18 ngân hàng "sạch" nợ xấu tại VAMC
Cho đến thời điểm hiện tại đã có 18 ngân hàng hoàn thành tất toán nợ xấu tại VAMC. Đây là những nỗ lực đáng ghi nhận của hệ thống ngân hàng Việt. Tuy nhiên, còn đó những thách thức với nhóm ngân hàng còn lại.
Tính đến nay, có 18 ngân hàng tất toán trái phiếu và xóa nợ xấu “gửi” tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) gồm: Vietcombank, Agribank, ACB, VIB, TPBank, Nam A Bank, MB Bank, SeaBank, Techcombank, OCB, VPBank, Kienlongbank, HDBank, LienVietPostBank, BIDV, VietCapital Bank, MSB và VietinBank.
VietinBank là ngân hàng mới nhất hoàn thành tất toán nợ xấu tại VAMC. Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết, ngân hàng có thể tất toán được toàn bộ nợ xấu tại VAMC vì trong thời gian qua ngân hàng đã tập trung xử lý, thực hiện các biện pháp để thu hồi các khoản nợ từ các nguồn hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như xử lý công nợ, hàng tồn kho và tài sản của khách hàng có khoản nợ.
"Nhờ có được những kết quả rất tích cực về năng lực tài chính kết hợp với kết quả xử lý thu hồi các khoản nợ đã tạo ra nguồn lực cần thiết để VietinBank tất toán toàn bộ khoản nợ đã bán cho VAMC", ông Thọ nói.
Việc chủ động tất toán trước hạn trái phiếu đặc biệt VAMC được cho là sẽ tạo nền tảng vững chắc cho hoạt động kinh doanh trong những năm tới, đồng thời tăng thêm tính chủ động cho ngân hàng trong việc xây dựng, điều chỉnh các phương án xử lý nợ để đạt hiệu quả tối ưu.
"Tất toán nợ xấu tại VAMC" là điều nhiều ngân hàng mong muốn và sẽ phải thực hiện cho bằng được khi khoản trái phiếu đặc biệt này đến ngày đáo hạn. Tuy nhiên, theo cập nhật đến thời điểm hiện tại mới có 16 ngân hàng tất toán được hết nợ xấu tại VAMC.
Thực tế cho thấy, muốn mua lại toàn bộ nợ xấu tại VAMC, bản thân nợ xấu nội bảng của ngân hàng phải đang ở mức thấp và có nguồn lực tài chính dồi dào cho việc trích lập dự phòng xử lý khối nợ sau khi nhận về. Và thực tế, nợ mua về cũng không phải dễ dàng xử lý được, vì đây cũng là nợ tồn đọng, đã tích cực xử lý nhưng chưa xong.
Các khoản nợ đã bán cho VAMC lại chủ yếu có tài sản đảm bảo là bất động sản và phần lớn có giá trị lớn. Đó có thể là những khối tài sản hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng đã được ngân hàng phát mãi tài sản nhiều lần, hạ giá bán nhưng vẫn chưa có kết quả.
Theo cơ chế mua nợ xấu, VAMC phát hành trái phiếu đặc biệt cho các tổ chức tín dụng bán nợ, có kỳ hạn 5 năm. Đến nay, đây là thời điểm tròn 5 năm đã kết thúc, trái phiếu VAMC lần lượt đáo hạn, các tổ chức tín dụng nhận lại những khoản nợ xấu đã bán sang VAMC mà không được xứ lý.
Những ngân hàng đang có khối nợ xấu lớn cả nội bảng và ngoại bảng sẽ thêm những vấn đề mới khi nợ xấu tiếp tục tăng cao trong bối cảnh dịch bệnh. Cùng với việc thị trường trùng xuống, xử lý nợ xấu cũ sẽ càng khó khăn hơn.
TS. Cấn Văn Lực cho rằng, việc các ngân hàng vẫn báo lãi tăng từ 7-10% trong 9 tháng vừa qua chưa thể hiện toàn cảnh kết quả kinh doanh ngành ngân hàng 2020. Vì thường vào quý 4 các ngân hàng mới thực hiện trích lập dự phòng cho cả năm.
Như vậy, có thể thấy rằng việc tất toán nợ xấu của các ngân hàng ở thời điểm hiện tại là không hề đơn giản. Một số ngân hàng vẫn còn nợ xấu tại VAMC như SCB, Sacombank, SHB, Eximbank,... dù đã ghi nhận tín hiệu tích cực trong xử lý nợ xấu nhưng đây đều là những ngân hàng có khối nợ xấu đảm bảo bằng bất động sản lớn và gặp khó khăn trong quá trình phát mãi.
Những ngân hàng đã nỗ lực tất toán thành công nợ xấu tại VAMC sẽ có nhiều nguồn lực hơn để chống đỡ với những khoản nợ xấu mới đang và sẽ hình thành trong thời gian tới. Ngược lại, những ngân hàng vẫn đang nặng gánh nợ xấu sẽ cùng lúc phải đối mặt với cả 2 mối lo cũ và mới.