2014: Phấn đấu đà tăng trưởng cao hơn năm cũ

Theo daidoanket.vn

(Tài chính) Đó là nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đặt ra đối với các bộ, ngành, địa phương trong năm 2014. Theo Thủ tướng, cần lưu ý đặc biệt các nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo tính ổn định, vững chắc hơn của kinh tế vĩ mô; kiểm soát tốt lạm phát; tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh, duy trì tăng trưởng cao hơn, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong tái cơ cấu kinh tế.

2014: Phấn đấu đà tăng trưởng cao hơn năm cũ
Cần lưu ý đặc biệt các nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo tính ổn định, vững chắc hơn của kinh tế vĩ mô. Nguồn: internet
Những tín hiệu vui

Có thể nói ngay trong những ngày đầu tiên của năm 2014, những tín hiệu lạc quan của nền kinh tế đã bước đầu có những "lóe sáng”, nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ và đầy quyết tâm của các bộ, ngành địa phương. Điều đó thể hiện ở việc, tổng phương tiện thanh toán ước tăng 0,82% (so với tháng 12/2013). Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tương đối ổn định do thanh khoản của hệ thống tiếp tục được cải thiện.

Trong những ngày đầu năm 2014, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 27,27 nghìn tỷ đồng, bằng 3,5% dự toán (cùng kỳ đạt 3,1%); tổng chi ngân sách nhà nước ước đạt 33,4 nghìn tỷ đồng, bằng 3,3% dự toán. Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 10,3 tỷ USD (giảm 10,8% so với cùng kỳ năm trước); kim ngạch nhập khẩu ước đạt 10,4 tỷ USD (giảm 1,9%); kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 1-2014 giảm so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 1/2014, cả nước có khoảng 6.900 doanh nghiệp được thành lập với số vốn đăng ký trên 43,7 nghìn tỷ đồng, tăng 27,7% về số doanh nghiệp và tăng 79,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện ngay trong tháng 1/2014 đã ước đạt 465 triệu USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước. Vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân ước đạt 110 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1/2014 tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt những kết quả tích cực.

Cũng theo Bộ trưởng Vinh, tổng sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng trong tháng ước đạt 399.000 tấn, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển khá, khi trong tháng 1-2014, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 13% so với cùng kỳ năm 2013, loại trừ yếu tố giá còn tăng khoảng 5,8% (cùng kỳ tăng 1%). Các hoạt động du lịch, vận tải và dịch vụ khác tiếp tục phát triển, đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh

Ngay trong những ngày đầu năm, những quyết tâm của Chính phủ đã được thể hiện bằng những hành động mạnh mẽ. Đó là ngay sau khi kết thúc đợt nghỉ Tết Nguyên đán, Chính phủ yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành tổ chức triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014 ngay từ những ngày đầu năm.

Trong đó,  tập trung khẩn trương chỉ đạo cụ thể hóa các giải pháp lớn đã được Chính phủ đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể; tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội. Đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư phát triển sử dụng nguồn ngân sách nhà nước và nguồn trái phiếu Chính phủ. Cùng với đó là, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là các công trình, dự án cấp thiết, có tác động, có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời tăng cường cơ chế giám sát, kiểm soát tốt vốn đầu tư xây dựng cơ bản, tránh đầu tư dàn trải, gây thất thoát, lãng phí.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị: "Các bộ, ngành, địa phương lưu ý đặc biệt các nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo tính ổn định, vững chắc hơn của kinh tế vĩ mô; kiểm soát tốt lạm phát; tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh, duy trì tăng trưởng cao hơn năm 2013, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong tái cơ cấu kinh tế”.

Để nhằm tạo ra những bước đột phá trong năm 2014, người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu, công tác cải cách hành chính, xây dựng thể chế, chính sách tiếp tục phải được đẩy mạnh. Không để nợ, để chậm văn bản quy phạm phát luật. Đồng thời chủ động đề xuất bổ sung, sửa đổi, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật mới phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội. "Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, triển khai có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chương trình xây dựng nông thôn mới”-Thủ tướng nhấn mạnh.