12 yêu cầu của Mỹ đối với Iran liệu có khả thi?
Mỹ vừa đưa ra 12 yêu cầu đòi hỏi Iran phải đáp ứng nếu Tehran muốn đạt được một thỏa thuận hạt nhân mới. Vấn đề chính là liệu 12 yêu cầu này có khả thi hay không?
Ông Pompeo một lần nữa tái khẳng định lập trường cứng rắn của Nhà Trắng đối với thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA), ông gọi thỏa thuận đạt được năm 2015 giữa Iran với 6 cường quốc thế giới là "thất bại". Khẳng định này được đưa ra ngày 21/5. Kèm theo đó, ông Pompeo đưa ra danh sách 12 "yêu cầu cơ bản" đối với Iran để đi đến thỏa thuận mới.
Theo Ngoại trưởng Pompeo, 12 yêu cầu mà Mỹ yêu cầu Iran phải đáp ứng bao gồm những điểm chính dưới đây:
- Đóng cửa các lò phản ứng hạt nhân nước nặng. Ngừng làm giàu uranium và không tiền xử lý plutonium.
- Cho phép thanh sát viên Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) toàn quyền thanh sát, kiểm tra ở mọi cơ sở hạt nhân trên toàn quốc.
- Chấm dứt chương trình tên lửa đạn đạo.
- Phóng thích các công dân Mỹ.
- Ngừng hỗ trợ các tổ chức và phong trào Hồi giáo Hezbollah, Hamas, IJ, Houthis, Taliban.
- Iran phải rút toàn bộ lực lượng khỏi Syria.
- Iran phải hỗ trợ Chính phủ Iraq và giải giáp quân đội Shi'ite.
Nhiều yêu cầu trong số này có thể đoán trước, ví dụ như yêu cầu Tehran "ngừng làm giàu uranium và không bao giờ tiền xử lý plutonium", bởi vì chỉ mình IAEA là không đủ để Iran giữ lời.
Tuy nhiên, một điểm quan trọng quyết định tới quá trình thương lượng giữa 2 bên lại hoàn toàn không liên quan tới chương trình hạt nhân của Iran. Đó chính là "Iran phải rút toàn bộ lực lượng dưới sự chỉ huy của Iran khỏi Syria".
Yêu cầu này của phía Mỹ đã bỏ qua thực tế là quân đội Iran được chính Chính phủ Syria nhờ giúp đỡ để chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trước đây. Trong khi đó, dù không được Damascus nhờ cậy, quân đội Mỹ vẫn có mặt ở Syria và đang mắc kẹt tại chiến trường này.
"Không ai mời họ (Mỹ) đến đó", Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vasily Nebenzya phát biểu hồi tháng 2, tái khẳng định, sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Syria là bất hợp pháp. Vì vậy, thật dễ đoán nếu như Iran sẽ tiếp tục duy trì lực lượng tại Syria để chiến đấu với tàn dư còn lại của IS, bỏ qua yêu cầu cảu Mỹ.
Một yêu cầu khác của Washington là Tehran phải "tôn trọng chủ quyền của Chính phủ Iraq và cho phép giải giáp, xuất ngũ và tái hòa nhập lực lượng dân quân Shi'ite". Cũng như ở Syria, các lực lượng Iran ở Iraq dưới sự chấp thuận của Baghdad.
Thậm chí, Lực lượng Huy động nhân dân (PMF) của Iraq, đang được Iran tài trợ và đào tạo, còn được công nhận là một bộ phận của lực lượng an ninh Iraq. Vì thế, tại sao quân đội Iran lại phải chấp thuận yêu cầu của Mỹ?
Có một thực tế là Mỹ đang nỗ lực thiết lập một thỏa thuận hạt nhân mới kèm theo 12 yêu cầu của chính nước này, dù Washington mới là bên duy nhất rút khỏi thỏa thuận ban đầu. Các quốc gia còn lại là Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc và Nga vẫn đang tuân thủ cam kết.
Một trong số các yêu cầu của Mỹ cũng cho thấy nước này dường như đang mất lòng tin vào năng lực chuyên môn của IAEA. Làm thế nào để Washington có thể quyết định phạm vi và phương thức làm việc của một tổ chức quốc tế như IAEA?
Yêu cầu này của Mỹ nêu rõ: "Trước tiên, Iran phải khai báo với Iran toàn bộ quy mô quân sự của chương trình hạt nhân của mình, từ bỏ vĩnh viễn và có xác thực đối với chương trình này. Thứ 2, Iran phải ngừng làm giàu và không bao giờ theo đuổi tái chế plutonium. Điều này bao gồm việc đóng cửa các lò phản ứng nước nặng. Thứ 3, Iran cũng phải cung cấp cho IAEA quyền tiếp cận không giới hạn tất cả các cơ sở hạt nhân trên cả nước".
Theo đánh giá, điều quan trọng là chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump "thừa hiểu" Iran sẽ bác bỏ hầu hết các yêu cầu của Mỹ, chứ không chỉ là những yêu cầu thiết yếu nhất. Mục đích của Nhà Trắng khi đưa ra "tối hậu thư" 12 điểm nói trên là không rõ ràng.
"Bài phát biểu của Ngoại trưởng Pompeo không chứng minh được việc rút khỏi JCPOA đã hoặc sẽ làm thế nào để cho khu vực an toàn hơn trước các mối đe dọa phổ biến vũ khí hạt nhân, hoặc làm thế nào để đặt chúng ta vào vị thế tốt hơn để ảnh hưởng đến hành động của Iran trong khu vực ngoài phạm vi của JCPOA. Không có (lựa chọn) thay thế nào cho JCPOA", quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh Châu Âu (EU), bà Federica Mogherini, nhận định cùng ngày 21/5.