Tỉnh Quảng Ngãi:
Kim ngạch xuất khẩu năm 2021 về đích sớm
Năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, song các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu (XK) đã không ngừng nỗ lực thực hiện tốt "mục tiêu kép" là vừa sản xuất, vừa phòng, chống dịch hiệu quả. Đến tháng 10, kim ngạch XK của tỉnh Quảng Ngãi đã vượt kế hoạch năm 2021, hứa hẹn những bứt phá mới trong năm 2022.
Theo báo cáo của Sở Công thương, đến hết tháng 10/2021, kim ngạch XK của tỉnh Quãng Ngãi ước đạt 1,468 tỷ USD, vượt 4,9% kế hoạch năm, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước.
Một số mặt hàng có kim ngạch XK tăng so với cùng kỳ năm 2020 như: Sợi dệt các loại và vải đạt 141,8 triệu USD, tăng 94,4%; dầu FO đạt 67 triệu USD, tăng 79%; giày, túi xách da các loại đạt 126 triệu USD, tăng 40,6%; thép ước đạt 476 triệu USD, tăng 31%; may mặc đạt 63 triệu USD, tăng 28%; thủy sản chế biến đạt 18 triệu USD, tăng 26%; đồ gỗ ước đạt 4,5 triệu USD, tăng 32,5%; tinh bột mì đạt 107 triệu USD, tăng 17,8%; dăm gỗ nguyên liệu giấy đạt 146,2 triệu USD, tăng 12,9%... Những con số tăng trưởng ấn tượng trên thể hiện sự nỗ lực vượt bậc của các DN trên địa bàn tỉnh.
Theo nhận định của ngành chức năng, năm 2022, thị trường XK sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức, song vẫn có cơ sở để tin tưởng, kỳ vọng vào những đột phá mới. Đó là thị phần một số sản phẩm dệt may, nông sản, chế biến gỗ của Việt Nam nói chung và của Quảng Ngãi nói riêng tại các thị trường Mỹ và Liên minh Châu Âu đã tăng lên.
Trong cơ cấu mặt hàng XK của tỉnh thời gian qua, các DN đã chuyển hướng sản xuất một số mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch như dược phẩm, thiết bị y tế, khẩu trang y tế, quần áo bảo hộ và sản phẩm phục vụ tiêu dùng, nên khả năng thích ứng cao kể cả trong bối cảnh dịch bùng phát mạnh.
Hiện tại, một số DN hoạt động XK đã chuẩn bị đơn hàng, đảm bảo việc làm ổn định cho người lao động đến tháng 6/2022. Nhiều DN thuộc nhóm sản xuất giày da, sợi vải, thép, may mặc đang mở rộng sản xuất.
Các DN lớn như CTCP Thép Hòa Phát Dung Quất, Công ty Công nghiệp nặng Doosan Việt Nam... đề ra mục tiêu là duy trì tốc độ phát triển từ 10 - 30% so với kế hoạch đạt được của năm 2021. Các DN trong KCN VSIP Quảng Ngãi hiện đã xây dựng kế hoạch thích ứng với tình hình dịch, chuẩn bị nhập đầy đủ nguyên liệu để sẵn sàng phục vụ các đơn hàng mới.
Còn nhiều DN sản xuất dăm gỗ, tinh bột mì, tuy giá trị xuất khẩu chưa cao, nhưng đây là những mặt hàng truyền thống nên đang có những giải pháp đầu tư nâng cao giá trị sản phẩm, chuyển dần từ chế biến thô sang chế biến sâu, nhằm tiếp cận thị trường khó tính như Nhật Bản, Châu Âu...
Mới đây, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phục hồi sản xuất công nghiệp tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền đã chỉ đạo các Sở: Công thương, Ngoại vụ, NN&PTNT phải là cầu nối tích cực giữa DN với các Tham tán Thương mại, Tùy viên Thương mại của Việt Nam ở những thị trường xuất khẩu trọng điểm như Liên minh Châu Âu, Mỹ, Italia, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản. Ngành tài chính tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong việc hoàn thiện thủ tục pháp lý, giãn nộp thuế và tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ sản xuất. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để DN tranh thủ tận dụng ưu đãi thuế quan.