13 năm, Peter Lynch tạo ra 14 tỷ USD nhờ chọn cách tự quyết định vận mệnh của mình
13 năm tăng trưởng 30%/năm, Peter Lynch tạo ra danh mục 14 tỷ USD nhờ chọn cách tự quyết định vận mệnh của mình. Theo Peter Lynch, cả thị trường chứng khoán lẫn bản thân các công ty đều không thể quyết định số phận của chúng ta. Người duy nhất có thể làm việc đó chính là bản thân nhà đầu tư mà thôi…
Peter Lynch (19/01/1944) là Phó chủ tịch tập đoàn Fidelity Management & Research Company – chuyên gia tư vấn hàng đầu của Fidelity Investments – và là thành viên của Ban Quản trị của Quỹ Fidelity. Ông tốt nghiệp đại học Boston năm 1965 và hoàn thành khóa thạc sĩ quản trị kinh doanh ( MBA ) tại trường Wharton năm 1968.
Năm 1966, tại thời điểm chuẩn bị tốt nghiệp, ông bắt đầu trở thành thực tập viên tại Fidelity Investments với công việc tạp vụ là nhân viên nhặt bóng cho chủ tịch của Fidelity. Hai năm sau đó, ông được giao nghiên cứu phân tích ngành giấy, hóa chất và in ấn. Sau khi đi nghĩa vụ hai năm trở về, ông được tuyển chính thức vào năm 1969. Lúc này, ông được giao quản lý các ngành dệt may, luyện kim, khai mỏ và xuất bản. Cuối cùng, Lynch trở thành giám đốc bộ phận nghiên cứu từ 1974 đến 1977. Năm 1977, Lynch trở thành người quản lý quỹ đầu tư Magellan với 18 triệu đô-la Mỹ tài sản ròng.
Trong thời gian ông làm quản lý của quỹ Đầu tư Fidelity Magellan từ năm 1977 đến năm 1990, ông đem lại lợi suất trung bình gần 30% và giúp tài sản của quỹ từ 18 triệu USD tăng lên nhiều lần và chốt ở con số xấp xỉ 14 tỉ USD. Xa hơn nữa, Lynch đã đánh bại 99,5% số lượng các quỹ tương hỗ còn lại trong 5 năm cuối sự nghiệp. Hiện ông đã nghỉ hưu, và sống với vợ con, nhưng vẫn là cố vấn cho quỹ Fidelity.
Bên cạnh đó ông còn là nhà báo đã viết cho các tạp chí nổi tiếng như Time, Fortune, và The New York Times Book Review, đồng thời ông còn là tác giả của cuốn sách A Fool and His Money..
Đồng thời Peter Lynch còn nổi tiếng với vai trò là nhà quản lý tài chính số 1 ở Mỹ. Quan điểm của ông là: Tất cả các nhà đầu tư trung bình đều có thể trở thành những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực của họ và họ có thể chọn được những cổ phiếu hời nhất không kém gì các chuyên gia đầu tư trên Phố Wall chỉ bằng việc thực hiện một cuộc điều tra nhỏ và tuân thủ đúng các nguyên tắc.
Peter Lynch không khuyên chúng ta mua cổ phiếu của cửa hàng mà ta ưa thích chỉ bởi lý do ta thích mua sắm ở cửa hàng đó. Ông cũng không khuyên nhà đầu tư hãy mua cổ phiếu của một nhà sản xuất chỉ vì họ làm ra những sản phẩm mà ta ưa thích, hay một nhà hàng vì ta thích thức ăn đó. Thích một cửa hàng, một sản phẩm hay một nhà hàng là một lý do tốt để chúng ta quan tâm đến một công ty và đưa nó vào danh sách cần nghiên cứu, nhưng đó chưa phải là lý do đủ thuyết phục để mua cổ phiếu! Đừng bao giờ đầu tư vào bất kỳ một công ty nào trước khi bạn hoàn thành tốt "bài nghiên cứu ở nhà" về các triển vọng thu nhập của công ty, điều kiện tài chính, vị thế cạnh tranh, các kế hoạch bành trướng...
Triết lý đầu tư của Peter Lynch đã đem lại cho ông lợi nhuận rất cao trong 23 năm điều hành quỹ, nhưng hóa ra nó rất đơn giản, dễ áp dụng và được liệt kê theo bốn quan điểm sau: nghiên cứu kỹ lưỡng, hiểu rõ tầm quan trọng của đa dạng hóa, kiên nhẫn và đầu tư vào thứ mà chúng ta biết. Các phương pháp mà ông đưa ra được đúc kết như sau:
Chọn lựa kĩ lưỡng cổ phiếu
Peter Lynch luôn nghĩ rằng điều quan trọng nhất khi tham gia thị trường chứng khoán là nhà đầu tư phải tìm được cổ phiếu của các công ty kinh doanh thành công, hay chính xác hơn là những cổ phiếu có giá trị. Khi đã chọn được những cổ phiếu này thì việc lên xuống của thị trường sẽ không còn là vấn đề đáng lo ngại.
Thu thập và đánh giá thông tin
Ông đưa ra những chỉ dẫn dễ dàng áp dụng để có thể lựa chọn được những danh mục từ việc đánh giá các báo cáo tài chính của công ty và nhận ra những con số thực sự có giá trị. Ông giải thích và đưa ra những chỉ dẫn để đầu tư theo chu kỳ, hay thay đổi hoàn toàn danh mục đầu tư để theo đuổi những công ty đang phát triển nhanh.
Đồng thời ông cũng cho rằng việc tìm hiểu đề ra một quyết định đúng đắn thật không dễ dàng đối với các nhà đầu tư còn non trẻ, do vậy chúng ta hãy nghiên cứu các loại báo cáo của công ty như báo cáo thường niên, báo cáo quý, thêm vào đó hãy đọc cả các bản báo cáo tài chính và thu nhập của công ty mà mình đang định mua và các báo cáo của các đối thủ cạnh tranh của công ty trong cùng ngành đó, bởi nó sẽ giúp cho chúng ta trong việc so sánh kết quả kinh doanh, tình hình lợi nhuận của các công ty đó với nhau.
Nhà đầu tư trước mỗi quyết định nên xác định các mục tiêu và làm rõ những quan điểm của mình
Lynch khẳng định rằng, nếu giữ cho bản thân không bị chi phối bởi sự thất thường của thị trường sự ham muốn tức thời về lợi nhuận, thì NĐT sẽ được đền đáp bởi danh mục đầu tư của mình (cụ thể chỉ sau khoảng từ 5 đến 15 năm).
Ông đồng thời cũng muốn nhắn gửi các nhà đầu tư trước khi ra quyết định mua cổ phiếu, hãy nên đưa ra một số quyết định cơ bản về thị trường, về việc ta có cần thiết đầu tư vào cổ phiếu này hay không, đang kì vọng điều gì sau khi bán những cổ phiếu này, và về cách phản ứng của chính chúng ta trước những cú rớt giá nghiêm trọng bất ngờ, ngoài dự kiến.
Lời khuyên ông đưa ra là nhà đầu tư trước mỗi quyết định nên xác định các mục tiêu và làm rõ những quan điểm của mình. Trước khi ra quyết định, chúng ta hãy đánh giá cả rủi ro lẫn lợi nhuận tiềm năng của cổ phiếu đó, hãy so sánh việc đầu tư vào cổ phiếu có lợi hay không và các chứng khoán khác có lợi hơn loại chứng khoán mình đã chọn? Bởi nếu trong thị trường khắc nghiệt, nếu không quyết đoán và thiếu sự chắc chắn thì chính chúng ta sẽ là nạn nhân tiềm năng của thị trường, người sẽ từ bỏ mọi hy vọng và lý lẽ vào thời khắc cam go nhất để chấp nhận bán lỗ cổ phiếu vào thời điểm giá của chúng thậm chí chạm đáy.
Ông cũng cho hay chính sự chuẩn bị kĩ càng trong mỗi phi vụ đầu tư, cũng như những kiến thức đúc kết và sự nghiên cứu một cách nghiêm túc sẽ giúp phân biệt những nhà đầu tư mua cổ phiếu thành công với những người luôn thất bại. Cuối cùng, cả thị trường chứng khoán lẫn bản thân các công ty đều không thể quyết định số phận của một nhà đầu tư. Người duy nhất có thể làm việc đó chính là bản thân nhà đầu tư.
Ngày nay, khi nhắc đến ông, người ta đều nhớ đến câu nói nổi tiếng "Bạn không cần phải sở hữu trí thông minh, chỉ số IQ cao ngất ngưởng để trở thành nhà đầu tư. Điều quan trọng là bạn phải kiên trì và tuân thủ các nguyên tắc một cách tuyệt đối và phải học xong môn toán lớp năm". Chính vì thế, sẽ chẳng có lý do gì để bạn không bắt đầu tìm hiểu về đầu tư và làm chủ cuộc chơi ngay từ bây giờ.