4 giải pháp đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước


Ngày 28/3, tại buổi họp báo về tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước trong năm 2017, 2018 quá chậm, chỉ đảm bảo 30% kế hoạch được giao. Tại sự kiện này, Bộ Tài chính cũng đưa ra một số nhiệm vụ, giải pháp đối với các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong thời gian tới.

Thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước trong năm 2017, 2018 quá chậm, chỉ đảm bảo 30% kế hoạch được giao. Nguồn: Internet
Thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước trong năm 2017, 2018 quá chậm, chỉ đảm bảo 30% kế hoạch được giao. Nguồn: Internet

Chật vật thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Bộ Tài chính cho biết, năm 2018, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cả nước thực hiện cổ phần hóa 64 doanh nghiệp, nhưng trên thực tế chỉ có 23 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa.

Cụ thể, năm 2018, đã có 23 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 31.706 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 16.739 tỷ đồng. Tổng vốn điều lệ theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt là 20.278 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 12.118 tỷ đồng; bán cho nhà đầu tư chiến lược 2.540 tỷ đồng; đấu giá công khai 5.429 tỷ đồng, số còn lại bán cho người lao động là 179 tỷ đồng và tổ chức công đoàn 7 tỷ đồng.

Lũy kế giai đoạn 2016 – 2018 đã có 159 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 442.275 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 206.024 tỷ đồng.

Cũng trong năm 2018, chỉ có 28 doanh nghiệp thực hiện bán cổ phần lần đầu với giá trị cổ phần bán ra là 13.950 tỷ đồng, thu về 21.827 tỷ đồng.  

Bên cạnh đó, tình hình triển khai thoái vốn nhà nước còn chậm, chưa đạt kế hoạch đề ra. Một số bộ, ngành, địa phương có nhiều doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn vẫn đang triển khai thực hiện nhưng kết quả đạt thấp hoặc chưa có kết quả, tuy nhiên vẫn chưa báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh tiến độ thực hiện. 

Tính riêng năm 2018 chỉ thực hiện thoái vốn 57 doanh nghiệp, trong khi đó theo kế hoạch mà Chính phủ đặt ra là phải thoái vốn tại 181 doanh nghiệp. Ngoài ra, còn có một loạt doanh nghiệp như Tập đoàn dầu khí Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Việt Nam… xin lùi thời điểm thoái vốn và cổ phần hóa. 

Hiện nay, theo báo cáo của Bộ Tài chính, tuy đã hết quý I/2019, nhưng vẫn chưa có thêm doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa; Đồng thời, chưa có doanh nghiệp thực hiện thoái vốn.

Lý giải về nguyên nhân khiến doanh nghiệp chật vật thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong thời gian qua, theo lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), do vướng mắc đất đai, tài chính nên cần thời gian để xử lý, việc rà soát, phê duyệt phương án sử dụng đất của nhiều doanh nghiệp quy mô lớn gặp khó khăn về quy trình, thủ tục.

Đồng thời, tỷ lệ vốn nhà nước trong phương án cổ phần hóa DNNN còn cao dẫn đến giảm sức hút đối với các nhà đầu tư trong mua cổ phần. Bên cạnh đó, có những dự án thua lỗ, khó khăn nên nhà đầu tư không mua. Chẳng hạn, Tổng công ty Giấy đấu giá 3-4 lần nhưng không có nhà đầu tư tham gia, hay Tổng công ty Thép thoái vốn tại dự án Thép Thái Nguyên nhưng nhà đầu tư không mặn mà.

4 giải pháp đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Tại buổi họp báo, ông Đặng Quyết Tiến, cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), cho biết, tính đến hết năm 2018, có 35/526 DNNN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại.

Việc chậm phê duyệt phương án cơ cấu lại đã và đang ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện và khả năng hoàn thành mục tiêu cơ cấu lại DNNN đề ra theo Quyết định số 707/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, mục tiêu đề ra phải đạt được trong giai đoạn 2017 – 2020 thực hiện cổ phần hóa 127 doanh nghiệp. Trong đó, năm 2017 cổ phần hóa 44 doanh nghiệp; Năm 2018 cổ phần hóa 64 doanh nghiệp; Năm 2019 cổ phần hóa 18 doanh nghiệp; Năm 2020 cổ phần hóa 01 doanh nghiệp.

"Nhìn tổng thể, công tác cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước sẽ rất áp lực trong năm nay và năm sau vì những doanh nghiệp chưa cổ phần hóa, thoái vốn trong năm 2017, 2018 sẽ phải được chuyển sang để thực hiện trong năm nay và năm 2020. Do dó, nếu không có biện pháp quyết liệt thì sẽ không thể thực hiện được kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn như chính phủ đặt ra giai đoạn 2016- 2020", ông Tiến nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách, nghiêm túc, khẩn trương, quyết liệt triển khai các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội cũng như các chỉ đạo tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ và Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 05/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN.

Đồng thời, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cần tập trung vào 04 nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN theo Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII, Nghị quyết số 60/NQ-QH14 của Quốc hội, tạo sự nhất trí cao trong toàn hệ thống chính trị để nâng cao hơn nữa nhận thức và có hành động quyết liệt, cụ thể trong thực hiện.

Hai là, các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, DNNN hoàn thành việc phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý.

Ba là, thủ trưởng, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chịu trách nhiệm đôn đốc, triển khai thực hiện đúng tiêu chí phân loại DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước và Danh mục DNNN thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg; thực hiện việc cổ phần hóa, thoái vốn theo đúng kế hoạch tại văn bản số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 và Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Bốn là, các DNNN thuộc diện cổ phần hóa cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có ý kiến về phương án và giá đất để cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa theo đúng quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 và Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ.