3 nhóm giải pháp tăng tổng cầu
(Tài chính) Tổng cầu yếu tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh, đến tăng trưởng kinh tế. Đây là nội dung được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho ý kiến trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2014.
Thứ nhất là với nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, cần đẩy nhanh giải ngân, nhất là đối với những bộ, ngành, địa phương thực hiện còn thấp hơn tỷ lệ chung (69,7%). Trong đó, Bộ GDĐT mới đạt 61,6%, Bộ Tài nguyên và Môi trường (62,5%), Bộ Khoa học Công nghệ (65,6%), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (67%)... Còn các tỉnh như Quảng Ninh mới đạt 48,6%, Bình Dương (51,1%), Bà Rịa-Vũng Tàu (55,5%), Đồng Nai (59,3%), Hà Nội (62,7%), Hà Tĩnh (62,9%)...
Nguồn vốn ODA, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ càng phải khẩn trương giải ngân để tận dụng thời gian, do phải tính lãi ngay từ ngày vay.
Các doanh nghiệp Nhà nước cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện cổ phần hoá, đẩy nhanh việc thoái vốn ngoài ngành để tập trung cho chuyên ngành.
Đồng thời cần có chính sách khuyến khích để khu vực kinh tế ngoài Nhà nước an tâm đầu tư, ngăn chặn sự sụt giảm tỷ trọng trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội (2011 còn chiếm 38,5%, 2012 còn 38,1%, 2013 còn 37,6%, 6 tháng 2014 còn 35,4%).
Về nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 8 tháng, tuy số vốn đăng ký giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng số vốn thực hiện đã tăng 4,5%. Do đó, cần tạo điều kiện để thu hút nhiều hơn lượng vốn đăng ký mới hoặc bổ sung, đặc biệt là tạo điều kiện cho các dự án giải ngân vốn, đưa vào sản xuất.
Nếu tỷ lệ vốn đầu tư/GDP năm nay bằng với kế hoạch (30%), nếu tốc độ tăng GDP đạt được mục tiêu (5,8%), thì hệ số ICOR sẽ là gần 5,2 lần, thấp hơn của năm trước (5,6 lần). Điều đó có nghĩa hiệu quả đầu tư đã cao lên.
Thứ hai là tạo điều kiện tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp. Tình trạng tăng trưởng dư nợ tín dụng quá thấp, một phần do nợ xấu cao và tăng lên, một phần do doanh nghiệp tiêu thụ chậm, tồn kho lớn, nợ cũ còn nhiều.
Để giải quyết nợ xấu có thể phải mạnh tay thực hiện thêm các giải pháp: Hoàn thiện về mặt pháp lý xử lý nợ xấu; nới lỏng điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài mua nợ xấu; trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành có thể được dùng để vay tái cấp vốn tại Ngân hàng Nhà nước; tháo gỡ vướng mắc ở thị trường bất động sản...
Thứ ba là đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, tăng cường xuất khẩu.
Cụ thể, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để đưa hàng sản xuất trong nước về thị trường nông thôn rộng lớn. Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” không chỉ hướng đến người tiêu dùng, mà cả đối với các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng nhỏ lẻ, các chợ. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng phải quyết liệt ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, buôn lậu, gian lận thương mại.
Về xuất khẩu, cần tiếp tục chuyển dịch cơ cấu tăng tỷ trọng hàng chế biến, hàng có kỹ thuật-công nghệ cao. Ngoài thị trường truyền thống, các DN cần quan tâm đến thị trường châu Phi, 11 nước tham gia đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).