng, bồn bể chứa xăng dầu, tàu cá...). Với cấu trúc bao gồm các hạt nano phản xạ nhiệt cao phân tán xen kẽ giữa các hạt micro tạo nên cấu trúc chặt khít trong nền polyme trong suốt, lớp phủ có độ phản xạ trong vùng hồng ngoại gần cao, do đó khi sử dụng sơn phản xạ nhiệt nano nhiệt độ bề mặt bồn thép có thể giảm từ 10 đến 19 độ C và nhiệt độ trong bể khoảng từ 8 đến 15 độ C so với khi sử dụng sơn thông thường. Ngoài ra, độ bền thời tiết của sơn nano cao hơn 1500 giờ thử nghiệm gia tốc thời tiết.
Các sản phẩm sơn phản xạ nhiệt mặt trời của Viện Kỹ thuật nhiệt đới (ký hiệu ITT) đã được phía Công ty SuzukaFine (1 trong 5 công ty lớn nhất về sơn của Nhật Bản, được thành lập từ 1948) thử nghiệm và đánh giá chất lượng theo tiêu chuẩn Nhật Bản JIS K 5675. Kết quả phân tích cho thấy các mẫu sơn phản xạ nhiệt mặt trời phát triển bởi Viện Kỹ thuật nhiệt đới có độ phản xạ nhiệt cao hơn nhiều so với các loại sơn phản xạ nhiệt mặt trời thương mại trong nước và quốc tế. Việc ứng dụng sơn phản xạ nhiệt mặt trời thích hợp cho bề mặt ngoài các công trình xây dựng, các bồn bể chứa nhiên liệu/hóa chất lỏng dễ bay hơi là một giải pháp hiệu quả và chi phí thấp để chống lại hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, có thể tiết kiệm tới 40% năng lượng tiêu thụ bởi thiết bị làm mát, chống thất thoát nhiên liệu/ hóa chất dễ bay hơi góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, ngăn chặn biến đổi khí hậu, góp phần phát triển bền vững, hướng tới mục tiêu mà Việt Nam đã cam kết tại hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP26).
Thứ 6, ghép tạng Việt Nam trở thành điểm sáng ghép tạng châu Á
Năm 2023, cả nước đã có thêm nhiều ca ghép tạng thành công trong đó có các ca được đánh giá là lịch sử, đưa Việt Nam trở thành một trong những điểm sáng về ghép tạng của khu vực Đông Nam Á, châu Á.
Ghép đa tạng tim - thận: Ngày 15/2, tập thể thầy thuốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức đã thực hiện ca ghép đa tạng gồm tim và thận cho một bệnh nhân bị mắc suy tim - thận giai đoạn cuối, từ một người hiến đa tạng chết não. Bệnh nhân là T.T.Q (37 tuổi ở Tây Nguyên) bị mắc bệnh cơ tim giãn, suy tim, rối loạn nhịp nặng, dẫn đến suy thận giai đoạn cuối. Ca ghép kéo dài 10 tiếng đồng hồ, từ 9 giờ tới 19 giờ cùng ngày. Sau 8 ngày, các chức năng của tim và thận của bệnh nhân đã phục hồi gần như bình thường. Bệnh nhân đã có thể ngồi dậy ăn uống và giao tiếp, không cần các phương tiện hỗ trợ đặc biệt về tim mạch và hô hấp. Đây là ca ghép đồng thời tim, thận thành công đầu tiên ở Việt Nam. Trước đó, đã có 3 ca được ghép đa tạng thành công ở các trung tâm khác, nhưng là các ca ghép gan, thận; tụy, thận.
Ca ghép tạng xuyên Việt: Ngày 26/2, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) và Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức (Hà Nội) đã có sự phối hợp về ghép tạng xuyên Việt. Trước đó, ngày 24/2, bệnh nhân M. (sinh năm 1988, ở An Giang) bị bạo bệnh, sắp rơi vào tình trạng chết não, gia đình đã quyết định thực hiện di nguyện hiến tặng các tạng còn chức năng hoạt động của anh M. Trung tâm Điều phối quốc gia đã điều phối tim đến Bệnh viện Việt - Đức, nhân sự của Bệnh viện Chợ Rẫy lên chuyến bay, mang mẫu máu của người hiến ra Hà Nội để thực hiện phản ứng chéo. Nhóm ghép tạng của Bệnh viện Việt - Đức cũng lên máy bay vào TPHCM để tiếp nhận và vận chuyển “trái tim” về Hà Nội. Đến 4 giờ sáng ngày 26/2, nhóm ghép tạng của Bệnh viện Việt - Đức đã rời Khoa Phẫu thuật Gây mê Hồi sức Bệnh viện Chợ Rẫy vận chuyển “quả tim” của người hiến ra sân bay về Hà Nội. Tại Bệnh viện Việt - Đức, với sự tham gia của hơn 40 y, bác sĩ thuộc nhiều đơn vị, sau ca ghép 8 giờ, “trái tim” của người hiến đã đập trong lồng ngực người nhận. Sau ghép, bệnh nhân nhận tim ổn định đã được đưa đến phòng Hồi sức và tiếp tục theo dõi.
Thứ 7, phát triển hệ thống tích hợp xử lý nước nhiễm phèn, nhiễm mặn
Công nghệ lọc nước nhiễm phèn và nhiễm mặn đã được Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST) và Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KIST) cùng nghiên cứu từ năm 2021, trải qua nhiều quá trình thử nghiệm trên nhiều vùng nhiễm mặn và nhiễm phèn khác nhau, tại đồng bằng sông Cửu Long đến tháng 9 năm 2023, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST) đã tối ưu hóa và hoàn thiện công nghệ để xử lử lý nước nhiễm phèn, nhiễm mặn tại đồng bằng sông Cửu Long.
Công nghệ được tích hợp hệ thống keo tụ, lắng, kết hợp hệ vi lọc, hệ lọc RO và cuối cùng là khử khuẩn bằng đèn UV trước khi đưa vào bình chứa nước sạch để sử dụng. Toàn bộ hệ thống được thiết kế trong container 20 feet, dễ dàng di chuyển, bảo đảm tính di động, đáp ứng nhu cầu cấp nước ăn, uống cho trường học, cụm dân cư, các cơ quan công sở và khu công nghiệp. Hệ thống sử dụng năng lượng mặt trời giúp tiết kiệm chi phí vận hành. Bên cạnh đó, hệ thống được thiết kế thông minh, chế độ vận hành tự động, dễ sử dụng. Hệ thống xử lý nước phèn, nước lợ thành nước sạch, đạt tiêu chuẩn nước ăn uống theo Quy chuẩn của Bộ Y tế QCVN 01-2009/BYT, với công suất 12 khối/ngày đêm. Công nghệ ban đầu đã được triển khai thử nghiệm tại trường tiểu học Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú tỉnh Bến Tre vào tháng 7/2022, hệ thống vận hành ổn định và cung cấp nước cho trên 500 học sinh. Tuy nhiên, hệ thống vận hành chưa thông minh và modul điện mặt trời phải lắp riêng, chưa tích hợp trong hệ thống container. Do đó công suất tối đa chỉ đạt 5 khối/ngày đêm và chi phí vận hành để sản xuất 1 khối nước sạch khoảng 1.800 đồng. Đến tháng 9/2023, modul điện mặt trời đã được tích hợp trong hệ thống xử lý, chế độ vận hành tự động, được thiết kế thông minh, công suất xử lý của hệ thống đạt 12 khối/ngày đêm và dễ sử dụng, ngoài ra còn có chế độ tái sử dụng nước thải của quá trình lọc RO cho vệ sinh công cộng. Nhờ quá trình tối ưu hóa này, chi phí vận hành để sản xuất 1 khối nước sạch đã giảm xuống 1400 đồng. Lãnh đạo VKIST cho biết, các hệ thống cấp nước này sẽ được lắp đặt tại tỉnh Sóc Trăng và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2024.
Thứ tám, Viettel triển khai thành công trạm thu phát sóng 5G theo tiêu chuẩn Open RAN đầu tiên trên thế giới.
Tháng 11/2023, Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (Viettel High Tech, thuộc Tập đoàn Viettel) công bố triển khai thành công trạm 5G đầu tiên trên mạng lưới sử dụng công nghệ chip ASIC hỗ trợ chuẩn mở Open RAN cho thiết bị vô tuyến 5G của Qualcomm. Viettel là đối tác đầu tiên trên thế giới triển khai sản phẩm Qualcomm vào mạng lưới với người dùng thực, tải dữ liệu thực. Đây là bước đột phá lớn không chỉ riêng ở Việt Nam mà còn với thế giới, bởi từ giai đoạn nghiên cứu, phát triển đến khi thành công trên mạng lưới thật, Viettel chỉ hoàn thiện trong vòng 8 tháng, kể từ thời điểm Viettel và Qualcomm công bố hợp tác chiến lược về 5G tại Hội nghị Di động thế giới MWC 2023 Barcelona (Tây Ban Nha) hồi tháng 2/2023. Kết quả này sẽ góp phần thúc đẩy tiến trình thương mại hóa mạng 5G tại Việt Nam và thị trường quốc tế bằng một phần thiết bị 5G trong nước sản xuất vào năm 2024.
Sự kiện trạm vô tuyến 5G được triển khai thành công trên mạng lưới thực Viettel được coi là bước đột phá, mở ra cơ hội thay đổi ngành công nghiệp sản xuất thiết bị hạ tầng mạng viễn thông do có khả năng giảm giá thành, xóa bỏ lệ thuộc vào sự độc quyền của các nhà sản xuất thiết bị khác trên thế giới. Điều này cũng sẽ giúp nâng cao năng lực tự chủ công nghệ, góp phần bảo đảm an toàn, an ninh quốc gia. Trải qua quá trình vận hành với điều kiện môi trường thực tế và tải người dùng cao, đội ngũ kỹ sư Viettel High Tech liên tục tối ưu sản phẩm, tích hợp toàn bộ hệ thống phần cứng, phần mềm trạm gốc 5G 32T32R hoàn chỉnh, tích hợp với đầu cuối và mạng lõi 5G Viettel ở môi trường thực tế đạt tốc độ 850 Mbps. Đây là tốc độ tiện cận với sản phẩm cùng loại của các vendor lớn trên thế giới. Tuân theo tiêu chuẩn mở Open RAN, thiết bị 5G của Viettel có khả năng tích hợp chéo với các phần tử mạng của các nhà cung cấp khác nhau. Giải pháp này sẽ giúp các nhà mạng triển khai mạng 5G với tốc độ cao, vùng phủ rộng, độ trễ thấp trong khi đó vẫn duy trì được chi phí đầu tư và vận hành ở mức hợp lý. Sau quá trình đưa vào mạng lưới Viettel và đạt được thành công, Viettel sẽ đưa thiết bị vào mạng lưới của mình tại 11 thị trường đầu tư và sẵn sàng cung cấp cho các nhà khai thác khác trên toàn cầu.
Thứ chín, 5 nhà khoa học Việt Nam vào bảng xếp hạng ngôi sao khoa học đang lên năm 2023
Website Research.com, cổng thông tin điện tử uy tín dành cho các nhà khoa học thế giới, đã công bố xếp hạng Best Rising Stars of Science in the World 2023 Ranking - ngôi sao khoa học đang lên xuất sắc trên thế giới 2023. Trong số 7 nhà khoa học đang làm việc tại Việt Nam có tên, 5 người trong nước và 2 người nước ngoài, gồm: GS.TS. Trần Xuân Bách (Đại học Y Hà Nội, xếp hạng 2 thế giới); TS. Trần Nguyễn Hải (trường Đại học Duy Tân, xếp hạng 603), TS. Thái Hoàng Chiến (trường Đại học Tôn Đức Thắng, xếp hạng 621), TS. Phùng Văn Phúc (Đại học Công nghệ TP HCM, xếp hạng 762) và TS. Hoàng Nhật Đức (trường Đại học Duy Tân, xếp hạng 968).
Đây là năm thứ hai bảng xếp hạng "Best Rising Stars of Science in the World" được công bố. Bảng xếp hạng gồm danh sách 1.000 nhà khoa học hàng đầu từ tất cả lĩnh vực nghiên cứu chính, trong đó thống kê chỉ xét người có công bố đầu tiên trong 12 năm trở lại đây. Tiêu chí để một nhà khoa học được đánh giá trong bảng xếp hạng toàn cầu dựa trên chỉ số General H-index (chỉ số đánh giá trên cơ sở các bài báo khoa học và giá trị trích dẫn trên tất cả các chuyên ngành), tỷ lệ đóng góp trong lĩnh vực nhất định, bên cạnh các giải thưởng và thành tựu của họ. Ở đợt xếp hạng lần này, trang research.com đã xem xét dữ liệu của 166.880 nhà khoa, có năng suất công bố và trích dẫn hàng đầu thế giới, sử dụng dữ liệu từ Google Scholar và Microsoft Academic Graph. Chỉ 1.000 nhà khoa học hàng đầu có chỉ số H cao nhất mới được đưa vào bảng xếp hạng.
Thứ mười, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn
Ngày 28/10, cơ sở hoạt động mới của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) thuộc Bộ KH&ĐT được khánh thành và đi vào hoạt động tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội). Việc khánh thành NIC cơ sở Hòa Lạc và đưa cơ sở này đi vào hoạt động chính là nỗ lực của Bộ KH&ĐT quyết tâm đưa NIC trở thành hạt nhân thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo đó, NIC sẽ là nơi quy tụ, dẫn dắt và kết nối, từng bước hoàn thiện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia. Cơ sở hạ tầng hiện đại và không gian rộng lớn sẽ giúp NIC phát huy hiệu quả vai trò của một trung tâm đi đầu, là một mắt xích quan trọng trong hệ thống trung tâm đổi mới sáng tạo để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực; phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; vận hành và phát triển Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam cũng như cung ứng dịch vụ công cho doanh nghiệp và cộng đồng.
Cùng với việc khánh thành cơ sở hoạt động mới, NIC đã tổ chức Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 (VIIE 2203), cùng một loạt hội thảo khoa học liên quan. Trong đó, đáng chú ý là các hoạt động liên quan đến việc kêu gọi đầu tư, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam, đặc biệt là từ các đối tác Hoa Kỳ. Hiện NIC cùng 3 khu công nghệ cao tại TPHCM, Hòa Lạc (Hà Nội) và Đà Nẵng với đầy đủ các điều kiện về cơ sở hạ tầng sẵn sàng đón các nhà đầu tư ngành bán dẫn với cơ chế ưu đãi cao. NIC và các khu công nghệ cao này sẽ là cầu nối quan trọng để hỗ trợ phát triển hệ sinh thái ngành bán dẫn Việt Nam. Hiện tại, NIC cùng các đối tác nước ngoài và trong nước đang tiến hành đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn cho Việt Nam ; trong đó tập trung vào các khóa đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch. Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, để triển khai nội dung hợp tác phát triển ngành bán dẫn trong Tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ, thời gian vừa qua, Việt Nam đã tích cực chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng đón nhận, hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư của Hoa Kỳ trong chuỗi cung ứng ngành bán dẫn như sau: hoàn thiện cơ chế một cửa, xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn đến năm 2030 sẽ đạt 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn.
Việc thành lập NIC cơ sở Hoà Lạc là để sẵn sàng đón nhận dự án đầu tư ngành bán dẫn với các chế độ ưu đãi nhất./.