264,5 triệu cổ phiếu VIGLACERA gia nhập UPCoM từ ngày 15/10
Ngày 15/10/2015, sau hơn 1 năm kể từ ngày thực hiện bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng, Tổng Công ty VIGLACERA sẽ đưa 264,5 triệu cổ phiếu VGC vào giao dịch trên thị trường UPCoM với giá tham chiếu 10.600 đồng/cổ phiếu.
Tổng Công ty VIGLACERA trước đây là Tổng Công ty Thủy tinh và Gốm Xây dựng, là doanh nghiệp tiên phong trong đầu tư phát triển, sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực vật liệu xây dựng tại Việt Nam. Trải qua hơn 40 năm hoạt động, VIGLACERA được xếp hạng là một trong những thương hiệu vật liệu xây dựng được tin dùng tại thị trường trong nước.
Các sản phẩm chính của VGC gồm có: kính xây dựng, sứ vệ sinh, gạch ceramic và granite và đất nung, đáp ứng được nhiều phân khúc thị trường từ bình dân đến cao cấp. Sản phẩm của công ty đã có mặt trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, hàng năm đóng góp cho ngành xây dựng 30 triệu USD kim ngạch xuất khẩu/năm.
VGC có 10 đơn vị trực thuộc, 22 công ty con và 5 công ty liên kết sản xuất kinh doanh gạch các loại. Trong đó, có 7 công ty con đã tham gia thị trường giao dịch tập trung và đều đang niêm yết/đăng ký giao dịch trên HNX.
Doanh nghiệp hàng đầu sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng
VGC là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam thực hiện đầu tư sản xuất kính xây dựng từ những năm đầu của thập niên 90 theo công nghệ kéo đứng và kéo ngang. Năm 1994, Tổng Công ty đã hợp tác liên doanh với đối tác Nhật Bản đầu tư Nhà máy sản xuất kính nổi đầu tiên tại Bắc Ninh. Hiện tại, VIGLACERA cung cấp ra thị trường 11 nhóm sản phẩm, chiếm 40% tổng công suất thiết kế toàn ngành, trong đó nhiều sản phẩm đạt chất lượng châu Âu.
Bên cạnh đó, VIGLACERA còn được biết đến là doanh nghiệp đặt nền móng đầu tiên cho sự phát triển công nghiệp sản xuất gạch ốp lát tại Việt Nam. Chủng loại sản phẩm ốp lát ceramic, granite của VIGLACERA khá đa dạng từ gạch ốp tường, lát nền nội ngoại thất, ngói lợp… với tổng công suất đạt khoảng 20 triệu m2/năm. Trong đó, công suất sản xuất sản phẩm gạch ceramic của VIGLACERA hiện nay đạt 14 triệu m2/năm tương đương 6% năng lực sản xuất ngành và gạch granit 6 triệu m2/năm tương đương 11% năng lực sản xuất ngành.
Ngoài ra, VIGLACERA còn là thương hiệu gắn liền với các sản phẩm đất sét nung và quá trình đổi mới, hiện đại hóa công nghệ sản xuất gạch truyền thống của Việt Nam. Với 8 công ty con và công ty liên kết sản xuất gạch đất sét nung, mỗi năm mang lại cho Tổng Công ty tổng sản lượng đạt giá trị trên 1,4 tỷ viên gạch xây quy chuẩn với các sản phẩm truyền thống như gạch xây, ngói lợp, gạch chẻ, gạch cotto. Trong năm 2012, riêng gạch cotto đạt 7,1 triệu m2, tương đương 50% năng lực sản xuất ngành. Đặc biệt, sản phẩm gạch cotto, ngói lợp của công ty có chất lượng đứng đầu cả nước.
Lấn sân đầu tư xây dựng và kinh doanh bất động sản
Với lợi thế là đơn vị sản xuất, cung cấp nguyên vật liệu xây dựng, VIGLACERA đã mở rộng lĩnh vực hoạt động sang đầu tư xây dựng và kinh doanh bất động sản bao gồm hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp tập trung, khu đô thị, khu nhà ở, văn phòng.
Từ năm 1998 đến nay, VIGLACERA được biết đến như một thương hiệu có vị thế trong đầu tư kinh doanh bất động sản với 15 dự án bất động sản bao gồm các khu công nghiệp cho thuê, khu đô thị, nhà ở để bán và khu thương mại - văn phòng cho thuê. Đặc biệt, từ năm 2010 trở lại đây, VIGLACERA đã triển khai nhiều dự án nhà ở thu nhập thấp, nhà ở xã hội như: Dự án khu nhà ở dành cho công nhân và đối tượng thu nhập thấp tại Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh); Khu ký túc xá sinh viên trường Cao đẳng nghề VIGLACERA ở huyện Tiên Sơn (Bắc Ninh); Dự án 1.000 căn hộ dành cho người có thu nhập thấp tại khu đô thị Ðặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội); Dự án khu nhà ở thu nhập thấp ở Ðại Mỗ (Từ Liêm, Hà Nội)... được đánh giá là hình mẫu doanh nghiệp tiêu biểu đi đầu trong thực hiện trách nhiệm xã hội.
Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, VIGLACERA cũng được đánh giá là doanh nghiệp hàng đầu miền Bắc với tổng diện tích cho thuê lấp đầy 678ha/tổng số 1.020 ha (66%). Đã có 180 doanh nghiệp trong và ngoài nước thuê đất, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn như Công ty Samsung, Canon, Orion Vina, Vinamilk, Vinasoy, Công ty Khoa học kỹ thuật Texhong Ngân Long, Công ty Rượu Hà Nội...
Trong 2 năm 2013 và 2014, tổng doanh thu của công ty mẹ lần lượt đạt 2.268 tỷ và 3.716 tỷ đồng, tương ứng lợi nhuận sau thuế đạt 59 tỷ và 132 tỷ đồng. Trong những năm tiếp theo, VGC sẽ tập trung xây dựng và triển khai thực hiện tái cơ cấu toàn diện các công ty con, công ty liên kết, hoàn thiện cơ chế quản lý theo mô hình công ty cổ phần tại công ty mẹ - Tổng Công ty. VGC đặt mục tiêu doanh thu năm 2015 và 2016 lần lượt là 4.548 tỷ và 5.087 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 143 tỷ và 177 tỷ đồng. Tỷ lệ trả cổ tức dự kiến 3,5% và 4%.