Không quyết liệt sẽ khó thực hiện được kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn
Đó là quan điểm của ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) tại cuộc họp báo chuyên đề về “Kết quả cơ cấu lại, cổ phần doanh nghiệp nhà nước (DNNN) năm 2018, giải pháp đẩy mạnh công tác cơ cấu lại, cổ phần hóa DNNN trong giai đoạn tới” được Bộ Tài chính tổ chức sáng nay (28/3).
Chậm nhất trong cổ phần hóa vẫn là vấn đề đất đai
Theo đánh giá của ông Đặng Quyết Tiến, việc cổ phần hóa, thoái vốn đang có một số tồn tại, hạn chế như tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, phê duyệt phương án cơ cấu lại chậm, chưa đạt kế hoạch đề ra, chậm quyết toán bàn giao sang công ty cổ phần; nhiều doanh nghiệp chậm đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Ông Đặng Quyết Tiến cho biết, thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII, Nghị quyết số 60/NQ-QH14 của Quốc hội, Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ về chuyển DNNN và công ty TNHH MTV do DNNN nắm giữ 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, Bộ Tài chính đã ban hành theo thẩm quyền hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp việc xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, việc quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp, việc cơ cấu lại các doanh nghiệp không đủ điều kiện cổ phần hóa... Như vậy, có thể khẳng định hiện đã có một hệ thống cơ chế chính sách phục vụ quá trình đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN khá đồng bộ.
Cũng theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong năm 2018 có 23 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 31.706 tỉ đồng trong đó giá trị vốn nhà nước là 16.739 tỉ đồng. Bên cạnh đó, 28 doanh nghiệp thực hiện bán cổ phần lần đầu với giá trị cổ phần bán ra là 13.950 tỉ đồng, thu về 21.827 tỉ đồng.
Về hoạt động thoái vốn nhà nước năm 2018, đã thoái được 8.460 tỉ đồng, thu về 19.618 tỉ đồng. Lũy kế giai đoạn 2016-2018, cả nước đã thoái được 22.064 tỉ đồng, thu về 165.956 tỉ đồng.
Theo ông Đặng Quyết Tiến, chậm nhất trong cổ phần hóa vẫn là vấn đề đất đai bởi những vấn đề về hồ sơ, quyền sử dụng đất ảnh hưởng đến phương án cổ phần hóa. Bên cạnh đó, việc thoái vốn chậm tập trung vào những doanh nghiệp, địa phương có diện tích, giá trị đất đai lớn như Bộ Xây dựng, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bắc Giang… Trong quá trình cổ phần hóa, có nhiều mảnh đất chưa đầy đủ hồ sơ, chưa xác lập quyền sử dụng đất, do đó, chưa có cơ sở để thiết lập đầy đủ phương án cổ phần hóa, vì vậy, năm 2019, các DNNN thuộc diện cổ phần hóa cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai.
Cũng theo ông Tiến, việc chậm thoái vốn xuất phát từ những vấn đề như việc thoái vốn không theo giá trị trường, dẫn chứng từ việc Tổng Công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) khó khăn trong việc bán vốn tại Nhà máy bộ giấy Phương Nam. Theo đó, Vinapaco đã bán vốn ba lần tại Nhà máy bộ giấy Phương Nam nhưng vẫn không tìm được người mua. Ngoài ra, vấn đề tranh chấp pháp lý cũng là nguyên nhân của việc chậm thoái vốn. Cụ thể, Tổng Công ty Thép Việt Nam - CTCP muốn thoái vốn tại Gang Thép Thái Nguyên nhưng vẫn còn vướng mắc về việc tranh chấp với nhà thầu (EPC).
Cổ phần xong không đủ điều kiện để niêm yết
Theo ông Đặng Quyết Tiến, hiện nay, nhiều doanh nghiệp cổ phần xong không đủ điều kiện để niêm yết. Qua rà soát sơ bộ, cho đến nay vẫn còn 646 doanh nghiệp chưa thực hiện đăng ký, nhiều doanh nghiệp chậm đăng ký giao dịch niêm yết trên sàn chứng khoán ảnh hưởng đến tính công khai minh bạch của thị trường.
Thời gian qua, Bộ Tài chính cũng đã rà soát có nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện để niêm yết, nhưng đăng ký giao dịch và lên UPCoM là bắt buộc. Sau khi rà soát pháp lý có những chỗ chưa chặt chẽ thống nhất, cho nên vừa qua Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 13/2019/TT-BTC ngày 15/3/2019 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 180/2015/TT-BTC ngày 13/11/2015 hướng dẫn về đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết (UPCoM). Nội dung Thông tư số 13 quy định rất rõ, DNNN mà IPO cũng có thể coi là công ty đại chúng rồi, còn điều kiện để thành công ty đại chúng là phải đăng ký giao dịch và vào thị trường UPCoM.
Theo kế hoạch, trong tháng 4 và tháng 5/2019, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rà soát lại, kiểm tra việc đăng kí giao dịch của các doanh nghiệp, theo chủ trương của Chính phủ “cổ phần hóa gắn với niêm yết”.
“Đối với việc đủ điều điện niêm yết hay không thì phải tuân thủ theo luật chứng khoán. Đưa lên UPCoM, chúng ta sẽ quản lý được, đôn đốc để họ hoàn thiện, nâng cao và niêm yết trên sàn. Đó là một trong những cái mà rất nhiều doanh nghiệp ở các bộ, ngành chưa thực hiện đúng quy định này, qua rà soát thì rõ ràng là có nhiều doanh nghiệp bây giờ không còn vốn nhà nước nữa, nhưng không đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM" - ông Tiến chia sẻ.
Theo đại diện Bộ Tài chính, dù thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước trong năm 2017, 2018 quá chậm, chỉ đảm bảo 30% kế hoạch giao nhưng mới đây, một loạt DNNN có văn bản xin lùi tiến độ thực hiện. Mặt khác, tỉ lệ vốn nhà nước trong phương án cổ phần hóa DNNN còn cao dẫn đến giảm sức hút đối với các nhà đầu tư trong mua cổ phần. Bên cạnh đó, có những dự án thua lỗ, khó khăn nên nhà đầu tư không mua.
Ông Đặng Quyết Tiến bày tỏ lo ngại về tiến độ cổ phần hoá và thoái vốn bởi nhìn tổng thể, công tác cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước sẽ rất áp lực trong năm nay và năm sau vì những doanh nghiệp chưa cổ phần hóa, thoái vốn trong năm 2017, 2018 sẽ phải được chuyển sang để thực hiện trong năm nay và năm 2020. Do dó, nếu không có biện pháp quyết liệt thì sẽ không thể thực hiện được kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn như Chính phủ đặt ra giai đoạn 2016-2020.
“Muốn đảm bảo tiến độ cổ phần hoá và thoái vốn đòi hỏi thủ trưởng, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm đôn đốc, triển khai thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn theo đúng quyết định của Thủ tướng Chính phủ” - ông Đặng Quyết Tiến đặc biệt nhấn mạnh.