2022: Hồi kết của COVID-19?

Theo Nguyễn Linh (T/h)/kinhtemoitruong.vn

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng thế giới đã sở hữu đủ công cụ, nguồn lực và động lực để chấm dứt đại dịch.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 vào bệnh viện ở Praha, CH Séc. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 vào bệnh viện ở Praha, CH Séc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong bài phát biểu đầu năm mới, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng "chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi" và "tích trữ vaccine" đang ngăn chặn đại dịch kết thúc, và dẫn đến sự xuất hiện của biến chủng Omicron.

"Tình trạng bất bình đẳng tiếp tục kéo dài, nguy cơ virus phát triển theo cách mà chúng ta không thể ngăn chặn hoặc dự đoán. Nếu chấm dứt sự bất bình đẳng, chúng ta sẽ chấm dứt đại dịch. Điều này sẽ giúp giảm bớt gánh nặng cho hệ thống y tế và dành thời gian nghỉ ngơi cho đội ngũ nhân viên y tế vốn đã vất vả hy sinh rất nhiều trong 2 năm qua", ông Tedros Adhanom Ghebreyesus  nói.

Theo người đứng đầu tổ chức y tế của Liên hợp quốc, thế giới đã sở hữu đủ công cụ, nguồn lực và động lực để chấm dứt đại dịch. Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho hay, WHO sẽ hợp tác với các chính phủ để ưu tiên chuyển vaccine cho các sáng kiến như COVAX và AVAT, hướng đến mục tiêu tiêm vaccine 70% dân số toàn cầu vào giữa năm 2022.

Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi chính phủ các nước áp dụng loạt biện pháp chặn lây lan dịch một cách bài bản và kiên quyết, đồng thời hỗ trợ những quốc gia thiếu nguồn cung vaccine.

Bên cạnh đó, Tổng giám đốc WHO cũng kêu gọi xây dựng khung hợp tác quốc tế vững chắc về an ninh sức khỏe toàn cầu và tất cả quốc gia đầu tư nhiều hơn cho chăm sóc y tế.

Biến chủng Omicron lần đầu được phát hiện ở Nam Phi vào tháng 11 năm ngoái và đang lan rộng trên khắp thế giới, khiến ca nhiễm bệnh hàng ngày tăng vọt. Theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins, đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 kể từ đầu đại dịch đã lên tới hơn 280 triệu trường hợp.

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 1/1/2022 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19  trên toàn cầu đã lên tới 288.473.658 ca, trong đó có 5.452.547 người tử vong.

Tiến trình mở cửa trở lại tại nhiều nước đang đối mặt với thách thức mới, đi kèm nguy cơ dịch tái bùng phát dịch bệnh với sự xuất hiện và lây lan nhanh của biến thể Omicron. Biến thể mới đang khiến đồ thị dịch COVID-19 đảo chiều, khiến số ca mắc mới và tử vong tăng mạnh trở lại.

Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh và tử vong đang có xu hướng tăng trở lại, những vùng dịch “nóng nhất” nằm ở châu Âu. Dịch bệnh đang tái bùng phát ở châu Âu khi số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nước châu lục này. Đây chính là tâm dịch hiện nay của thế giới, biến thể Omicron dự kiến sẽ chiếm chủ đạo số ca mắc tại châu Âu trong tháng tới.

Với tỷ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19 tiếp tục tăng, nhiều nước trên thế giới đang lần lượt điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch, chuyển từ “zero Covid-19” sang “sống chung với Covid-19. Tuy nhiên, việc xuất hiện biến thể mới Omicron đang làm chậm quá trình “bình thường mới” ở một số nước và khiến thế giới đối mặt với nguy cơ một “trận sóng thần” Covid-19 mới.

Tại châu Á, nhà chức trách Trung Quốc kêu gọi người dân hạn chế các hoạt động tụ tập đông người. Thành phố Tây An (Xian), tỉnh Thiểm Tây vẫn đang áp lệnh phong tỏa, trong khi nhiều sự kiện chào đón năm 2022 tại các thành phố lớn đã bị hủy.

Nhiều nước chứng kiến sự bùng phát của biến chủng mới, như Mỹ, Đức Anh, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ và số ca mắc mới vẫn cao. Trong 1 ngày qua, Mỹ là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 400.000 ca), Anh, Tây Ban Nha và Pháp cũng lần đầu tiên kể từ đầu năm 2021 chứng kiến trên 100.000 ca/ngày, trong khi Mỹ cũng có có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với trên 1.300 ca.

Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 253 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 24 triệu ca và trên 89.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 31/12, thế giới có 114 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 88 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.