11 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tiến sát mốc 600 tỷ USD
Tính chung 11 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tiến sát mốc 600 tỷ USD (ước đạt 599,12 tỷ USD). Trong đó, xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 299,67 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2020, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 299,45 tỷ USD, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm trước. Qua 11 tháng năm 2021, Việt Nam xuất siêu ước đạt 220 triệu USD.
Theo số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Việt Nam đã có tháng xuất siêu thứ 3 liên tiếp khi cán cân thương mại thặng dư khoảng 100 triệu USD.
Cụ thể, trong tháng 11/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 29,9 tỷ USD, tăng 3,6% so với tháng 10 (tháng 10/2021 đạt 28,87 tỷ USD) và tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2020 (tháng 11/2020 tổng trị giá xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam ước đạt 24,8 tỷ USD).
Tính chung 11 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 299,67 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 78,99 tỷ USD, tăng 11,1%, chiếm 26,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 220,68 tỷ USD, tăng 20%, chiếm 73,6%.
Hiện Việt Nam có 34 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,5% tổng kim ngạch xuất khẩu; trong đó, có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,4%.
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 11 tháng năm 2021, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước tính đạt 3,57 tỷ USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng công nghiệp chế biến ước tính đạt 266,75 tỷ USD, tăng 18%. Nhóm hàng nông sản, lâm sản đạt 21,4 tỷ USD, tăng 15,4%. Nhóm hàng thủy sản đạt 7,95 tỷ USD, tăng 3,5%.
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 84,8 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Trung Quốc đạt 50,5 tỷ USD, tăng 16,8%; thị trường EU đạt 35,7 tỷ USD, tăng 11,9%; thị trường ASEAN đạt 25,9 tỷ USD, tăng 23,3%; Hàn Quốc đạt 20 tỷ USD, tăng 14,6%; Nhật Bản đạt 18 tỷ USD, tăng 3%...
Ở chiều nhập khẩu, ước tính tháng 11/2021 kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 29,8 tỷ USD, tăng 14% so với tháng 10 (tháng 10/2021 đạt 26,13 tỷ USD) và tăng 20,8% so với cùng kỳ năm 2020 (nhập khẩu hàng hóa tháng 11/2020 đạt 24,2 tỷ USD).
Tính chung 11 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 299,45 tỷ USD, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 103,31 tỷ USD, tăng 23,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 196,14 tỷ USD, tăng 29,9%.
Trong 11 tháng năm 2021, Việt Nam có 43 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 92,7% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 11 tháng năm 2021, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 280,2 tỷ USD, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 93,6% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa; nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 19,25 tỷ USD, tăng 22,2% và chiếm 6,4%...
Về thị trường nhập khẩu hàng hóa 11 tháng năm 2021, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 98,5 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường Hàn Quốc xếp vị trí thứ hai với 50,3 tỷ USD, tăng 20,3%; thị trường ASEAN đạt 37 tỷ USD, tăng 36,1%; Nhật Bản đạt 20,3 tỷ USD, tăng 10,1%; thị trường EU đạt 15,5 tỷ USD, tăng 18,2%; Hoa Kỳ đạt 14,2 tỷ USD, tăng 14,6%...
Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa thực hiện trong tháng 11 ước xuất siêu 100 triệu USD. Tính chung 11 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu ước đạt 220 triệu USD (11 tháng năm 2020, xuất siêu đạt 20,06 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 24,32 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 24,55 tỷ USD.
Cán cân thương mại diễn biến phụ thuộc nhiều vào kết quả phòng, chống dịch COVID-19. Do vậy, thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã rất quan tâm đến thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu bền vững và vấn đề cán cân thương mại. Từ cuối tháng 6/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 để các bộ, ngành, địa phương cùng triển khai thực hiện.
Ngày 11/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Các địa phương tiếp tục chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó với dịch bệnh. Đến nay, cơ bản tất cả 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã triển khai đúng với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế về công bố cấp độ dịch, phục hồi sản xuất, lưu thông hàng hóa, từ đó đem lại nhiều kết quả khả quan.
Nhờ có các quyết sách của Chính phủ, đến nay tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát... Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đã có sự tăng trưởng tốt, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã tiến sát mốc 600 tỷ USD. Đây là điểm sáng trong bức tranh kinh tế và là tín hiệu tốt cho thấy sự phục hồi của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đang có thuận lợi khi doanh nghiệp tiếp tục khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA), cùng với nhu cầu thị trường đang tăng vào dịp mua sắm cuối năm.