4 nguy cơ của “Euroxit”
(Taichinh) - Châu Âu đang cùng lúc phải đối mặt 4 cuộc khủng hoảng nghiêm trọng mà cách giải quyết cho thấy tình trạng thiếu đoàn kết và nguy cơ tan rã trong lòng EU.
Chiến thắng sau bầu cử của đảng cánh tả Syriza ở Hy Lạp dường như làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nợ công ở nước này. Bất đồng giữa việc Chính phủ Hy Lạp từ chối tiếp tục chính sách kinh tế khắc khổ và việc bộ ba chủ nợ sẽ không cung cấp thêm các khoản vay cho nước này nếu Athens không đẩy mạnh cải cách dẫn tới nguy cơ Hy Lạp hoặc sẽ nhận được các khoản vay với điều kiện nới lỏng hơn hoặc sẽ buộc phải rời khỏi Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Đến nay, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras vẫn không đưa ra được các cam kết cải cách như một bảo đảm cho phép các chủ nợ khơi thông nguồn vốn cần thiết tránh cho Athens phá sản. Dường như lãnh đạo mới của Hy Lạp đang dùng chiến thuật câu giờ để ép EU với mục tiêu rõ ràng là buộc các đối tác mở “van” tín dụng.
Châu Âu rơi vào cảnh bế tắc trong giải quyết vấn đề nợ công Hy Lạp khi chính phủ các nước này chịu sức ép từ dư luận trong nước. Nhiều người chỉ trích cho rằng EU đang phải đối mặt với sự “mất cân bằng về dân chủ”.
Thứ hai, viễn cảnh u ám về một nước Anh ra khỏi EU (Brexit) đang tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn châu Âu. Kịch bản này nếu xảy ra sẽ nghiêm trọng hơn cả tác động của Grexit. Thủ tướng tái đắc cử của Anh David Cameron đã ra điều kiện để giữ nước Anh lại EU, đó là siết chặt điều kiện tiếp cận với thị trường lao động và trợ cấp xã hội cho người nhập cư trong nội bộ châu Âu.
Anh muốn áp đặt một hạn chế về di chuyển tự do của người dân, trong khi điều này đi ngược lại một trong bốn nguyên tắc cơ bản của EU gồm tự do hàng hóa, vốn và các dịch vụ. Đối với Pháp và Đức, những điểm này là không thể thương lượng. Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo rằng các đối tác của châu Âu sẽ phải tính toán cái giá phải trả để giữ nước Anh lại. Chắc chắn đó sẽ là cái giá không nhỏ.
Cuộc khủng hoảng tại Ukraine là một vấn đề nhức nhối của châu Âu. Những ngày này, chiến sự bùng phát trở lại tại miền Đông đe dọa vô hiệu hóa thỏa thuận hòa bình Minsk II các bên đạt được cách đây ít tháng.
Do không có một chiến lược quân sự và chính trị mới, hiện có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy châu Âu đang “mắc kẹt” trong cuộc khủng hoảng nghiêm trọng và chết chóc nhất trong nhiều thập kỷ, khi sự ổn định bị suy yếu và an ninh bị phá vỡ. Tại Ukraine, hơn 5.000 người đã bị thiệt mạng, hơn 10.000 người khác bị thương và 1,2 triệu người bị buộc phải sơ tán.
Cuối cùng, châu Âu đang đứng trước thách thức nhập cư có thể nói là nghiêm trọng nhất từ trước tới nay khi thiếu một sách lược chung trước vấn đề người tỵ nạn vượt Địa Trung Hải. Hàng triệu người từ Libya, Syria, Iraq, châu Phi hạ Sahara và vùng Sừng châu Phi đang ra sức tìm cách nhập cư vào châu Âu. Trước thực tế ấy, các quyết định tại Hội nghị Thượng đỉnh EU mới đây thực sự đã gây thất vọng.
Châu Âu tăng gấp ba ngân sách cho chiến dịch cứu hộ và giám sát Triton, từ 2,9 triệu euro lên 9 triệu euro mỗi tháng. Chiến dịch này được tiến hành năm 2013 rồi bị ngưng vào tháng 10 năm ngoái do không được ủng hộ về tài chính.
Tuy nhiên, không hề có một sự “thức tỉnh” trước các thảm họa nhân đạo đang diễn ra, không có bất kỳ dấu hiệu nào của một chính sách hiệu quả để tìm ra con đường giải quyết triệt để vấn đề nhập cư bất hợp pháp - điều mà châu Âu thực sự đang rất cần. 28 nước châu Âu không muốn định ra một sách lược tỵ nạn chung, cũng như không hề có chính sách chung về visa.
Tương tự, EU cũng không đồng thuận trong các vấn đề tương trợ, như việc phân bố người nhập cư trên toàn lãnh thổ EU tùy theo nhu cầu và khả năng tiếp nhận.
Trong thế kỷ XX, châu Âu từng bị chia rẽ trong hai cuộc chiến tranh thế giới nhưng đã liên kết thành một EU lớn mạnh. Tuy nhiên, sau 70 năm hòa bình, giờ đây EU lại đối mặt với các nguy cơ tan rã trong thế kỷ XXI với kịch bản có tên “Euroxit”.