Nhộn nhịp làn sóng doanh nghiệp lên sàn UPCoM

PV.

Một ngày sau khi CTCP Tài nguyên Ma San chào sàn, Sở GDCK Hà Nội tiếp tục đón thêm 2 tân binh chính thức giao dịch trên thị trường UPCoM, đó là CTCP Vận tải và Dịch vụ Hàng hải và Công ty Vinalines Logistics – Việt Nam.

CTCP Vận tải và Dịch vụ Hàng hải (MCK: TRS) hoạt động trong lĩnh vực hàng hải, được biết đến là một đối tác quan trọng về giao nhận hàng hoá xuất nhập khẩu, dịch vụ kho bãi và vận tải nội địa cho hầu hết các khu công nghiệp, khu chế xuất tại thị trường Việt Nam hiện nay.

TRS chuyên về vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường biển, đồng thời công ty cũng khai thác trong lĩnh vực vận chuyển bằng đường hàng không, đường bộ, vận chuyển hàng hóa siêu trường, siêu trọng và cung cấp dịch vụ vận tải đa phương thức.

- Mã chứng khoán: TRS
- Số lượng chứng khoán đăng ký giao dịch: 2.212.976 cổ phiếu
- Giá trị chứng khoán đăng ký giao dịch: 22.129.760.000 đồng
- Ngày giao dịch đầu tiên: 18/9/2015
- Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên: 21.000 đồng/cổ phiếu.

Ngoài ra, TRS cũng chú trọng phát triển hệ thống phân phối hàng tiêu dùng. Công ty hiện đang là đối tác phân phối hàng tiêu dùng cho các thương hiệu nổi tiếng, cung cấp cho hệ thống siêu thị và hệ thống bán lẻ tại thị trường Việt Nam, tiêu biểu như Coop Mart.

TRS có hệ thống kho bãi rộng lớn tại thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương hiện đang phục vụ cho dịch vụ xếp dỡ, lưu container cũng như hoạt động cho thuê kho, bãi.

TRS có khả năng cạnh tranh cao với năng lực và hiệu quả hoạt động cao nhờ quy trình dịch vụ được tổ chức khép kín từ khâu Tiếp nhận – Vận chuyển – Lưu kho bãi – Thu gom hàng hóa.

Bên cạnh các thế mạnh trong hoạt động vận chuyển hàng hóa, TRS còn tạo được chỗ đứng trong lĩnh vực xuất nhập khẩu thương mại và ủy thác. Thế mạnh của TRS trong lĩnh vực này là dịch vụ cung ứng giấy phép nhập khẩu đa ngành nghề trên cơ sở hỗ trợ khách hàng tất cả thủ tục liên quan đến xin giấy phép xuất nhập khẩu, tiết kiệm tối đa chi phí tài chính cho khách hàng, tư vấn, cung cấp tài chính cho khách hàng trong việc thanh toán khi thực hiện các hoạt động kinh doanh này.

Hiện nay, TRS là nhà nhập khẩu độc quyền cho các nhãn rượu như: Remy Martin, Courvoisier và các sản phẩm tiêu dùng khác: Nokia Care , Intel Vietnam Product, Starbuck Vietnam, Coca-Cola Việt Nam, McDonald Việt Nam,...

Trong 2 năm 2013 và 2014, doanh thu của TRS đạt lần lượt 512,6 tỷ đồng và 468,2 tỷ đồng. Với việc chủ động kiểm soát các chi phí phát sinh đã góp phần vào sự tăng trưởng trong chỉ tiêu lợi nhuận năm 2014 với mức lợi nhuận sau thuế đạt 26,1 tỷ đồng, tăng 68,5% so với năm 2013.

Trước tình hình kinh tế năm 2015 chưa có nhiều diễn biến thuận lợi, giá cả nguyên nhiên vật liệu đầu vào biến động phức tạp, TRS đặt kế hoạch ở mức thận trọng với 478 tỷ đồng doanh thu và 18 tỷ đồng lợi nhuận.

Một trong những doanh nghiệp lên sàn khác cũng thu hút được sự chú ý của nhà đầu tư là Công ty Vinalines Logistics – Việt Nam (MCK: VLG). Được thành lập năm 2007, VLG đã có 8 năm hoạt động trong mảng dịch vụ logistics, xây dựng được mạng lưới hoạt động tại các thị trường lớn trong nước như Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh và tại các cửa ngõ thông thương như Lào Cai, Móng Cái, Lạng Sơn, Nội Bài.

Ngoài ra, công ty cũng đang triển khai mở rộng và tìm hiểu thị trường quốc tế như Trung Quốc, Nhật Bản, Lào, Camphuchia. Một hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng đồng bộ cùng trang thiết bị phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh đã được TRS đầu tư xây dựng để phát triển đa dạng các mảng dịch vụ như dịch vụ tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan; dịch vụ logistics và đường sắt; khai thác thiết bị và cho thuê kho bãi.

- Mã chứng khoán: VLG
- Số lượng chứng khoán đăng ký giao dịch: 14.212.130 cổ phiếu
- Giá trị chứng khoán đăng ký giao dịch: 142.121.300.000 đồng
- Ngày giao dịch đầu tiên: 18/9/2015
- Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên: 12.600 đồng/cổ phiếu

Trong hoạt động logistics và đường sắt, công ty đã và đang duy trì hoạt động tạo hàng với các khách hàng chiến lược như Tập đoàn dệt may Texhong (Trung Quốc), Nhà máy chính của Honda Việt Nam.

Tháng 6/2014, với việc thành lập văn phòng ở Hà Tĩnh, VLG đã hình thành nên chuỗi cung ứng dịch vụ logistics xuyên suốt Bắc – Trung – Nam, đáp ứng tối đa các nhu cầu về dịch vụ logistics của khách hàng như: dịch vụ khai báo hải quan điện tử, vận chuyển container đường bộ kết hợp đường biển liên tuyến Hải Phòng – Cửa Lò – Formosa. Ngoài ra, công ty đã bước đầu khai thác dịch vụ vận chuyển hàng hoá xuyên biên giới trên tuyến Thakhek (Lào) – Vũng Áng và Savannakhet (Lào) – Cảng Đà Nẵng.

Năm 2014, VLG đã được UBND các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh lựa chọn là một trong số ít các đơn vị đầu mối thực hiện các dịch vụ tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan tại cửa khẩu các tỉnh này. Hàng hóa của VLG luôn có mặt và được khai thác trung chuyển tại hầu hết các cửa khẩu quốc tế trên các địa bàn như Móng Cái, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lai Châu, Lào Cai..

Cũng trong năm qua, công ty đã tích cực triển khai các dịch vụ gia tăng liên quan đến vận chuyển hàng hóa đường sắt từ Cảng thông quan nội địa Lào Cai đi các ga trong nước, vận chuyển đa phương thức Lào Cai – Hải Phòng – TP. Hồ Chí Minh như: bốc xếp, lưu kho, vận chuyển hàng, khai thuế hải quan, kho ngoại quan, khai thác cho thuê thiết bị, thuê kho với diện tích hơn 3.000m2 và mặt bãi hơn 40.000m2. Ngoài ra, công ty còn tập trung khai thác dịch vụ kho ngoại quan tại Hải Phòng trên cơ sở trang thiết bị, kho hàng hiện có khoảng 5.000m2.

Theo Báo cáo tài chính năm 2014, doanh thu thuần của VLG đạt 2.262 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt10,4 tỷ đồng. Trong 2 năm 2015 và 2016, công ty đặt mục tiêu doanh thu lần lượt đạt 2.400 tỷ và 2.600 tỷ đồng (tăng 6-8% mỗi năm), tương ứng với lợi nhuận sau thuế 11,3 tỷ và 12 tỷ đồng.