3 hình thức vay nợ của chính quyền địa phương

PV.

Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 4 đã làm rõ hơn các điều kiện chính quyền địa phương được vay trong nước, vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) nêu rõ, chính quyền địa phương được vay nợ để bù đắp bội chi, vay để trả nợ gốc của ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước (NSNN).

Tuy nhiên, vay cho bù đắp bội chi của ngân sách địa phương chỉ được sử dụng cho đầu tư phát triển để thực hiện chương trình, dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định. Mức dư nợ vay của chính quyền địa phương được đảm bảo theo quy định của pháp luật về NSNN. Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không được trực tiếp vay nước ngoài.

Chính quyền địa phương có thể vay qua 3 hình thức: Phát hành trái phiếu chính quyền địa phương tại thị trường vốn trong nước; Vay lại từ vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài; Và vay từ các nguồn tài chính khác trong nước theo quy định của pháp luật về NSNN.

So với Luật Quản lý nợ công năm 2009, Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) đã làm rõ hơn các điều kiện vay của chính quyền địa phương. Cụ thể, vay trong nước để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương theo quy định của Luật NSNN phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

Thứ nhất, dự án đã hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật, thuộc danh mục đầu tư công trung hạn của chính quyền địa phương đã được cấp có thẩm quyền quyết định;

Thứ hai, có kế hoạch vay theo từng nguồn vốn để đầu tư theo quy định của Luật NSNN, Luật Đầu tư công;

Thứ ba, trường hợp vay thông qua phát hành trái phiếu, Đề án phát hành trái phiếu phải được lập và thẩm định theo quy định của Chính phủ về phát hành trái phiếu;

Thứ tư, trị giá khoản vay, khoản phát hành trái phiếu phải trong mức dư nợ vay và bội chi của ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật về NSNN.

Để được vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, chính quyền địa phương phải đáp ứng các điều kiện: Có chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn của địa phương do cấp có thẩm quyền phê duyệt, đã hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật; Chương trình, dự án đầu tư có sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài; Không có nợ vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài quá hạn trên 180 ngày.

Bên cạnh đó, mức dư nợ vay của ngân sách địa phương tại thời điểm đề nghị vay lại không vượt quá mức dư nợ vay của ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật về NSNN; Ngân sách địa phương cam kết trả nợ đầy đủ, đúng hạn.