155.000 tỷ đồng sắp chảy ra thị trường?

Theo Minh Đức/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn

Nguồn tiền lớn này sẽ góp phần bình ổn lãi suất, ngoài trừ có cân đối ngược ở kênh điều tiết của Ngân hàng Nhà nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng đang có xu hướng giảm những phiên gần đây.

Đến ngày 10/3, lãi suất VND bình quân qua đêm trên liên ngân hàng chỉ còn 0,29%/năm, thay vì mức phổ biến quanh 0,35%/năm đầu tháng 3. Các kỳ hạn 1 và 2 tuần cũng đã giảm dưới mốc 0,5%/năm.

Lãi suất liên ngân hàng giảm phản ánh cân đối thanh khoản và nguồn của các NHTM đã thuận lợi hơn. Mặt khác, đây là một kết quả của các dòng tiền dần trở lại hệ thống sau mùa cao điểm thanh toán và chi trả dịp Tết Nguyên đán vừa qua, với đặc điểm rút tiền mặt ra khỏi hệ thống (tỷ lệ tiền mặt lưu thông trên tổng phương tiện thanh toán luôn cao nhất trong năm vào dịp này nhiều năm qua).

Diễn biến trên đặt kỳ vọng lãi suất trên thị trường sẽ tiếp tục bình ổn, sau khi một số NHTM tăng lãi suất huy động VND từ đầu tháng này. Hỗ trợ cho kỳ vọng đó, phía trước, một nguồn tiền lớn dự kiến sẽ chảy ra thị trường.

Theo tìm hiểu của BizLIVE ở dữ liệu một số thành viên tham gia thị trường liên ngân hàng, hiện có khoảng 155.000 tỷ đồng tiền NHNN cung ứng qua kênh mua vào ngoại tệ sẽ lần lượt “bơm” vào hệ thống từ tháng 7 và 8.

Nguồn tiền này được ước tính theo giao dịch NHNN mua vào ngoại tệ với phương thức kỳ hạn. Từ đầu năm 2021, nhà điều hành đã ngừng mua ngoại tệ giao ngay, chuyển qua mua kỳ hạn 6 tháng. Độ trễ dần rút ngắn, nguồn tiền cung ứng mua ngoại tệ sẽ lần lượt đáo hạn và ra thị trường.

Quy mô trên mang tính tương đối và có thể thay đổi. Bởi trong cơ chế giao dịch mua ngoại tệ kỳ hạn của NHNN, bên bán được phép hủy ngang. Khi giao dịch gần đến điểm đáo hạn, nếu bên bán hủy ngang thì nguồn VND liên quan sẽ không được cụ thể hóa.

Hiện chưa xác định cụ thể số lượng hoặc mức độ giao dịch hủy ngang, do vẫn chưa đến thời điểm đáo hạn để chốt dữ liệu. Song, quy mô nguồn tiền cung ứng nói trên dự báo sẽ ở mức lớn và tạo thêm yếu tố góp phần bình ổn lãi suất từ quý III/2021.