Ba thách thức lớn nhất đối với kinh tế Trung Quốc năm 2018
Những dự báo ở hiện tại cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới nhiều khả năng sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm 2018 ngay cả nếu không có bất kỳ một rủi ro nào quá lớn.
Bắt đầu từ năm 2018, Trung Quốc chính thức bước vào ba năm trọng điểm giải quyết các vấn đề nợ nần, đói nghèo và ô nhiễm.
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang đối diện với vấn đề lãi suất tại Mỹ tăng cao, rủi ro chiến tranh thương mại tăng lên và các mối nguy địa chính trị từ Triều Tiên, theo khẳng định của Bloomberg.
Năm 2017, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh nhất từ năm 2010. Vậy nên có thể thấy kinh tế Trung Quốc khởi đầu năm 2018 với một cái nền vững hơn rất nhiều so với những năm trước.
Tuy nhiên, đáng tiếc rằng những dự báo ở hiện tại cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới nhiều khả năng sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm 2018 ngay cả nếu không có bất kỳ một rủi ro nào quá lớn.
Chính phủ Trung Quốc cũng đã lường trước điều này, chính phủ Trung Quốc đã phát đi thông điệp về việc họ sẽ chấp nhận tăng trưởng kinh tế thấp hơn nhưng phải kiềm chế được những rủi ro trong lĩnh vực tài chính.
“Những yếu tố mất cân bằng trong nền kinh tế tiếp tục tạo ra nhiều rủi ro”, theo khẳng định của chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại IHS Markit ở Singapore, ông Rajiv Biswas.
Giới chuyên gia dự báo kinh tế Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tăng trưởng khoảng 6,5% trong năm 2018, tốc độ tăng trưởng thấp nhất từ năm 1990. Những yếu tố sau đây sẽ gây ra nhiều thách thức lớn nhất cho kinh tế Trung Quốc năm 2018:
Rủi ro trong lĩnh vực tài chính
Chính phủ Trung Quốc mới đây đã khẳng định lại cam kết ngăn chặn các rủi ro tài chính, họ coi đó như nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong vòng ba năm tới. Khi mà hệ thống tài chính Trung Quốc trở nên cởi mở hơn đối với các doanh nghiệp nước ngoài, tỷ lệ nợ/GDP quá cao, ước đạt 320% GDP vào năm 2022 có thể coi như một trong những rủi ro lớn.
Sự chững lại của ngành xây dựng
Việc thắt chặt các chính sách quản lý đối với ngành tài chính và môi trường để giảm nợ sẽ có thể gây ra nhiều biến động tiêu cực trong hoạt động xây dựng nhà ở và hạ tầng tại Trung Quốc trong năm 2018, theo nhận định của đồng trường bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Á tại HSBC Hồng Kông, ông Frederic Neumann.
Chiến tranh thương mại
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump không ngừng tuyên bố về định hướng chính sách hướng đến việc bảo hộ cho các ngành sản xuất của nước Mỹ, theo phân tích của cựu chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc tại Bộ Tài chính Mỹ, ông David Loevinger.
Chắc chắn trong năm 2018, người ta sẽ phải chứng kiến không ít lần đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc bởi một khi Mỹ thực sự áp dụng chính sách hạn chế nhập khẩu từ Trung Quốc, Trung Quốc chắc chắn sẽ trả đũa.
Fed
Nếu Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất cơ bản đồng USD với tần suất cao hơn dự báo của thị trường và đồng thời thực hiện gói giảm thuế, kinh tế Mỹ tăng trưởng cao ở mức 3,2%, chắc chắn đồng USD sẽ hút được dòng tiền đầu tư của thế giới.
Khi đó, đồng nhân dân tệ và dòng vốn vào Trung Quốc sẽ chịu nhiều áp lực sụt giảm, cựu chuyên gia tư vấn tại ngân hàng UBS, ông George Magnus, nhận định.
Triều Tiên
Nếu căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên leo thang thành một cuộc đối đầu, chắc chắn không chỉ riêng Trung Quốc mà toàn bộ các nước thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ phải chịu tác động tiêu cực.