10 sự kiện quốc tế nổi bật 2017
Thế giới đã bước qua năm 2017 với nhiều cung bậc và một loạt biến động trên khắp các châu lục, trong đó rõ nhất là xu hướng trật tự đa cực mới đang được định hình với việc Mỹ rút lui còn Trung Quốc và Nga thì tiến tới.
1. Tư tưởng Tập Cận Bình được đưa vào Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) diễn ra vào tháng 10.2017 đã nhất trí đưa tư tưởng của Chủ tịch Tập Cận Bình về “Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới” vào Điều lệ Đảng. Cho đến nay, chỉ hai nhân vật trong lịch sử Trung Quốc mà tư tưởng được đưa vào Điều lệ Đảng cùng với tên riêng là ông Mao Trạch Đông, người sáng lập ra đất nước Trung Quốc hiện đại và ông Đặng Tiểu Bình - kiến trúc sư trưởng của công cuộc cải cách mở cửa ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, kể từ thời Mao Trạch Đông, đây là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo đương nhiệm có hệ tư tưởng được ghi nhận và nêu tên chính thức trong Điều lệ Đảng. “Lý luận Đặng Tiểu Bình” chỉ được nêu trong Điều lệ Đảng sau khi ông qua đời năm 1997. Vì vậy, sự kiện này có ý nghĩa vô cùng đặc biệt, cho thấy vị thế của ông Tập đã được tôn vinh sánh ngang các bậc tiền bối từng gây dựng nền tảng đất nước Trung Quốc hiện đại.
2. Sự thắng thế của các chính đảng truyền thống ở châu Âu
Nếu năm 2016, sự nổi lên của các đảng cực hữu, bài ngoại ở châu Âu trở thành xu hướng đáng lo ngại, thì năm 2017, cùng với việc kiểm soát tình hình nhập cư, sự thắng thế của chính đảng truyền thống trong các cuộc bầu cử ở Pháp, Đức đã phần nào khiến giới chức lãnh đạo châu Âu và thế giới nhẹ nhõm.
Tuy nhiên, với việc đảng cực hữu Sự lựa chọn khác cho nước Đức (Afd) giành được số phiếu kỷ lục trở thành chính đảng lớn thứ 3 trong Nghị viện Đức và việc tỷ phú Andrej Babis của Phong trào dân túy ANO trở thành Thủ tướng CH Séc, xu hướng cực hữu hóa chính trường châu Âu chắc chắn vẫn tiếp tục là vấn đề nan giải trong năm tới.
3. Mỹ công nhận Jerusalem là Thủ đô Israel
Trong một diễn biến khá bất ngờ nhưng được dự đoán trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã giữ lời hứa tranh cử khi công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel, đồng thời xúc tiến việc chuyển Đại sứ quán của Mỹ từ Tel Aviv tới thành phố này.
Tình hình Trung Đông sau tuyên bố của Mỹ “căng như dây đàn” và chắc chắn đây sẽ trở thành điểm nóng nguy hiểm trong năm 2018, nhất là trong bối cảnh để phản ứng tuyên bố của Mỹ, một số nước trong đó có Iran đã ra nghị quyết công nhận Jerusalem là Thủ đô của Palestine.
4. Bán đảo Triều Tiên căng nhưng không đứt
Tại châu Á, tình hình trên bán đảo Triều Tiên liên tục tăng “nhiệt” khi quốc gia này tiến hành 16 vụ thử nghiệm với 23 quả tên lửa, đặc biệt sau vụ thử hạt nhân thứ 6 và cũng là vụ thử có sức công phá mạnh nhất vào tháng 9.2017, sau vụ phóng tên lửa liên lục địa được coi là có khả năng bay cao và xa nhất từ trước tới nay, bao trùm cả lục địa Mỹ. “Nhiệt độ” trên bán đảo Triều Tiên còn được đo bằng màn đấu khẩu căng thẳng chưa từng có giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên và Tổng thống Mỹ.
Trong khi ông Donald Trump cảnh báo Triều Tiên có thể đối mặt với “hỏa lực và cơn thịnh nộ” thì quốc gia Đông Bắc Á không ngần ngại đe dọa sẽ “xóa sổ nước Mỹ”. Cuộc chiến ngôn từ khiến tình hình căng đến độ nhiều chuyên gia cảnh báo xung đột có thể bùng phát bất kỳ lúc nào. Tuy nhiên, cho đến nay, mọi việc vẫn trong tầm kiểm soát, bởi có lẽ tất cả các bên đều hiểu rằng, chiến tranh là thất bại.
5. Nga khẳng định vị thế tại Trung Đông
Nếu năm 2016 đánh dấu việc Nga chính thức đưa quân tham gia chống IS ở Syria thì năm 2017 đánh dấu chiến thắng của Nga trong cuộc chiến này. Các lãnh đạo Trung Đông đang đổ xô đến Moscow vì nhận thấy Mỹ có xu hướng rời khỏi khu vực, trong khi đó các sứ giả của Điện Kremlin lại liên tục đến Trung Đông. Một trật tự mới sau cuộc nội chiến tại Syria đang dần được thiết lập. Sự nổi lên mạnh mẽ của Nga và suy yếu của Mỹ ở đây cho thấy thế giới đang quay trở về thế giới đa cực hồi thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX với những nhân tố khác nhau nhưng cùng chung một mô hình.
6. Nước Mỹ và chính sách rút lui
Ông Donald Trump, tác giả cuốn “Nghệ thuật thương thuyết”, từng tự gọi mình là “người làm nên thỏa thuận” (dealmaker). Nhưng kể từ khi ngồi vào chiếc ghế Tổng thống Mỹ, ông dường như biến mình thành “người phá vỡ thỏa thuận” (dealbreaker) khi lần lượt rút nước Mỹ khỏi một loạt thỏa thuận quan trọng: Thỏa thuận khí hậu Paris, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO), Hiệp ước Di trú quốc tế và nguy hiểm nhất là Thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1.
Tất cả đều chung một lý do: Không mang lại lợi ích cho nước Mỹ. Richard Haass, Chủ tịch Hội đồng Quan hệ đối ngoại - một tổ chức khá có ảnh hưởng - đã tổng kết cay đắng: Chính sách đối ngoại của Tổng thống Donald Trump đã cho thấy rõ, ông đang theo đuổi cái gọi là “Học thuyết rút lui”.
7. Khủng hoảng ngoại giao Qatar
Trung Đông cũng nổi lên trở thành tâm điểm với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng khi Ảrập Xêút và một loạt đồng minh cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar. Đây là cuộc khủng hoảng ngoại giao lớn nhất ở vùng Vịnh trong nhiều năm qua. Sự kiện này phản ánh sự chuyển dịch chiến lược trong so sánh lực lượng ở khu vực khi Riyadh đang ngày càng nhìn nhận Iran là một quyền lực đáng gờm trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng.
8. TPP hồi sinh
Sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đã có không ít ý kiến bi quan về tương lai của hiệp định thương mại lớn nhất hành tinh này. Chính vì vậy, sự kiện TPP được hồi sinh với một tên gọi mới là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại APEC Việt Nam tháng 11.2017 đã trở thành điều kỳ diệu. Sau 36 tiếng đàm phán marathon, đôi lúc tưởng chừng bế tắc, các nước đã thống nhất được những vấn đề cốt lõi của Hiệp định này theo hướng giữ nguyên nội dung của TPP nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn một số ít nghĩa vụ để bảo đảm sự cân bằng trong bối cảnh mới. Sự kiện này không chỉ là thắng lợi của tự do hóa thương mại toàn cầu trước xu hướng bảo hộ, mà còn thể hiện vai trò dẫn dắt thành công của nước chủ nhà Việt Nam tại APEC 2017.
9. Hiểm họa từ cuộc khủng hoảng người Rohingya
Cuộc khủng hoảng người di cư Rohingya ở Myanmar đang trở thành điểm nhức nhối lớn nhất trong vấn đề an ninh và nhân đạo ở khu vực. Ngày 7.12 vừa qua, Nhóm Khủng hoảng Quốc tế công bố báo cáo cho rằng, cuộc di tản này đang gây ra nguy cơ nghiêm trọng về an ninh vì phiến quân nổi dậy Đội quân Cứu thế Arakan Rohingya (ARSA) có thể tuyển dụng những cảm tình viên trong số người tị nạn này và phát động những cuộc tấn công xuyên biên giới nhắm vào Myanmar.
10. IS bị đánh bại nhưng khủng bố vẫn tiếp diễn
Một trong những “thành tích” quan trọng của cuộc chiến chống khủng bố là sự kiện Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bị đẩy lùi tại hai thành trì quan trọng là Iraq và Syria sau gần 3 năm 6 tháng. Tuy nhiên trên thực tế, bất chấp thất bại ở Iraq và Syria, khủng bố vẫn là mối đe dọa thường trực đối với toàn thế giới trong bối cảnh những kẻ khủng bố tìm đến những chiêu thức mới để tấn công.