100% tỉnh, thành phố chi vượt quỹ bảo hiểm y tế
Đến nay có 63/63 tỉnh, thành phố sử dụng vượt quỹ khám chữa bệnh (KCB), bảo hiểm y tế (BHYT). Đây là thông tin rất đáng lo ngại được Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam chia sẻ tại hội nghị cung cấp thông tin định kỳ quý I vừa qua.
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến hết quý I, số người tham gia BHXH bắt buộc là 13,68 triệu người, BHXH tự nguyện là 240 nghìn người, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 11,8 triệu người; BHYT là 80,81 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 86,1% dân số.
Lũy kế 3 tháng đầu năm, toàn ngành thu 68.718 tỷ đồng, trong đó: Thu BHXH là 48.209 tỷ đồng; thu BHTN là 3.245 tỷ đồng; thu BHYT là 17.264 tỷ đồng.
Về giải quyết chế độ BHXH, BHYT trong 3 tháng đầu năm đã giải quyết cho hơn 2,1 triệu lượt người, trong đó: 28.306 người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng, 125.382 lượt người hưởng trợ cấp 1 lần; 2.039.768 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe. Cả nước có trên 39 triệu lượt người KCB BHYT. Ngành BHXH cũng đã giải quyết cho 81.068 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, 5.345 người hưởng kinh phí hỗ trợ học nghề.
Về thực hiện chính sách BHYT, tính đến thời điểm 26/3/2018, toàn ngành đã ký hợp đồng KCB BHYT với 2.316 cơ sở y tế, trong đó có 1.669 cơ sở công lập, 647 cơ sở ngoài công lập (43 cơ sở tuyến trung ương, 655 cơ sở tuyến tỉnh, 1.407 cơ sở tuyến huyện và 211 cơ sở tuyến xã). Trong số này, có 1.996 cơ sở KCB BHYT thanh toán theo phí dịch vụ, 320 cơ sở thanh toán theo định suất.
Theo dữ liệu trên Hệ thống giám sát của BHXH Việt Nam, tất cả 63 tỉnh, thành phố sử dụng vượt quỹ KCB được giao. Trong đó, 9 tỉnh, thành phố có tỉ lệ sử dụng vượt quỹ KCB khoảng 30% như: Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Tháp, Khánh Hòa, Kiên Giang, Quảng Nam, Quảng Ninh, Tiền Giang và Vĩnh Long.
Thống kê của Trung tâm Giám định BHYT và TTĐT khu vực phía bắc cũng cho thấy, nhiều cơ sở KCB chưa thực hiện liên thông dữ liệu hàng ngày, nhiều bệnh viện tại các thành phố lớn (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh) chỉ gửi dữ liệu đề nghị thanh toán vào cuối tháng. Trong tháng 2/2018, một số cơ sở KCB tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có chi phí KCB lớn, nhưng gửi dữ liệu thiếu so với thực tế phát sinh, có bệnh viện dữ liệu gửi chỉ đạt khoảng 40% so với thực tế phát sinh...
Giao kế hoạch và dự toán thu chi cho địa phương
Ngoài những công việc thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ, trong tháng 4/2018, BHXH Việt Nam sẽ phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố tham mưu cho Tỉnh ủy, Thành ủy tổ chức sơ kết và hoàn thiện báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Tiếp tục phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Tài chính hoàn thiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn xử lý những tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Thực hiện giao kế hoạch, chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT; dự toán thu - chi cho từng BHXH tỉnh, thành phố.
Đồng thời, nghiên cứu sửa đổi quy trình quản lý thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT; cập nhật, hoàn thiện việc cấp mã số BHXH cho người tham gia trên cơ sở dữ liệu thống kê danh sách hộ gia đình; hoàn thiện dữ liệu và trả sổ BHXH cho người lao động theo quy định của Luật BHXH.
Nghiên cứu dự thảo về mẫu và quy trình kiểm soát dữ liệu cấp và quản lý thẻ BHXH, thẻ BHYT điện tử; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin theo Nghị quyết 19, Nghị quyết 36a và Nghị định 166, phấn đấu mở rộng cung cấp tất cả các dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 và 4...
Theo Phó Trưởng ban Thu BHXH Việt Nam Mai Đức Thắng, vấn đề nợ BHXH, cũng như tình trạng chủ doanh nghiệp nước ngoài bỏ trốn vẫn nóng. Tính hết năm 2017, hơn 100 doanh nghiệp FDI có chủ bỏ trốn về nước, mất tích, gây khó khăn cho hàng nghìn người lao động thuộc các doanh nghiệp này. Việc thu hồi nợ của các doanh nghiệp này cũng đang gặp nhiều khó khăn.
Đặc biệt, trong quý I, một số doanh nghiệp nước ngoài xảy ra tình trạng chủ bỏ trốn ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của hàng nghìn người lao động. Nói về trách nhiệm của Bộ trong việc chủ doanh nghiệp bỏ trốn, ông Trần Hải Nam cho hay, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có trách nhiệm đề xuất báo cáo Chính phủ về các giải pháp bảo đảm quyền lợi người lao động trước tình trạng chủ doanh nghiệp bỏ trốn.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, ngành BHXH có trách nhiệm nắm rõ đối tượng, thanh tra đóng và thường xuyên thông tin với các cơ quan có liên quan. Ngành tiếp tục tăng cường phối hợp với các cơ quan hữu quan trong giải quyết các chính sách chế độ BHXH, BHYT để bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người lao động.