5 điểm nhấn kinh tế thế giới quý II/2016
Hoa Kỳ đã tạo thêm 287.000 việc làm mới, CPI của Trung Quốc tăng 2,1%, Anh tiếp tục thâm hụt thương mại, ngành Công nghiệp Nhật Bản giảm mạnh... là những điểm nhấn của nền kinh tế thế giới trong quý II/2016.
Hoa Kỳ đã tạo thêm 287.000 việc làm mới
Theo thống kê của Bộ Lao động Hoa Kỳ, trong tháng 6/2016, Hoa Kỳ đã tạo thêm 287.000 việc làm mới, nhiều hơn dự báo trước đó là 112.000 việc làm, tạo niềm tin cho các thị trường tại Hoa Kỳ và châu Âu đang bị “lung lay” bởi những quan ngại Brexit sẽ kéo tăng trưởng kinh tế khu vực này đi xuống.
Thị trường chứng khoán thế giới đã phản ứng tích cực trước báo cáo việc làm của Hoa Kỳ, theo đó các chỉ số S&P 500 và Dow Jones (Hoa Kỳ), DAX 30 (Đức), CAC 40 (Pháp), FTSE 100 (Anh) đều tăng trong phiên giao dịch ngày 08/7, trong đó, chỉ số S&P 500 tăng mạnh lên 2.129,83 điểm, gần bằng mức cao kỷ lục 2.130,82 điểm (phiên ngày 21/5/2015).
Trong tháng 6/2016, PPI của Hoa Kỳ tăng 0,5% - mức tăng cao nhất kể từ tháng 5/2015, sau khi tăng 0,4% trong tháng 5/2016, chủ yếu do chi phí năng lượng và dịch vụ tăng. So với cùng kỳ năm 2015, PPI tăng 0,3% (lần tăng đầu tiên kể từ tháng 12/2014), góp phần nâng tỷ lệ lạm phát trong thời gian tới.
Nợ công của Hoa Kỳ sẽ tăng từ 75% GDP hiện nay lên 122% GDP vào năm 2040, cao hơn so với dự báo 107% đưa ra vào năm 2015, vượt mức kỷ lục 106% GDP của năm 1946, chủ yếu do tình trạng giảm tốc của kinh tế Hoa Kỳ và chính sách cắt giảm thuế được Quốc hội thông qua trong năm 2015.
Do vậy, để duy trì tỷ lệ nợ công trong ngưỡng an toàn, Hoa Kỳ cần cắt giảm chi tiêu, tăng thuế hoặc áp dụng đồng thời hai biện pháp trên nhằm thu về một khoản ngân sách tương đương 1,7% GDP/năm.
CPI của Trung Quốc tăng 2,1%
Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc - NBS cho biết: Trong tháng 6/2016, CPI tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2015. Tính chung 6 tháng đầu năm, CPI của Trung Quốc tăng 2,1%, thấp so với mục tiêu lạm phát 3% trong năm 2016, phản ánh nhu cầu nội địa yếu.
Chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm 2,6% so với cùng kỳ năm 2015, giảm mạnh hơn so với mức dự đoán của giới phân tích đưa ra trước đó là 2,5%, cho thấy sự giảm tốc của nền kinh tế và tình trạng dư thừa sản lượng công nghiệp tại thị trường nội địa đang gây áp lực lên giá thành sản xuất.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Eurozone giảm
IMF dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2017 giảm từ 1,6% (dự báo tháng 4/2016) xuống còn 1,4%, do các tác động tiêu cực của Brexit, cuộc khủng hoảng di cư và khủng bố có thể kìm hãm những tiến triển trong chính sách và cải cách của Eurozone.
Anh tiếp tục thâm hụt thương mại
Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh công bố: Trong tháng 5/2016, thâm hụt thương mại tại Anh là 2,26 tỷ GBP, tăng 0,6 tỷ GBP so với tháng 4/2016.
Trong đó tổng kim ngạch xuất khẩu là 43,09 tỷ GBP, giảm 4,4% so với tháng 4 - mức giảm mạnh nhất trong 10 tháng qua; tổng kim ngạch nhập khẩu là 45,35 tỷ GBP, giảm 3,5% so với tháng 4. Các nhà kinh tế kỳ vọng sự giảm giá đồng GBP sẽ thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu của Anh trong những tháng tới.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực xây dựng của Anh giảm từ 51,2 điểm trong tháng 5/2016 xuống 46 điểm tháng 6/2016 - lần giảm đầu tiên xuống dưới mức 50 điểm (ngưỡng phân định chiều hướng tăng trưởng và suy giảm) cho thấy Brexit đã tác động bất lợi tới nền kinh tế Anh, đồng thời cảnh báo về những nguy cơ mà kinh tế Anh phải đối mặt.
Ngành công nghiệp Nhật Bản giảm mạnh
Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết: Tháng 5/2016, sản lượng công nghiệp của Nhật Bản giảm 2,6%, giảm mạnh hơn dự báo trước đó là 2,3%, sau khi tăng 0,5% trong tháng 4 và giảm 0,4% so với cùng kỳ năm 2015, chủ yếu do giảm sản lượng hàng xuất kho (giảm 2,6%).
Chính phủ Nhật Bản sẽ áp mức thuế chống bán phá giá hóa chất (kali hydrat) nhập khẩu từ Hàn Quốc và Trung Quốc với các mức thuế lần lượt là 49,5% và 73,7% do sản phẩm nhập khẩu từ hai nước trên được bán với mức giá thấp dưới mức trung bình tại thị trường Nhật Bản.