3 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016-2020

PV.

Dựa trên các giả thiết về kinh tế thế giới và kinh tế trong nước, nhóm nghiên cứu của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia (NCIF) đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016-2020.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia (NCIF) vừa tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Kinh tế Việt Nam trong trung hạn: Triển vọng và một số ảnh hưởng của yếu tố môi trường”. Tại hội thảo, nhóm nghiên cứu của NCIF đã đưa ra dự báo về 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016-2020, cụ thể:

Kịch bản thấp khi kinh tế thế giới và thương mại quốc tế suy giảm mạnh và hệ thống tài chính toàn cầu nhiều bất ổn; tốc độ tăng đầu tư toàn xã hội là 7%; Rủi ro từ nợ công, bội chi ngân sách và hệ thống tài chính ngày một lớn; Tiếp tục dựa vào mô hình tăng trưởng kiểu cũ; Cạnh tranh ngày càng gay gắt. Dự báo tăng trưởng kinh tế trung bình giai đoạn 2016-2020 có thể đạt mức 6,20%.

Kịch bản cơ sở với nhiều khả năng xảy ra nhất. Trong đó giả định tăng trưởng kinh tế thế giới tiếp tục ổn định ở mức trung bình khoảng 3%. Đầu tư khu vực nhà nước được cải thiện hơn cả về tốc độ giải ngân và hiệu quả. Điều hành chính sách có nhiều cải thiện, thủ tục pháp lý và môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện. Tốc độ tăng đầu tư toàn xã hội trung bình giai đoạn tăng 7%.

Mô hình kinh tế phần nào được chuyển đổi, nhưng về cơ bản vẫn là nền kinh tế tăng trưởng dựa vào vốn và lao động giá rẻ; hiệu quả của nền kinh tế chưa có sự cải thiện nhiều.

Hệ thống tài chính khá ổn định, điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ tương đối linh hoạt. Các hiệp định thương mại được triển khai hiệu quả, giúp đầu tư và xuất khẩu Việt Nam cải thiện hơn. Dự báo tăng trưởng kinh tế trung bình giai đoạn 2016-2020 có thể đạt mức 6,55%.

Kịch bản cao, ít khả năng xảy ra hơn nhưng cũng có thể đạt được, nếu nền kinh tế đạt được những kỳ vọng như kịch bản cơ sở nhưng tiến trình tái cơ kinh tế được diễn ra mạnh mẽ hơn, đặc biệt là cải cách triệt để thể chế quản lý, qua đó nâng cao hiệu quả đầu tư công; năng suất lao động đạt được trung bình của các nước ASEAN; giảm lãi suất cho vay ngắn hạn xuống mức trung bình của các nước đang phát triển. Đẩy mạnh thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, và sử dụng nguồn vốn thu được vào đầu tư kết cấu hạ tầng... Dự báo mức tăng trưởng kinh tế trung bình giai đoạn này khoảng 6,85%, đồng thời có thể duy trì được sự phát triển bền vững, tạo tiền đề cho những giai đoạn kế hoạch 5 năm tiếp theo.

Tại Hội thảo, TS. Đặng Đức Anh, Trưởng ban Phân tích Dự báo (NCIF) cũng lưu ý, cùng với những tác động tích cực do các hiệp định thương mại đem lại, tốc độ tăng trưởng kinh tế được dự báo sẽ cao hơn so với giai đoạn trước.

Giai đoạn 2016-2020, nền kinh tế Việt Nam sẽ thoát khỏi giai đoạn suy giảm và bắt đầu vào chu kỳ phục hồi mới. Hơn nữa, tăng trưởng kinh tế được kỳ vọng hồi phục mạnh trong giai đoạn tới với sự hỗ trợ từ các hiệp định thương mại, lực đẩy từ các doanh nghiệp FDI và nhu cầu bên ngoài, cùng với quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, cải cách về thể chế và môi trường kinh doanh...