30 năm thu hút FDI và những điều chưa như kỳ vọng
Mặc dù khu vực doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã có vai trò rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội trong suốt chặng đường 30 năm qua, nhưng vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn, chưa thực sự hài lòng về một số mục tiêu chưa đạt được so với kỳ vọng.
Xem FDI là sản phẩm của nền kinh tế thị trường
Theo ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), điều băn khoăn và chưa hài lòng về thu hút FDI chủ yếu nằm ở tính lan tỏa, chuyển giao công nghệ chưa đạt được như mong muốn; tỷ lệ nội địa hóa thấp; giá trị gia tăng chưa cao; sử dụng nguồn lực chưa hiệu quả; một số dự án có hiện tượng chuyển giá, gây ô nhiễm môi trường; thiếu tính liên kết với DN trong nước...
Đối với kỳ vọng lan tỏa chuyển giao công nghệ từ khu vực FDI, ông Đặng Xuân Quang - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia - cho rằng, cần phải đặt FDI vào trong nền kinh tế thị trường (KTTT), bởi nó là “con đẻ” và cũng bộc lộ rõ nhất bản chất của nền KTTT. Chuyển giao công nghệ từ khu vực FDI là một hoạt động của thị trường, không phải là bao cấp, cho không, biếu không, làm từ thiện, mà phải thông qua mua bán theo cơ chế thị trường, “thuận mua vừa bán”. Và để một hoạt động mua bán diễn ra thì cần có 5 yếu tố căn bản, gồm: hàng hóa, người mua, người bán, luật pháp về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và dịch vụ hỗ trợ đi kèm.
Soi chiếu vào thực tế của Việt Nam thấy rằng, người mua (DN trong nước) đa số chỉ có nhu cầu thuê, mua dây chuyền sản xuất nhập khẩu từ nước ngoài, nghĩa là khai thác giá trị phái sinh của công nghệ, chứ không phải là mua công nghệ. Nếu muốn mua công nghệ, thì bản thân DN đó phải có nền tảng về công nghệ, làm chủ được công nghệ, có tỷ trọng đầu tư lớn cho nghiên cứu, phát triển, nâng cấp công nghệ, nếu không công nghệ được mua về sẽ lạc hậu rất nhanh, chỉ cần 2 đến 3 năm là đã cũ, chưa nói đến công nghệ 4.0. Qua khảo sát, có rất ít DN trong nước có khả năng này (chỉ chiếm khoảng 5%). Không chỉ người mua không có nhu cầu, mà hai yếu tố còn lại là luật pháp về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và dịch vụ hỗ trợ đi kèm còn thiếu và yếu, dẫn đến kết quả chuyển giao công nghệ không được như kỳ vọng.
Đối với vấn nạn chuyển giá, ông Đặng Xuân Quang cho rằng, đây cũng là sản phẩm của nền KTTT, và tất nhiên không chỉ DN FDI mới có, mà các DN khác đều có khả năng này. Thực tế, Kiểm toán Nhà nước cũng từng phát hiện nhiều trường hợp DN nội có dấu hiệu chuyển giá chứ không riêng gì DN FDI.
Còn nhiều bất cập trong thực thi
Ông Đặng Xuân Quang nêu quan điểm, không nên quá đặt nặng vào DN FDI, mà các cơ quan quản lý nhà nước cần nâng cao hơn nữa kỹ năng quản lý để chống chuyển giá, trốn thuế, gây thất thu ngân sách nhà nước.
Ở một góc nhìn khác, là một người từng kinh qua công tác quản lý nhà nước về FDI từ năm 1989 cho đến nay, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT - đã chỉ ra những bất cập, hạn chế trong thu hút FDI, cả từ phía nhà đầu tư FDI và cơ quan quản lý nhà nước như: hiệu quả đầu tư không tương xứng với nguồn lực (đất đai, ưu đãi thuế...); chưa quản lý và xử lý được những hành vi vi phạm về chuyển giá, trốn thuế, dù đã được quy định; chưa có cơ chế kiểm soát và khống chế tổng mức đầu tư, tăng vốn ảo...; sự tùy tiện và cứng nhắc trong quản lý nhà nước về FDI, về quy hoạch ở các ngành, các cấp, đặc biệt là địa phương; vẫn nặng về cơ chế xin cho... Đặc biệt, năng lực quản lý yếu kém của các địa phương cũng dẫn đến chất lượng dự án thấp, dễ dẫn đến kiện tụng, tranh chấp, gây thua thiệt nhiều cho Nhà nước, gây thất thoát, lãng phí nguồn lực.
Ngoài ra, chuyên gia kinh tế cao cấp Cao Viết Sinh - nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT - còn bày tỏ lo ngại về căn bệnh trầm kha trong xúc tiến đầu tư, đó là căn bệnh thành tích, tư duy nhiệm kỳ của các địa phương trong thu hút FDI. Mặc dù một địa phương có lợi thế về phát triển nông nghiệp, nhưng thấy địa phương bên cạnh thu hút tốt về công nghiệp, cũng đổ xô chạy đua thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực đó. Nhiều trường hợp, cả 2 địa phương đều “xôi hỏng, bỏng không”...
Về phía cộng đồng DN Việt Nam, ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng: “Sở dĩ chúng ta chưa tận dụng được lợi thế của khu vực FDI một phần còn do nhận thức muộn về chuỗi giá trị toàn cầu, dẫn đến DN nội đã không chú trọng, không có sự chuẩn bị tốt và thực thi cam kết yếu. Muốn có thị trường ổn định thì phải tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia. Muốn tham gia chuỗi, trước tiên phải tăng tính cam kết cao, tuân thủ nghiêm túc kỷ luật về tiêu chuẩn, chất lượng, thời hạn giao hàng... Một khi tạo được giá trị thương hiệu, tạo được uy tín, niềm tin với đối tác nước ngoài, chúng ta mới có thể tính đến những bước tiếp theo”.