Xử lý trách nhiệm cá nhân người đại diện vốn tại các doanh nghiệp cổ phần hóa chậm niêm yết
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 01/03/2019, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết: "Việc công khai danh sách các doanh nghiệp đã cổ phần hóa đến nay chưa niêm yết, Bộ Tài chính sẽ kiến nghị trước hết là phải xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật hiện hành đối với doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm việc giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán”.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, trong năm 2018, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước rà soát danh sách 747 doanh nghiệp đã cổ phần hóa, nhưng chưa đăng ký niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Theo đó, tính đến ngày 15/11/2018, còn 667 doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa nhưng chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Trong đó, các doanh nghiệp chậm niêm yết chủ yếu là các công ty con của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trực thuộc các bộ, ngành (tổng cộng 295 doanh nghiệp); Ngoài ra còn có các doanh nghiệp thuộc quyền quản lý của các UBND cấp tỉnh (tổng cộng 372doanh nghiệp).
Các doanh nghiệp này đưa ra nhiều lý do để lý giải về việc chưa hoàn thành nghĩa vụ lên sàn sau cổ phần hóa. Phổ biến nhất là các lý do không đủ số lượng cổ đông cần thiết hoặc không đủ vốn điều lệ cần thiết để trở thành công ty đại chúng và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán; Có doanh nghiệp lấy lý do doanh nghiệp của họ có vốn điều lệ nhỏ hơn 10 tỷ đồng... đang hoàn thiện hồ sơ quyết toán cổ phần hóa, đang tiến hành bàn giao cho SCIC...
Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, trước tình trạng trên, Bộ Tài chính đã tham mưu và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg về tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn Nhà nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 05/01/2019.
Chỉ thị đã nêu rõ giải pháp giúp đẩy nhanh quá trình niêm yết của các doanh nghiệp cổ phần hóa trên thị trường chứng khoán. Trong đó, yêu cầu các cơ quan đại diện chủ sở hữu tiếp tục thực hiện nghiêm việc đăng ký giao dịch và niêm yết sau khi cổ phần hóa và chịu trách nhiệm về vấn đề này.
Trường hợp không triển khai thoái vốn đúng tiến độ đối với những danh mục đã được duyệt, thủ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương có trách nhiệm chuyển giao về SCIC trước ngày 31/3/2019 để tổ chức thoái vốn theo quy định.
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thực hiện xử phạt theo quy định pháp luật đối với doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm việc giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng kiến nghị cơ quan đại diện chủ sở hữu xử lý trách nhiệm của cá nhân người đại diện vốn tại các doanh nghiệp này.