10 thương vụ M&A ấn tượng trong năm 2019
Các thương vụ M&A trong năm 2019 tập trung nhiều vào lĩnh vực hàng tiêu dùng, bán lẻ, tài chính, ngân hàng và bất động sản.
SK chi 1 tỷ USD để sở hữu 6,15% vốn VinGroup
Ngày 24/5/2019, Tập đoàn SK đã mua thành công 250 triệu cổ phiếu do Tập đoàn VinGroup phân phối với mức giá trung bình là 113.000 đồng/cổ phiếu, tương đương tổng giá trị đợt phát hành ở mức hơn 14.437 tỷ đồng. Trừ chi phí 372 tỷ đồng, VIC đã thu về hơn 17.065 tỷ đồng.
Kết thúc giao dịch này, vốn điều lệ của VinGroup tăng lên 33.459 tỷ đồng và Tập đoàn SK cũng là cổ đông nước ngoài lớn nhất nắm giữ 6,15% vốn điều lệ.
Tập đoàn SK được biết đến là một trong những tập đoàn đa ngành (chaebol) lớn nhất Hàn Quốc, với các lĩnh vực hoạt động như viễn thông, công nghệ, điện tử, năng lượng, logistics và dịch vụ. Tập đoàn SK có hoạt động kinh doanh tại hơn 40 nước trên thế giới với doanh thu 132 tỷ USD và tổng tài sản đạt 184 tỷ USD tính đến năm 2018.
Ông Woncheol Park, đại diện SK Southeast Asia Investment cho biết: "Chúng tôi tin tưởng rằng hợp tác với một doanh nghiệp dẫn đầu thị trường như Vingroup để tìm kiếm các cơ hội kinh doanh mới là chiến lược tối ưu cho SK để phát triển trong khu vực Đông Nam Á. Hơn thế nữa, chúng tôi mong muốn sự phát triển của SK tại Việt Nam sẽ góp phần vào tiến bộ chung của kinh tế Việt Nam".
Về phía VinGroup, ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup phát biểu tại lễ ký kết: "Chúng tôi hoan nghênh SK trở thành đối tác chiến lược của Vingroup. Chúng tôi tin rằng với bề dày kinh nghiệm của SK với vai trò là người dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực kinh doanh của mình, nền tảng quản trị vững chắc và những thành tựu về công nghệ, SK sẽ mang lại nhiều kinh nghiệm quý giá giúp Vingroup đạt được những tầm cao mới, đặc biệt trong lĩnh vực Công nghiệp và Công nghệ".
BIDV chốt thương vụ M&A lớn nhất ngành ngân hàng
KEB Hana đã trở thành cổ đông lớn của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (BIDV) khi sở hữu 603,3 triệu cổ phiếu, tương đương 15% vốn của BIDV từ ngày 6/11.
Trước đó, BIDV cũng đã phát đi thông báo cho biết, đã hoàn tất phát hành riêng lẻ 603,3 triệu cổ phiếu cho đối tác KEB Hana Bank, với giá 33.640 đồng/cổ phần. Vốn điều lệ sau chào bán nâng lên 40.220 tỷ đồng.
Sau khi phát hành 603,3 triệu cổ phiếu cho KEB Hana Bank, vốn Nhà nước ở BIDV sẽ giảm còn trên 80% vốn điều lệ từ mức 95,28% trước đó. Với giao dịch này, vốn điều lệ BIDV tăng từ 34.187 tỷ lên hơn 40.220 tỷ đồng và trở thành nhà băng có quy mô lớn nhất Việt Nam.
Chia sẻ tại lễ ký kết ngày 11/11, ông Ji Sung Kyu, Tổng giám đốc KEB Hana Bank cho biết đây là lần đầu một nhà băng Hàn Quốc mua cổ phần của ngân hàng Việt. "Từ trước đến nay, các ngân hàng Hàn Quốc thường đầu tư vào thị trường Việt Nam bằng cách mở chi nhánh, ngân hàng 100% vốn và văn phòng đại diện. Hơn 2 năm trước, chúng tôi có không ít lo lắng khi hình dung con số đầu tư 1.000 tỷ won, rằng có khả năng thực hiện hay không. Nhưng việc hợp tác đã từng bước hoàn thiện", ông nói.
Để đi đến cuộc ký kết, hai nhà băng đã mất hơn 2 năm. Lần đầu hai bên gặp nhau tại Seoul, Hàn Quốc vào đầu năm 2017 trước khi ký kết hợp tác sơ bộ không ràng buộc vào 31/8/2017. Nhưng phải 1,5 năm sau, phương án BIDV tăng vốn điều lệ thông qua phát hành riêng lẻ hơn 603 triệu cổ phần cho KEB Hana Bank mới chính thức được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận. Cuối tháng 10, Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho KEB Hana Bank mua 15% cổ phần phát hành riêng lẻ của BIDV, đánh dấu việc nhà băng Hàn Quốc rót 1.000 tỷ won (hơn 20.000 tỷ đồng) vào BIDV.
VinMart sáp nhập vào Masan
Tập đoàn VinGroup và Tập đoàn Masan ngày 3/12/2019 đã đạt thoả thuận nguyên tắc về việc hoán đổi cổ phần Công ty VinCommerce và Công ty VinEco. Thoả thuận nhằm tối ưu hóa thế mạnh hoạt động của mỗi bên, đồng thời tạo nên một tập đoàn hàng tiêu dùng - bán lẻ mới có sức cạnh tranh vượt trội và quy mô hàng đầu Việt Nam. Hiện hai bên đang tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để tiến tới ký hợp đồng chính thức.
Theo nội dung thỏa thuận, CTCP Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce của VinGroup (bán lẻ), Công ty VinEco (nông nghiệp), CTCP Hàng tiêu dùng Masan - Masan Consumer Holding (tiêu dùng) sẽ sáp nhập để thành lập tập đoàn hàng tiêu dùng - bán lẻ hàng đầu Việt Nam, theo đó VinGroup sẽ hoán đổi toàn bộ cổ phần trong VinCommerce thành cổ phần của công ty mới sau sáp nhập. Masan Group sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động, Vingroup là cổ đông.
Công ty mới sẽ sở hữu mạng lưới hơn 2.600 siêu thị và cửa hàng VinMart & VinMart + tại 50 tỉnh thành với hàng triệu khách hàng; hệ thống 14 nông trường công nghệ cao VinEco cùng nguồn lực và 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng của Masan.
Masan Consumer Holding cho biết, sau khi tiếp quản sẽ giữ nguyên hệ thống quản trị hiện tại của VinCommerce cũng như các chính sách đối với nhà cung cấp. Toàn bộ khách hàng của VinCommerce cũng sẽ tiếp tục được hưởng các ưu đãi của VinGroup, đặc biệt là các chính sách đặc quyền thẻ VinID dành cho khách hàng. Các cán bộ nhân viên của VinMart & VinMart+ sẽ được tiếp tục kế thừa các quyền lợi có sẵn từ VinGroup và hưởng thêm các chế độ đãi ngộ từ Masan.
Về phía VinGroup, giao dịch giúp tập đoàn có thể giải phóng nguồn lực cho hệ thống từ lãnh đạo đến quản trị để tập trung hết sức cho mảng công nghệ và công nghiệp, khẳng định quyết tâm trở thành tập đoàn công nghệ - công nghiệp – thương mại dịch vụ hàng đầu Việt Nam và có tầm vóc trên trường quốc tế.
VNM mua 75% vốn GTNFoods
Vào khoảng cuối năm 2019, Vinamilk đã nâng tỷ lệ sở hữu tại GTNFoods từ 43,17% lên 75% sau khi mua thêm gần 79,6 triệu cổ phiếu GTN. Như vậy, GTNFoods đã trở thành công ty con của Vinamilk xét theo tỷ lệ sở hữu.
Được biết, GTNFoods đang sở hữu CTCP Giống bò sữa Mộc Châu - đơn vị sản xuất các sản phẩm sữa mang thương hiệu Sữa Mộc Châu. Do đó, việc nâng tỷ lệ sở hữu lên 75% đồng nghĩa với việc Vinamilk đã thâu tóm thành công Sữa Mộc Châu.
Dựa theo lịch sử giao dịch thỏa thuận của cổ phiếu GTN, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) ước tính rằng Vinamilk đã mua 79,6 triệu cổ phiếu trên với giá trung bình khoảng 22.800 đồng/cổ phiếu. Tổng cộng, VCSC ước tính Vinamilk đã chi ra khoảng 3.400 tỷ đồng để thâu tóm 75% cổ phần của GTNFoods.
VCSC cho rằng việc thâu tóm GTNFoods sẽ mang lại một số lợi ích cho Vinamilk trong dài hạn như gia tăng thị phần, gia tăng nguồn cung sữa đầu vào trong nước nhờ đàn bò sữa của Sữa Mộc Châu cũng như quỹ đất tiềm năng để mở rộng chăn nuôi bò sữa (Sữa Mộc Châu hiện đang sở hữu khoảng 3.000 con bò sữa và thu mua từ khoảng 20.000 con bò sữa khác từ các hộ nông dân liên kết so với con số lần lượt là khoảng 30.000 và hơn 120.000 của Vinamilk).
Ngoài ra, thương vụ M&A này cũng khiến các đối thủ cạnh tranh của Vinamilk không thể thâu tóm Sữa Mộc Châu.
Được biết trước đó, Vinamilk và GTNFoods đã có nhiều buổi làm việc song phương nhằm chia sẻ chiến lược đầu tư vào GTNFoods. Về phía GTNFoods, doanh nghiệp chia sẻ với Vinamilk các thông tin về tình hình tài chính, kinh doanh, nhân sự. Ngoài ra, GTNFoods cũng được cổ đông chấp thuận thực hiện việc tái cấu trúc thoái vốn tại các doanh nghiệp GTNFarm, GTN Tài sản và GTNFoods Consumers với tổng số tiền nhận chuyển nhượng là 490 tỷ đồng.
Điều này được cho là nhằm giúp GTNFoods có cơ cấu đơn giản và có nguồn tiền mặt lớn để có thể đầu tư vào các dự án có hiệu quả trong tương lai.
Saigon Co.op mua lại Auchan Việt Nam
Ngày 28/6/2019, Saigon Co.op đã tiếp quản toàn bộ hoạt động kinh doanh và nhân sự của 18 siêu thị Auchan Việt Nam.
Dù không tiết lộ giá trị chuyển nhượng nhưng phía Saigon Co.op cho biết, hai bên đã thỏa thuận hoàn tất về giá. Saigon Co.op sẽ quản trị thương hiệu Auchan tại Việt Nam từ nay đến Tết Nguyên đán (đầu năm 2020). Sau thời gian này hai bên sẽ cùng bàn thảo lại.
Toàn bộ hệ thống, nhân sự, hàng hóa của Auchan tại Việt Nam sẽ được Saigon Co.op quản lý. Các thành viên của Auchan sẽ được chuyển đổi sang thành viên của Saigon Co.op theo nguyện vọng. Hai nhà bán lẻ cũng cho biết sẵn sàng thảo luận để mở ra cơ hội hợp tác khác trong tương lai.
Auchan vào Việt Nam từ năm 2015, có mặt tại Hà Nội, TP HCM và Tây Ninh. Vào giữa tháng 5/2019, tập đoàn bán lẻ Pháp Auchan Retail bất ngờ quyết định bán 18 cửa hàng tại Việt Nam, rút khỏi thị trường.
Đây là một trong các thương vụ M&A ấn tượng trong năm 2019 khi một doanh nghiệp nội thâu tóm doanh nghiệp ngoại.
Chi 850 tỷ đồng, Samsung SDS trở thành cổ đông lớn nhất của CMC
Ngày 24/8/2019, CTCP Tập đoàn Công nghệ CMC (CMC Group - mã CMG) đã hoàn tất phát hành 25 triệu cổ phiếu cho Samsung SDS.
Với giá chào bán riêng lẻ là 34.000 đồng/cổ phiếu, số tiền mà CMG thu về đạt 850 tỷ đồng, nhiều hơn 100 tỷ đồng so với dự kiến ban đầu. Sau khi trừ đi phí tư vấn phát hành, định giá cổ phiếu và phí luật sư tư vấn, CMG nhận ròng 848,74 tỷ đồng.
Sau giao dịch, Samsung SDS trở thành cổ đông lớn nhất, sở hữu 25% vốn điều lệ CMG. Ngoài ra, CMG còn hai cổ đông lớn gồm Công ty TNHH Đầu tư MVI (14,49%) và Tập đoàn Geleximco (10,46%).
Trong 10 năm qua, CMG phần lớn chỉ tăng vốn qua các đợt chi trả cổ tức bằng cổ phiếu mà chưa ghi nhận lần tăng vốn đáng kể. Ngoài chào bán cổ phần riêng lẻ cho đối tác Hàn Quốc, doanh nghiệp này phát hành cổ phần thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 4,088%.
Vốn điều lệ CMG hiện đạt mức 999,99 tỷ đồng.
Nhờ giá phát hành gấp 3,4 lần mệnh giá, thặng dư vốn cổ phần của CMC Group cũng tăng thêm 600 tỷ đồng, củng cố thêm vào vốn tự có của doanh nghiệp công nghệ này.
Còn về Samsung SDS, đây là công ty công nghệ thông tin của Hàn Quốc. Trước đó, vào cuối tháng 7, Samsung SDS và CMC Group có ký hợp đồng hợp tác đầu tư chiến lược. Samsung SDS sẽ tham gia vào HĐQT của CMC Group và hợp tác phát triển kinh doanh các lĩnh vực công nghệ trọng điểm như nhà máy thông minh, điện toán đám mây, giải pháp an toàn thông tin....
Ngoài ra, Samsung SDS cũng lên kế hoạch hợp tác để CMC Group trở thành trung tâm phát triển và bảo trì phần mềm toàn cầu tại thị trường Đông Nam Á.
Nhóm Gelex sở hữu gần 25% vốn Viglacera
Vào ngày 19/4/2019, Công ty TNHH Thiết bị điện Gelex - công ty con trực thuộc Tổng công ty Thiết bị điện Việt Nam (Gelex) đã công bố hoàn tất mua vào 27 triệu cổ phiếu của Viglacera do Bộ Xây dựng thoái vốn.
Sau giao dịch này, nhóm Gelex đã nâng sở hữu tại Viglacera lên gần 25%, tiến gần hơn đến mục tiêu thâu tóm "ông lớn" ngành xây dựng - bất động sản.
Ngay sau khi Gelex nâng sở hữu lên 25%, ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 của Viglacera được tổ chức hôm 26/6 đã thống nhất bầu ông Nguyễn Văn Tuấn làm Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2019 – 2024.
Được biết, ông Nguyễn Văn Tuấn cũng đồng thời là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Gelex.
Hiện, Bộ Xây dựng vẫn đang nắm giữ hơn 38% vốn tại Viglacera. Bộ này đã lên kế hoạch thoái nốt phần vốn còn lại trong năm 2019. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chưa có bất kỳ thông tin thoái vốn nào được công bố.
Công ty Thái WHA Utility and Power mua 34% vốn CTCP Nước mặt sông Đuống
Vào tháng 11/2019, Công ty WHA Utility and Power (thuộc sở hữu của Công ty WHA) đã chi hơn 2.073 tỷ mua 34% vốn CTCP Nước mặt sông Đuống, tương đương giá khoảng 61.000 đồng/cổ phiếu.
Sau thương vụ này, WHAUP trở thành cổ đông lớn thứ 2 tại CTCP Nước mặt sông Đuống, chỉ sau CTCP Nước Aqua One, do bà Đỗ Thị Kim Liên - “Shark” Liên làm người đại diện, với tỉ lệ sở hữu 41%.
Ngoài khoản đầu tư vào Nhà máy nước mặt sông Đuống, tập đoàn của nữ tỉ phú Thái Lan Jareeporn còn sở hữu khoảng 41% cổ phần tại CTCP cấp nước Cửa Lò.
Theo phía WHA, thương vụ này là bước đi quan trọng của công ty trong việc mở rộng hoạt động kinh doanh dịch vụ nước sạch ra nước ngoài, đặc biệt là các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
Được biết, WHA Utility and Power là thành viên của Tập đoàn WHA (Thái Lan) chuyên kinh doanh trong lĩnh vực logistics và các dịch vụ tiện ích công nghiệp, năng lượng. Trong đó, đồng sáng lập và cổ đông lớn nhất của công ty là nữ tỷ phú Jareeporn Jarukornsakul. Theo tìm hiểu, Bà Jareeporn cũng đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc tại WHA thông qua tỷ lệ sở hữu trực tiếp 10,3%. Nếu tính cả vốn nắm giữ gián tiếp, vị nữ đại gia này đang sở hữu khoảng 25,3% vốn tại WHA.
Trong khi đó, WHA hiện sở hữu 74% vốn tại WHA Utility and Power và bà Jareeporn đồng thời làm chủ tịch tại công ty dịch vụ điện và nước này.
Nữ đại gia Jareeporn Jarukornsakul cũng chính là người giàu thứ 35 trong danh sách 50 người giàu nhất Thái Lan năm 2019 theo thống kê từ Forbes. Hiện khối tài sản bà sở hữu lên tới hơn 865 triệu USD thông qua lượng tiền mặt, bất động sản và vốn tại các công ty của mình.
Nhà máy nước mặt Sông Đuống có vốn đầu tư giai đoạn 1 là 5.000 tỷ đồng, với 4 cổ đông sáng lập gồm CTCP Nước Aqua One nắm 58%; CTCP Đầu tư Việt Nam - Oman nắm 27%; Công ty nước sạch Hà Nội sở hữu 10%; và Công ty TNHH MTV ứng dụng công nghệ mới và du lịch (Newtaco) nắm 5%.
Trong đó, Aqua One là doanh nghiệp của bà Đỗ Thị Kim Liên. Được biết, bà là cổ đông sáng lập nắm giữ 50% vốn tại Aqua One.
Hiện tại, Aqua One cũng là một trong số ít chủ đầu tư nhà máy nước sạch lớn với nhiều dự án tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỷ. Trong đó phải kể tới Nhà máy nước mặt Sông Hậu công suất 100.000 m3/ngày đêm; Nhà máy nước mặt Sông Đuống tổng công suất 900.000 m3/ngày đêm; Nhà máy nước mặt Xuân Mai - Hòa Bình công suất 600.000 m3/ngày đêm...
Công ty này cũng là cổ đông chiến lược của nhiều công ty cấp thoát nước tại các tỉnh thành trên toàn quốc.
Mitsui&Co. (Nhật Bản) sở hữu 35,1% vốn MPC
Ngày 16/5/2019, Mitsui&Co. (Nhật Bản) đã chính thức nâng tỷ lệ sở hữu lên mức 35,1% tại công ty cổ phần tập đoàn Thủy sản Minh Phú (mã MPC), nhà sản xuất và chế biến tôm lớn nhất thế giới hiện nay.
Được biết, tổng vốn đầu tư của Mitsui vào Minh Phú là khoảng 150 triệu USD, tương đương định giá Minh Phú gần 500 triệu USD, gấp đôi so với định giá MPC trên sàn hiện nay.
Mitsui bắt đầu đầu tư vào Minh Phú từ năm 2013 qua việc rót vốn vào CTCP Thủy sản Minh Phú Hậu Giang, một nhà máy chế biến thuộc Minh Phú.
Tại Đại hội cổ đông thường niên 2019, đại diện Mitsui cho biết họ là nhà đầu tư chiến lược, không phải nhà đầu tư tài chính vào Minh Phú. Ông Tomonori Sekiguchi, Giám đốc bộ phận thuỷ sản Tập đoàn Mitsui nói rằng, là cổ đông mới, Mitsui kỳ vọng sẽ đóng góp năng lực của mình để nâng giá trị của Minh Phú lên mức cao hơn.
Ngay sau khi thương vụ hoàn tất, Mitsui đã cử hai nhân sự tham gia thành viên HĐQT Minh Phú là ông Osada Tsutomu và ông Tsukahara Keiichi đều sinh năm 1965 và có hơn 30 năm kinh nghiệm làm việc tại Mitsui ở Nhật Bản, Hồng Kông, Hoa Kỳ, Brazil...
Mitsui là 1 trong 5 công ty lớn nhất của Nhật Bản. Bắt tay với Mitsui, Minh Phú đặt mục tiêu chiếm giữ 25% thị phần tôm toàn cầu trong 15-20 năm tới (hiện đạt 5%). Tập đoàn đang tập trung vào chiến lược chủ động nguyên liệu với chất lượng tốt và giá thành thấp. Minh Phú sẽ đưa ứng dụng công nghệ cao vào các ao nuôi để hướng tới tự chủ 50% nguyên liệu tự nuôi và 50% còn lại từ các vùng nuôi hợp tác với nông dân.
Dược Hậu Giang và thương vụ với Taisho
Ngày 25/4/2019, Taisho đã chào mua thành công 20,6 triệu trong tổng số 28,3 triệu cổ phiếu chào mua công khai cổ phiếu Dược Hậu Giang. Do đó, Taisho đã nâng lượng cổ phiếu nắm giữ lên gần 66,4 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ sở hữu 50,78%. Dược Hậu Giang như vậy chính thức trở thành công ty con của đơn vị Nhật Bản này.
Với mức giá chào mua là 120.000 đồng/cổ phiếu, Taisho đã chi thêm 2.470 tỷ đồng để gia tăng sở hữu. Bên cạnh Taisho, SCIC cũng đang nắm giữ 43,3% cổ phần của Dược Hậu Giang.
Được biết, Taisho đã theo đuổi thương vụ này nhiều năm và phải chi hàng nghỉ tỷ đồng để trở thành cổ đông chi phối doanh nghiệp sản xuất thuốc của Việt Nam. Từ tháng 5/2016, Taisho đã rót hàng nghìn tỷ vào Dược Hậu Giang và trở thành cổ đông lớn thứ 2 tại đây chỉ sau SCIC với 43,3% cổ phần.
Sau giai đoạn này, Taisho đã liên tục đăng ký mua vào lượng lớn cổ phiếu DHG với giá cao hơn nhiều thị trường niêm yết. Cụ thể vào tháng 7/2018, công ty này đã mua vào 9,2 triệu cổ phiếu DHG với giá chào mua công khai lúc đó là 120.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng phải chi hơn 1.107 tỷ đồng để hoàn tất thương vụ. Đến tháng 10/2018, doanh nghiệp Nhật Bản lại mua thêm 3 triệu cổ phiếu từ nhóm quỹ Templeton Frontier Markets Fund.
Vào 2/2019, trước thời điểm nâng sở hữu tại Dược Hậu Giang lên gần 51% vốn, Taisho cũng đã đăng ký mua thêm 925.200 cổ phiếu DHG thông qua phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh trên sàn.
Về Taisho, hiện là công ty có thị phần OTC (bán hàng trực tiếp qua nhà thuốc) khá lớn ở Nhật Bản, chiếm hơn 13,5% thị phần. Ngược lại, thị phần kênh ETC (bán hàng qua đấu thầu, bán buôn) của đơn vị này lại khá khiêm tốn với khoảng 1% thị phần. Giai đoạn 2016-2017, doanh thu lẫn thị phần Taisho có xu hướng giảm dần, nguyên nhân được biết do mảng thực phẩm chức năng và thuốc mọc tóc chựng lại, đồng thời chịu sự cạnh tranh gay gắt của các nhãn hàng khác. Tại Nhật Bản, hai dòng sản phẩm này ra đời rất sớm từ những năm 90s, đến nay bắt đầu bước vào thời kỳ bão hòa. Tuy nhiên, ở thị trường nước ngoài, các dòng sản phẩm này vẫn có nhiều dư địa phát triển, do đó Taisho tập trung phát triển tại những khu vực còn tiềm năng về ngành dược như: Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc, Malaysia…