3 giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển tiêu dùng xanh ở Việt Nam 

Khánh Chi

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề xuất 03 giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển tiêu dùng xanh ở Việt Nam.

Việc tăng cường triển khai và áp dụng các chính sách tiêu dùng xanh ở Việt Nam được coi là một giải pháp hữu hiệu để bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Việc tăng cường triển khai và áp dụng các chính sách tiêu dùng xanh ở Việt Nam được coi là một giải pháp hữu hiệu để bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Việc tăng cường triển khai và áp dụng các chính sách tiêu dùng xanh ở Việt Nam được coi là một giải pháp hữu hiệu để bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, hướng đến phát triển bền vững. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề xuất 03 giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển tiêu dùng xanh ở Việt Nam, gồm:

Thứ nhất, Nhà nước cần xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý, chính sách về tiêu dùng xanh sao cho đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và minh bạch. Đưa ra các chính sách khuyến khích sản xuất sản phẩm, dịch vụ xanh; phát triển những ngành nghề, lĩnh vực có áp dụng công nghệ sạch; đẩy mạnh xanh hóa sản xuất, ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, phát triển công nghệ xanh.

Cùng với đó, cần phát triển và nhân rộng các mô hình doanh nghiệp xanh, đồng thời, hỗ trợ giá đối với các sản phẩm, dịch vụ xanh, nhằm đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng đối với sản phẩm này. Tăng cường việc đào tạo chuyên môn để hỗ trợ các doanh nghiệp, bao gồm phương pháp quản lý, thực hành các lĩnh vực kỹ thuật cụ thể, công nghệ giảm thiểu phát thải khí nhà kính… Chính sách ưu đãi, hỗ trợ không chỉ dành cho hàng hóa được chứng nhận Nhãn Xanh Việt Nam, mà cần mở rộng cho các dự án sản xuất hàng hóa thân thiện môi trường ở nhiều cấp độ khác nhau.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của tiêu dùng xanh đối với môi trường sống và sức khỏe của con người, tiến tới thay đổi nhận thức và hành động của toàn xã hội trong hoạt động bảo vệ môi trường. Phổ biến các mô hình, kinh nghiệm tốt và hành động thiết thực về lối sống, tiêu dùng xanh, hài hòa với thiên nhiên, gắn kết với việc bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống, gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Hiệp hội Bán lẻ và Siêu thị, Hội Bảo vệ người tiêu dùng phải làm đầu mối vận động các đơn vị hội viên nâng cao tỷ trọng hàng Việt Nam tại các trung tâm và siêu thị, kết hợp với các biện pháp quảng cáo, khuyến mại chân thực. Trong cuộc vận động này, cả Chính phủ, người dân và cộng đồng doanh nghiệp đều có trách nhiệm...

Thứ ba, các doanh nghiệp cần chấp hành tốt các quy định về bảo vệ môi trường; chủ động cải tiến quy trình sản xuất, đổi mới công nghệ, phát triển nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghệ sản xuất nhằm tiết kiệm tài nguyên, tiêu hao ít năng lượng; ưu tiên sử dụng nguyên vật liệu đầu vào thân thiện với môi trường. Đặc biệt, luôn phải đặt vấn đề sức khỏe người tiêu dùng là trọng tâm của việc phát triển sản phẩm và có một chiến lược phát triển sản phẩm gắn liền với cam kết bền vững. Yêu cầu nhà sản xuất có trách nhiệm quản lý các sản phẩm sau khi chúng trở thành rác thải.

Đối với các doanh nghiệp ít vốn, để thực hiện mục tiêu phát triển xanh, không nhất thiết phải đầu tư trang thiết bị hiện đại, mà có thể thông qua những hành động đơn giản như: chấp hành tốt quy định bảo vệ môi trường, cải tiến quy trình sản xuất để giảm nguyên nhiên liệu, điện và ưu tiên sử dụng nguyên vật liệu đầu vào thân thiện với môi trường...