2015 - thời cơ thuận lợi để huy động vốn trái phiếu chính phủ ở thị trường quốc tế
(Tài chính) Sau thành công từ việc phát hành 1 tỷ USD trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế, Bộ Tài chính dự kiến, trong năm 2015, sẽ phát hành thêm 1 tỷ USD trái phiếu. Tán thành với phương án này, các chuyên gia cho rằng, trong điều kiện thị trường vốn thuận lợi như hiện nay, nên tiếp tục phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế nhằm cơ cấu lại nợ công.
Có thể thấy, lượng trái phiếu Chính phủ phát hành ra thị trường vốn quốc tế trong cuối năm 2014 là một thành công của nước ta trong năm qua. Bởi lượng trái phiếu này đã chỉ phải chịu mức lãi suất cố định 4,8%, thay vì mức 5,125%/năm như dự kiến ban đầu. Mức lãi suất này thấp hơn nhiều so với lãi suất cho trái phiếu Chính phủ được phát hành trong năm 2005 và 2010 (tương ứng là 6,875%/năm và 6,755%/năm), giúp tiết kiệm được 32,5 triệu USD. Đặc biệt, nhờ đợt phát hành này, Bộ Tài chính đã hoán đổi được một lượng trái phiếu phát hành năm 2005 và năm 2010, giúp tiết kiệm được 13,9 triệu USD, góp phần cơ cấu lại nợ công theo hướng kéo dài thời hạn vay và giảm áp lực về nghĩa vụ trả nợ.
Những thông tin tích cực từ đợt phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế cuối năm 2014 được cho là sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các đợt phát hành sau. Tuy nhiên, hiện có nhiều ý kiến băn khoăn về sự hấp dẫn của trái phiếu Chính phủ Việt Nam với nhà đầu tư quốc tế, khi mà một nguồn thu quan trọng cho ngân sách nhà nước là dầu thô đang giảm giá mạnh. Điều này được dự báo sẽ không chỉ ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước - nguồn để trả nợ vay trong năm 2015, mà có thể trong một vài năm tới. Nhưng Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Bùi Văn Thụ cho rằng, số thu ngân sách từ dầu thô năm 2015 có thể giảm, nhưng nhờ giá dầu giảm mà ngân sách sẽ tăng thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước.
Mặt khác, khi quyết định đầu tư vào trái phiếu, nhà đầu tư không chỉ căn cứ vào số thu ngân sách của quốc gia phát hành, mà còn căn cứ vào nhiều yếu tố khác, đặc biệt là sự đánh giá của các tổ chức định mức tín nhiệm hàng đầu thế giới. Thực tế, trong năm 2014, các tổ chức định mức tín nhiệm hàng đầu thế giới là Fitch Ratings và Moody’s đã nâng hệ số tín nhiệm của Việt Nam lên một bậc từ B+ lên BB- và từ B2 lên B1. Bởi hệ thống ngân hàng nước ta đã qua thời kỳ khủng hoảng, nợ xấu giảm mạnh; tiềm lực tài chính cũng ngày càng vững mạnh, đặc biệt là lượng dự trữ ngoại hối hiện đã lên đến 35-38 tỷ USD; cán cân thanh toán quốc tế bảo đảm… Những yếu tố này đã giúp thu hút nhiều nhà đầu tư quốc tế tham gia phiên đấu giá trái phiếu Chính phủ của nước ta vừa qua.
Huy động vốn qua phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế là quan hệ tín dụng thông thường, không bị ràng buộc bởi nhiều điều kiện như vốn hỗ trợ ODA, miễn là người vay trả được nợ. Đầu tư vào trái phiếu phát hành trên thị trường vốn quốc tế cũng khá an toàn, ngay cả trường hợp quốc gia đi vay không trả được nợ, thì các tổ chức tài chính quốc tế trung gian đứng ra thu xếp vốn phải trả nợ thay. Trong bối cảnh lãi suất ngân hàng ở nhiều nước gần như bằng không, thì nhà đầu tư không bỏ qua cơ hội cho các quốc gia khác vay vốn để kiếm lợi nhuận. Và trái phiếu do Chính phủ Việt Nam phát hành chắc chắn là thứ hàng hóa rất hấp dẫn.
Ngoài ra, để duy trì tốc độ tăng trưởng GDP hợp lý, theo kế hoạch, trong giai đoạn 2011-2015, tổng đầu tư toàn xã hội phải đạt bình quân 33,5% GDP, nhưng trên thực tế, tối đa mới đạt 31% GDP, vì thế nhu cầu đầu tư còn thiếu lớn. Hơn nữa, trong tổng số tiền đi vay hiện nay, tiền vay trong nước có thời hạn ngắn (dưới 5 năm), lãi suất cao chiếm tới 2/3. Áp lực trả nợ vay trong nước rất lớn, năm 2015, nếu trả nợ hết các khoản nợ đến hạn, thì tổng số tiền trả nợ chiếm gần 30% tổng thu (năm 2014 chiếm 26,2% tổng thu). Vì vậy, theo các chuyên gia, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh huy động vốn trong nước có thời hạn dài, lãi suất thấp, thì cũng cần huy động vốn trên thị trường quốc tế, để có vốn đầu tư, cơ cấu lại nợ, giảm áp lực trả nợ và lãi suất vay vốn, đồng thời không gia tăng nợ công.