3 kịch bản cho cuộc đàm phán thương mại cấp cao Mỹ-Trung ngày 30-31/01
Mỹ và Trung Quốc đã lên kế hoạch tổ chức một vòng đàm phán quan trọng trong ngày 30-31/01 với nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại giữa hai nước. Nhưng việc đạt được tiến bộ thực sự đối với một thỏa thuận ngừng chiến sẽ không phải là vấn đề dễ dàng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã giao nhiệm vụ cho các quan chức hai bên thời hạn ngày 1/3 để thực hiện một thỏa thuận về thay đổi cấu trúc của mô hình kinh tế Trung Quốc. Nếu họ thất bại, Tổng thống Trump đã hứa hẹn sẽ tăng mức thuế quan đối với 200 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc từ 10% lên 25%. Do đó, sự sụp đổ của các cuộc đàm phán sẽ làm tan vỡ hy vọng về một thỏa thuận ngừng chiến lâu dài và sẽ loại bỏ một trong những đám mây đen tối nhất đang treo lơ lửng trên nền kinh tế thế giới.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ đàm phán với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer tại Washington trong hai ngày bắt đầu từ 30/1. Dự kiến, các cuộc thảo luận sẽ tập trung vào tất cả mọi thứ từ kim ngạch đậu tương Mỹ mà Trung Quốc nhập khẩu, cho đến các khoản trợ cấp mà Bắc Kinh dành cho các doanh nghiệp nhà nước.
Cùng với việc thông báo về một thỏa thuận cuối cùng được mong đợi trong tuần cuối tháng 1 này, có một cơ hội tốt cho các nhà đàm phán đưa ra một gói các đề xuất để trình lên hai nhà lãnh đạo Mỹ- Trung. William Reinsch, cựu quan chức thương mại dưới thời Tổng thống Clinton và hiện là cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Washington, cho biết bởi vì Tổng thống Trump rất khó đoán nên tỷ lệ sẽ là 50-50. Các chuyên gia cũng gợi ý một loạt các kịch bản cần xem xét khi các cuộc đàm phán diễn ra.
Một là kịch bản cơ sở, ngay cả khi ông Lighthizer và ông Lưu Hạc đạt được một thỏa thuận trong tuần này, có lẽ sẽ cần thêm thời gian để báo cáo tới hai nhà lãnh đạo của hai nước Mỹ-Trung, sau đó để Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình quyết định xem họ có hài lòng hay không.
Sau cuộc họp mới nhất tại Bắc Kinh đầu tháng 1, hai bên đã đưa ra các tuyên bố riêng biệt. Mỹ thừa nhận tiến bộ về các vấn đề như mua sản phẩm Mỹ, nhưng nói thêm rằng mọi thỏa thuận sẽ cần bao gồm cả việc xác minh tính liên tục và thực thi hiệu quả. Trung Quốc đã gọi cuộc đàm phán đó là mở rộng, sâu sắc và chi tiết. Phác thảo của một thỏa thuận đang trở nên rõ ràng tại thời điểm này. Trung Quốc có thể sẽ đồng ý mua thêm hàng hóa của Mỹ, Bắc Kinh có thể hứa sẽ ngừng đánh cắp tài sản trí tuệ và hai bên có thể xây dựng một hệ thống thực thi khả thi để đưa ra thỏa thuận.
Nếu các quan chức chỉ ra rằng họ có kế hoạch tổ chức một vòng đàm phán khác, đó sẽ là dấu hiệu cho thấy hai bên vẫn nghĩ rằng một thỏa thuận có thể được thực hiện trước ngày 1/3, ngay cả khi họ không sẵn sàng đưa ra toàn bộ gói cam kết. Một kết quả khác có thể xảy ra nếu các bên thống nhất gặp lại nhau, sẽ là một phần mở rộng cho thỏa thuận đình chiến thuế quan. Jennifer Hillman, giáo sư luật và là chuyên gia thương mại tại Đại học Georgetown ở Washington, cho biết những điều dễ dàng hơn cho các nhà đàm phán thương mại là công bố những thứ mang tính thủ tục.
Hai là kịch bản đột phá, trong trường hợp tốt nhất, Trung Quốc đàm phán với một đề nghị về cải cách kinh tế nhiều tham vọng hơn dự kiến. Điều đó thuyết phục nhà đàm phán Lighthizer của Mỹ rằng người Trung Quốc nghiêm túc trong việc mở cửa mô hình do nhà nước quản lý. Điều đó có thể đủ cho Tổng thống Trump hoặc Nhà Trắng thực hiện một thỏa thuận về nguyên tắc.
Thị trường sẽ tăng trưởng, giảm bớt nhiều tháng lo lắng về một cuộc chiến thương mại toàn cầu. Vấn đề là Trung Quốc sẽ cần một đề nghị thay đổi trò chơi cho thấy họ nghiêm túc về việc nới lỏng sự quản lý của nhà nước đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. David Loevinger, cựu quan chức Bộ Tài chính, hiện đang là giám đốc điều hành tại TCW Group Inc., cho rằng Mỹ muốn những thay đổi lớn đối với quản trị doanh nghiệp của Trung Quốc và điều này rất khó để thực hiện.
Ba là kịch bản sụp đổ, nếu không có tuyên bố nào về kết luận của cuộc đàm phán. Có thể Tổng thống Trump sẽ lên tiếng bày tỏ sự thất vọng với sự thiết tiến bộ của đàm phán. Hồi tháng 5 năm 2018, hai nước đã đưa ra một tuyên bố chung trong đó Trung Quốc đồng ý gia tăng xuất khẩu các hàng hóa nông nghiệp và năng lượng, đồng thời công nhận tầm quan trọng của việc bảo vệ sở hữu trí tuệ. Trong vài ngày sau đó, Tổng thống Trump đã từ chối các khuôn khổ đặt ra.
Một phản ứng tương tự của Tổng thống Trump có thể khiến các cuộc đàm phán bị đóng băng một thời gian dài. Phần lớn sẽ phụ thuộc vào cách những nhà đàm phán trong chính quyền Trump bao gồm Đại diện Thương mại Lighthizer, cố vấn Nhà Trắng Peter Navarro và Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross- phản ứng với những đề nghị của Trung Quốc. Hiện vẫn chưa rõ các nhà đàm phán Mỹ sẽ nói gì, nhưng nếu không đạt được kỳ vọng, có thể sẽ mất thời gian dài trước chiến dịch ngoại giao con thoi tiếp theo giữa Washington và Bắc Kinh.