10 sự kiện nổi bật ngành Công Thương năm 2023
Bộ Công Thương vừa công bố 10 sự kiện nổi bật của Ngành năm 2023.
1. Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nền công nghiệp hiện đại, năng lực cạnh tranh công nghiệp cao vào năm 2030.
Ngày 28/02/2023, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 165/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030. Đề án đặt mục tiêu tái cơ cấu ngành Công Thương nhằm thực hiện chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh; Tạo lập các động lực tăng trưởng mới gắn với chuyển biến về chất mô hình tăng trưởng của ngành Công Thương; Phấn đấu đến năm 2030 là nước có công nghiệp hiện đại, thuộc nhóm quốc gia có năng lực cạnh tranh công nghiệp cao.
2. Bốn Quy hoạch ngành quốc gia quan trọng về lĩnh vực năng lượng và khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt mở ra không gian phát triển mới của ngành năng lượng và khai khoáng Việt Nam.
Sau thời gian khẩn trương triển khai nghiên cứu, lập Quy hoạch, bảo đảm tuân thủ đầy đủ, nghiêm túc các quy định của Luật Quy hoạch và các Nghị quyết, Nghị định có liên quan của Quốc hội, Chính phủ, 04 Quy hoạch ngành quốc gia quan trọng thuộc lĩnh vực năng lượng và khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, (gồm: Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia; Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia; Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản và Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở ra không gian phát triển mới cho ngành năng lượng và khai khoáng Việt Nam theo hướng hiện đại, bền vững, công bằng, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phù hợp với các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và khả năng thực tế của đất nước cũng như xu thế phát triển của quốc tế.
3. Thành lập, ra mắt Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, góp phần cơ bản hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ngày 10/2/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 03/2023/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia. Sự ra đời của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đánh dấu mốc quan trọng, đảm bảo việc tổ chức, triển khai một cách đầy đủ, toàn diện Luật Cạnh tranh.
Nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Công Thương đã chủ trì xây dựng, báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội thông qua, ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) vào ngày 20/6/2023 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Đây là một dự án Luật quan trọng, có ảnh hưởng rộng đến nhiều ngành, lĩnh vực, góp phần bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
4. Tập trung tháo gỡ khó khăn, hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ nhiều dự án năng lượng quan trọng: Đưa vào vận hành Kho cảng LNG 1 triệu tấn/năm Thị Vải và triển khai loạt dự án điện khí LNG; Khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 và hoàn thành sửa chữa các tổ máy Nhiệt điện; Khẩn trương triển khai các dự án đường dây 500 kV mạch 3, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng.
Việc đưa vào hoạt động Dự án Kho cảng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) 1 triệu tấn/năm Thị Vải đã mở đường đưa sản phẩm khí thiên nhiên hóa lỏng LNG nhập khẩu với quy mô lớn nhất (1 triệu tấn) có mặt tại thị trường Việt Nam, chính thức ghi tên Việt Nam vào bản đồ LNG toàn cầu, đánh dấu bước đi quan trọng trong quá trình chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, sạch và bền vững, đồng thời góp phần đáng kể trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 được khánh thành ngày 27/4/2023 (tại xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) là nhà máy có tổng công suất lên tới 1.200 MW, quy mô công suất lớn nhất khu vực Đồng bằng Bắc bộ. Sau khi đưa vào vận hành, hằng năm, nhà máy sẽ cung cấp hơn 7,2 tỷ kWh điện cho lưới điện quốc gia.
Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo cung ứng đủ điện phục vụ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của Nhân dân, Bộ Công Thương đã tăng cường chỉ đạo, kiểm tra các nhà máy nhiệt điện than, nhanh chóng khắc phục sửa chữa các tổ máy bị sự cố ngắn hạn và dài hạn để vận hành phát điện ổn định. Đồng thời, các dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối có tổng chiều dài khoảng 515 km đang được khẩn trương triển khai. Đây là dự án trọng điểm, cấp bách, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với an ninh năng lượng quốc gia, nhất là đối với khu vực miền Bắc.
5. Phát triển thị trường ngoài nước có nhiều bước tiến quan trọng: Tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 5/7/2023 về Nâng cao hiệu quả Hội nhập kinh tế quốc tế; Hoàn thành ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Israel sau hơn 7 năm đàm phán và thống nhất kết thúc đàm phán để hướng tới sớm ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện với UAE; Tháo gỡ khó khăn xuất nhập khẩu với các tỉnh giáp Trung Quốc. Nhờ vậy, góp phần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, xuất siêu lập đỉnh mới năm thứ 8 liên tiếp.
Bộ Công Thương triển khai mạnh mẽ nhiều giải pháp phát triển thị trường ngoài nước. Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 05/7/2023 về nâng cao hiệu quả Hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023-2030 được ban hành sẽ giúp nâng cao mức độ chất lượng hội nhập kinh tế quốc tế và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đặc biệt là trong quá trình phục hồi.
Hệ thống Thương vụ phát huy hiệu quả vai trò “sứ giả kinh tế” trong hội nhập kinh tế quốc tế. Các cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài liên tục cập nhật, cung cấp kịp thời các thông tin về thị trường và các quy định, chính sách mới của các nước sở tại; cảnh báo sớm các “rào cản” mới của đối tác và các vụ kiện thương mại, giúp cho các cơ quan QLNN và DN có phản ứng chính sách phù hợp, hiệu quả.
Các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại ở trong nước và nước ngoài, góp phần quảng bá mạnh mẽ sản phẩm, thương hiệu Việt, hỗ trợ mở rộng thị trường xuất khẩu. Công tác tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi thông quan, chống ùn ứ hàng hoá xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới được triển khai có hiệu quả.
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Israel (VIFTA) được ký kết ngày 25/7/2023 mở thêm cơ hội xuất khẩu cho hàng Việt Nam. Israel là quốc gia đầu tiên tại khu vực Tây Á mà Việt Nam ký kết FTA và Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á mà Israel ký kết FTA.
Cùng với đó, Việt Nam- UAE cũng đang thúc đẩy đàm phán và sớm ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (CEPA). CEPA Việt Nam – UAE là hiệp định đầu tiên Việt Nam đàm phán với một nước Ả-rập ở khu vực Trung Đông và châu Phi, là cầu nối quan trọng cho hàng Việt đến các thị trường này.
Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng dư năm 2023 ước đạt gần 30 tỷ USD, cao gấp gần 3 lần so với năm trước, góp phần nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô.
6. Thương mại trong nước tăng trưởng tích cực, vượt mục tiêu đề ra, trở thành điểm sáng của kinh tế vĩ mô và là trụ đỡ cho tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh sản xuất công nghiệp và thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.
Hoạt động thương mại trong nước tiếp tục khai thác hiệu quả sức mua của thị trường, đạt mức tăng trưởng vượt trội so với mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Tổng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 ước tăng 9,6% so với năm 2022, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra (mục tiêu tăng 8-9%), góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
7. Thương mại điện tử tiếp tục giữ vững vị trí top đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng, tạo động lực phát triển kinh tế số và dẫn dắt chuyển đổi số
Năm 2023, Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều hoạt động về liên kết vùng phát triển thương mại điện tử (TMĐT), doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới tăng cao, TMĐT đã khẳng định được là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, tạo động lực phát triển kinh tế. Năm 2023, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam dự kiến đạt 20,5 tỷ USD, tăng khoảng 4 tỷ USD (tương đương 25%) so với năm 2022. Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới (tính đến tháng 12/2023 theo Statista).
8. Chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử tạo dấu ấn đột phá; Bộ Công Thương dẫn đầu các bộ, ngành về phục vụ người dân, doanh nghiệp trong cung cấp dịch vụ công
Bộ Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp chuyển đổi số, đặc biệt trong thực hiện thủ tục hành chính, xây dựng dịch vụ công trực tuyến với mục tiêu lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Đến tháng 11/2023, Cổng Dịch vụ công (DVC) Bộ Công Thương đang cung cấp 236 DVCTT, với hơn 49.000 doanh nghiệp tham gia khai báo. Tổng số hồ sơ nộp qua các DVCTT của Bộ là gần 1,7 triệu bộ hồ sơ, chiếm 99% tổng số hồ sơ được gửi đến; đồng thời, đã kết nối 16 nhóm DVCTT với Cơ chế một cửa quốc gia (VNSW), thực hiện 300.475 bộ hồ sơ trong năm 2023.
Riêng đối với thủ tục Cấp giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D đã trao đổi 219.068 bộ hồ sơ với các nước trong khối ASEAN kể từ đầu năm thông qua Cơ chế một cửa ASEAN (ASW). Đây là chứng từ điện tử đầu tiên của Việt Nam được gửi ra nước ngoài, tạo tiền đề để Việt Nam tiếp tục trao đổi, xử lý trực tuyến các chứng từ thương mại khác dưới dạng điện tử khác theo các thỏa thuận và cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Với những kết quả đạt được, Bộ Công Thương xếp thứ nhất trong số các bộ, ngành theo xếp hạng của Bộ Chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công (theo công bố trên Cổng Dịch vụ công quốc gia tính đến thời điểm hiện tại).
9. Ứng phó hiệu quả trong phòng vệ thương mại, bảo vệ hàng hoá xuất khẩu từ sớm, từ xa
Năm 2023, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt nhiều hơn với các vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) của nước ngoài. Tính đến hết tháng 11/2023, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là đối tượng của 239 vụ việc điều tra. Các nước đã khởi kiện 12 vụ việc PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng đã khởi xướng điều tra 27 vụ việc phòng vệ thương mại.
Bộ Công Thương thường xuyên theo dõi, đánh giá và cung cấp danh sách cảnh báo một số mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ bị điều tra PVTM. Công tác cảnh báo sớm cùng các hoạt động tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp đã đem lại những kết quả tích cực, các doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế PVTM hoặc bị áp thuế ở mức thấp so với cáo buộc ban đầu hoặc so với các nước khác cùng bị áp thuế, góp phần giữ vững nhiều thị trường xuất khẩu.
10. Chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong thực thi công vụ.
Năm 2023, Bộ Công Thương xác định kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ đối với công chức, người lao động tại các cơ quan, đơn vị là yếu tố quan trọng, tiên quyết để nâng cao hiệu quả hoạt động. Tinh thần này được thể hiện thông qua việc Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo sửa đổi, bổ sung hầu hết các quy chế, quy định trong nội bộ (như Quy chế làm việc của Ban cán sự đảng, Quy chế làm việc của Bộ Công Thương, Quy chế phối hợp công tác giữa Ban cán sự đảng với Đảng ủy và Lãnh đạo Bộ, cùng nhiều quy chế, quy đinh khác của Bộ), bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành và sự chỉ đạo, điều hành của cấp trên.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, hiệu quả thi hành pháp luật và nâng cao trách nhiệm, chất lượng, hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý điều hành tại Bộ Công Thương.