4 tháng đầu năm: Ngành Thuế huy động 360.060 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước
Với kết quả này, Tổng cục Thuế đã ước thực hiện được 33,6% dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) cả năm, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo tại cuộc họp giao ban đánh giá tình hình thực hiện công tác thuế tháng 4 và triển khai công tác tháng 5, Tổng cục Thuế cho biết, tiếp nối đà thực hiện nhiệm vụ từ quý I, trong tháng 4, Tổng cục Thuế đã ký quyết định giao chỉ tiêu phấn đấu thu NSNN năm 2018 cho các Cục Thuế (QĐ số 825/QĐ-TCT ngày 16/4/2018) đảm bảo mức phấn đấu thu nội địa năm 2018 tăng tối thiểu 5% so với dự toán Quốc hội giao. Đồng thời tập trung chỉ đạo cơ quan thuế các cấp triển khai quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp quản lý thu ngân sách.
Theo đó, toàn Ngành đã tăng cường và đổi mới các hình thức tuyên truyền hỗ trợ, tổ chức hướng dẫn việc thực hiện chính sách và thủ tục hành chính thuế để giúp người nộp thuế thực hiện tốt nghĩa vụ với NSNN và hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi và cải thiện môi trường kinh doanh. Cùng lúc, nỗ lực tiếp tục triển khai nâng cấp hệ thống quản lý TMS của ngành thuế đã đáp ứng kịp thời các yêu cầu nghiệp vụ mới phát sinh, đảm bảo rà soát, chuẩn hóa dữ liệu về đăng ký thuế.
Bên cạnh đó, quyết liệt chỉ đạo các Cục Thuế tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, 4 tháng đầu năm, toàn ngành đã thực hiện 11.935 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 13,38% kế hoạch năm 2018; với tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 3.220 tỷ đồng; giảm khấu trừ 252,67 tỷ đồng; giảm lỗ là 4.348,27 tỷ đồng. Tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách là 1.032 tỷ đồng, đạt 32,05% số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra. Cũng trong 4 tháng đầu năm, nhờ tích cực triển khai các biện pháp quản lý và cưỡng chế nợ thuế, cơ quan thuế đã thu vào ngân sách hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế nợ.
Nhờ tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp, trong tháng 4, ngành thuế đã thu thêm 94.500 tỷ đồng; luỹ kế 4 tháng đầu năm, tổng thu NSNN do Tổng cục Thuế thực hiện ước đạt 360.060 tỷ đồng, bằng 33,6% dự toán, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, thu từ dầu thô ước đạt 19.130 tỷ đồng, bằng 53,3% dự toán, tăng 27% so với cùng kỳ; thu nội địa ước đạt 340.930 tỷ đồng, bằng 33% dự toán, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2017.
Số thu không kể tiền sử dụng đất, cổ tức, LNCL và thu từ xổ số kiến thiết ước đạt 281.230 tỷ đồng, bằng 32,4% so với dự toán, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2017. Trong cơ cấu 17 khoản thu, sắc thuế, có 8 khoản đạt khá (trên 34%), trong đó một số khoản thu lớn như: thuế ngoài quốc doanh ước đạt 34,5%; thuế thu nhập cá nhân (TNCN) 38,9%; tiền sử dụng đất 41,5%; thu từ xổ số 49,6%...
Có 14 khoản có mức tăng trưởng thu so với cùng kỳ là: thu từ khu vực doanh nghiệpNN tăng 6,3%; thu từ doanh nghiệp có vốn ĐTNN tăng 3,4%; thuế ngoài quốc doanh tăng 13,6%; thuế TNCN tăng 15,3%; lệ phí trước bạ tăng 23,6%; tiền thuê đất tăng 30,9%... Với kết quả này, số thu ngân sách trung ương luỹ kế 4 tháng năm 2018 ước đạt 159.000 tỷ đồng, bằng 31,5% dự toán, tăng 10,3%; thu ngân sách địa phương ước đạt 201.060 tỷ đồng, bằng 35,5% dự toán, tăng 7,4% so với cùng kỳ.
Cùng với kết quả huy động nguồn lực cho ngân sách, việc triển khai các Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và Chính phủ điện tử đã được Tổng cục Thuế chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Đến thời điểm này, Tổng cục Thuế và 63 Cục Thuế các tỉnh, TP. đều đã có trang thông tin điện tử cung cấp đầy đủ thông tin thuế cho doanh nghiệp, người dân.
Số lượng thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến đạt mức độ 3 trở lên là 118/298 thủ tục. Riêng 8 dịch vụ gồm: kê khai hóa đơn qua mạng; kê khai sử dụng biên lai phí, lệ phí qua mạng; khai thuế qua mạng; nộp thuế điện tử; TNCN Online; Website hỏi đáp chính sách thuế; hoàn thuế điện tử và hệ thống cấp mã chống giả hóa đơn, đã được cung cấp trực tuyến ở mức độ 3 và 4.
Số lượng doanh nghiệp đã hoàn thành đăng ký dịch vụ nộp thuế điện tử với ngân hàng là 629.653 doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ 96.56% trên tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, với số tiền đã nộp NSNN từ 1/1/2018 đạt trên 187.055 tỷ đồng và 1.253.016 giao dịch nộp thuế điện tử. Cũng tính từ 1/1/2018 đến 20/4/2018 tổng số doanh nghiệp tham gia hoàn thuế điện tử là 3.450 (đạt 91.51%); số hồ sơ tiếp nhận là 5.745 (đạt 93.37%); tổng số hồ sơ hệ thống đã giải quyết hoàn là 3.922 với tổng số tiền đã giải quyết hoàn thuế điện tử là hơn 21.213 tỷ đồng.
Với đề án hoá đơn điện tử, trên cơ sở 219 doanh nghiệp đã thực hiện xuất hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế với tổng doanh thu xác thực là hơn 63.167 tỷ đồng và số thuế xác thực hơn 4.545 tỷ đồng (từ thời điểm triển khai tháng 9/2015 đến 20/4/2018), Tổng cục Thuế đã trình Bộ Tài chính ban hành Quyết định 526/QĐ-BTC ngày 16/4/2018 quy định mở rộng thí điểm áp dụng hoá đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế đối với các doanh nghiệp tại TP. Đà Năng và các địa phương ngoài TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.
Về đề án khai, nộp thuế điện tử đối với cho thuê nhà, nộp thuế điện tử từ chuyển nhượng nhà đất (thuế TNCN và lệ phí trước bạ), tính đến ngày 20/4/2018 đã có 34.230 cá nhân đăng ký tài khoản giao dịch thuế điện tử và có 75 419 tờ khai thuế điện tử. Ngoài ra, ngành thuế đang gấp rút trao đổi với các đơn vị liên quan để hoàn thiện quy chế phối hợp, hoàn thiện ứng dụng CNTT để triển khai dịch vụ khai, nộp thuế điện tử đối với lệ phí trước bạ ô tô, xe máy.
Mặc dù đánh giá tiến độ thực hiện dự toán thu NSNN nói chung vẫn cơ bản giữ được nhịp song khi phần thu ngân sách trung ương vẫn rất khó khăn; diễn biến nợ thuế đang có dấu hiệu tăng, thì Tổng cục Thuế xác định phải cần thêm rất nhiều giải pháp để khơi thông nguồn thu, khai thác tăng thu để có nguồn bù đắp, cân đối ngân sách.
Theo đó ngay trong tháng 5, toàn ngành phải thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, kịp thời các nhiệm vụ được giao về thu ngân sách trung ương; hoàn thiện đề án tăng cường quản lý, giám sát hoàn thuế GTGT; tổng hợp báo cáo kết quả, tiến độ thực hiện thanh tra, kiểm tra trong toàn ngành và kết quả thanh tra các đơn vị trọng điểm; đồng thời theo dõi chặt chẽ tình hình nợ thuế, cưỡng chế nợ thuế và tiến độ thu nợ thuế của các địa phương để phân loại, tổng hợp chính xác số tiền thuế nợ đến thời điểm 30/4/2016.
Bên cạnh việc đảm bảo triển khai các chương trình, đề án công việc theo đúng tiến độ, trong đó đáng chú ý là: nghiên cứu xây dựng Luật Quản lý thuế sửa đổi và nghị định hướng dẫn thi hành; tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ thuế; dự thảo Nghị định hóa đơn điện tử; dự thảo Thông tư kế toán thuế nội địa; dự thảo Thông tư sửa Thông tư số 110/2015/TT-BTC hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế; đề án quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử ở Việt Nam…
Tổng cục Thuế cũng đang gấp rút chỉ đạo tiếp tục triển khai các đề án nâng cấp TMS; nâng cấp cổng thông tin điện tử; đề án khai, nộp thuế điện tử đối với cá nhân; thống nhất bảng giá tính lệ phí trước bạ đối với ô tô, xe máy trên toàn quốc; ủy nhiệm thu thuế đối với hộ kinh doanh; mở rộng cơ sở thuế đối với kinh tế tư nhân; nhất là rà soát lại toàn bộ các quy trình, quy chế để sửa đổi bổ sung bao gồm cả các quy trình, quy chế trong nội bộ cơ quan thuế.., đảm bảo phục vụ hiệu quả cho việc triển khai nhiệm vụ chính trị của toàn ngành.