Triển vọng kinh tế thế giới 6 tháng cuối năm 2016 và tác động đến kinh tế Việt Nam
Kinh tế thế giới 6 tháng đầu năm 2016 đón nhận những thông tin kém khả quan và đối mặt với nhiều rủi ro khi các nền kinh tế chủ chốt tiếp tục thể hiện những bất ổn. Hầu hết các định chế tài chính trên thế giới đều hạ dự báo tăng trưởng của kinh tế thế giới trong năm 2016. Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế-xã hội quốc gia hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới thực xuống mức 2,98% so với mức 3,2% đưa ra trong tháng 1/2016.
Triển vọng kinh tế thế giới 6 tháng cuối năm 2016
Kinh tế thế giới 6 tháng đầu năm 2016 diễn ra bấp bênh và trong bối cảnh các nền kinh tế chủ chốt đang nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của nước mình. Kinh tế Mỹ vẫn chưa có nhiều điểm sáng, kinh tế châu Âu phục hồi nhưng chưa vững chắc, kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, các nền kinh tế đang nổi có dấu hiệu suy giảm. Do đó, tăng trưởng kinh tế thế giới trong nửa cuối 2016 được dự báo tiếp tục ảm đảm. World Bank (6/2016) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2016 xuống còn 2,4% so với mức 2,9% đưa ra hồi tháng 1/2016. Do tốc độ tăng trưởng chậm tại các nền kinh tế phát triển, giá hàng hóa nguyên liệu vẫn ở mức thấp, thương mại toàn cầu yếu và dòng vốn bị thuyên giảm.
Dự báo tăng trưởng cho kinh tế Mỹ cũng bị hạ từ 2,7% xuống còn 1,9%, khu vực Eurozone được dự báo tăng trưởng 1,6% trong năm 2016 giảm so với dự báo 1,7% được đưa ra trước đó. Trong khi đó, các nền kinh tế đang nổi và đang phát triển được dự báo tăng trưởng ở mức 3,5% của năm 2016 giảm 0,6% so với báo cáo trước đó do giá nguyên vật liệu giảm và tăng trưởng trì trệ tại các quốc gia phát triển. Bên cạnh đó, theo IMF (4/2016) dự báo kinh tế toàn cầu chỉ tăng trưởng 3,2% trong năm nay. Theo nhận định của IMF, tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn diễn ra, nhưng với tốc độ ngày càng chậm chạp, điều này khiến kinh tế thế giới phải đối mặt nhiều rủi ro.
Trong đó, IMF cũng hạ triển vọng tăng trưởng của tất cả các nền kinh tế phát triển lớn, gồm Mỹ, Canada, Eurozone, Anh, và Nhật Bản. Kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 2,4% trong năm 2016, thay vì tăng 2,6% như đưa ra trong dự báo hồi tháng 1. Nhu cầu tại thị trường Mỹ sẽ được hỗ trợ bởi tình hình tài chính được cải thiện của các công ty, gánh nặng tài khóa giảm bớt, và thị trường nhà dất được cải thiện. Nhu cầu của thị trường trong nước sẽ giúp Mỹ bù đắp được áp lực suy giảm tăng trưởng từ đồng USD mạnh và sản xuất công nghiệp suy yếu. Kinh tế Eurozone sẽ tăng trưởng 1,5% trong năm nay, còn kinh tế Anh được dự báo tăng 1,9%- giảm 0,2 điểm phần trăm mỗi nền kinh tế so với báo cáo tháng 1/2016.
Theo đó, các nước phát triển như Mỹ và châu Âu đều đang đối mặt với làn sóng phản đối trong nước nhằm vào hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế. Điều này được thể hiện qua sự nổi lên của các đảng có quan điểm hoài nghi về đồng Euro trong Liên minh châu Âu (EU) và các chính sách cô lập của một số ứng cử viên tổng thống Mỹ. Thêm vào đó, châu Âu đang phải giải quyết vấn đề về kinh tế liên quan đến làn sóng tị nạn vừa qua và nguy cơ Anh rời khỏi EU, nếu Anh ra khỏi EU, thì các mối quan hệ thương mại và đầu tư ở châu Âu sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề. Kinh tế thế giới sẽ phải chịu thêm nhiều khó khăn trong trường hợp Anh rời khỏi EU, theo nhận định của Tổng Thư ký OECD nếu kịch bản trên thành hiện thực sẽ ảnh hưởng không tốt tới cả Anh, châu Âu và toàn thế giới, trong đó có Mỹ.
Đối với Mỹ, vốn là nhà đầu tư rất lớn vào kinh tế Anh, sẽ chịu tác động đáng kể, bởi nhiều công ty Mỹ coi Anh là "cánh cửa" cho quan hệ tự do thương mại với 28 nước EU.Nếu Anh rời khỏi EU thì cánh cửa trên có thể không còn, thu nhập của các công ty Mỹ sẽ bị giảm sút, buộc nhiều công ty Mỹ phải chuyển hoạt động hợp tác, đầu tư tại EU sang những địa chỉ khác. IMF đã cảnh báo sự phát triển của kịch bản tiêu cực này sẽ khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế Anh giảm 5,6% trong vòng 3 năm tới.Các chuyên gia IMF cũng khuyến cáo cử tri Anh về nguy cơ giảm giá của đồng bảng Anh và sự sụt giảm trao đổi thương mại giữa Anh với các nước láng giềng thuộc châu Âu. Nếu xảy ra Brexit, GDP của Anh sẽ giảm 0,8% trong năm 2017.
Bên cạnh đó, IMF còn tỏ ra bi quan hơn về triển vọng tăng trưởng nhiều nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, đặc biệt là các quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu dầu. Nhiều nền kinh tế mới nổi quy mô lớn đối mặt với sự suy giảm sâu do bất ổn chính trị trong nước hoặc sức ép địa chính trị. Một số quốc gia đang phát triển thì chịu tình trạng hạn hán liên quan đến hiện tượng El Nino hoặc lụt lội. Theo đó, các nền kinh tế đang nổi được dự báo tăng trưởng 4,1% trong năm 2016 giảm 0,2 điểm phần trăm so với báo cáo trước đó. Kinh tế Nga được dự báo giảm 1,8% năm nay, thay vì mức dự báo giảm 1% đưa ra hồi đầu năm. Kinh tế Brazil sẽ giảm 3,8% trong năm 2016, bằng với mức suy giảm của năm 2015.
Tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc được dự báo tăng trưởng 6,5% (ADB-3/2016) trong năm nay giảm 0,2 điểm phần trăm so với báo cáo tháng 12/2015, dự báo trên được đưa ra trong bối cảnh thế giới lo ngại về khả năng của Trung Quốc trong việc cắt giảm công suất các ngành than, thép và xi măng của nước này, cũng như quản lý quá trình cải tổ kinh tế không hề dễ dàng để dịch chuyển sang mô hình tăng trưởng lấy tiêu dùng làm đầu. Duy nhất Ấn Độ không hạ dự báo cho tăng trưởng năm 2016 ở mức 7,5%.
Thương mại thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng thấp trong 2016 (theo WTO - 4/2016) do kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy giảm, tình hình trên thị trường tài chính quốc tế không có nhiều khả quan, và tỉ giá hối đoái biến động liên quan đến nợ nước ngoài của các nước khó đự đoán. Theo đó, thương mại thế giới sẽ tăng trưởng ở mức 2,8 % cho năm 2016 giảm so với mức dự báo đưa ra tháng 9/2015. UNCTAD (6/2015) dự báo dòng vốn FDI toàn cầu dự báo sẽ đạt 1,5 nghìn tỷ USD cho năm 2016. Bên cạnh đó, lạm phát toàn cầu được dự báo tăng ở mức 1,2 % cho năm 2016 từ mức 0,3% của năm 2015. Giá cả hàng hóa thế giới tiếp tục xu hướng giảm trong năm tới do tốc độ tăng trưởng chậm tại Trung Quốc và các nước đang phát triển.
Đối với lĩnh vực giá cả hàng hoá thế giới, hầu hết các mặt hàng cơ bản đều được dự báo giảm trong năm 2016 và năm 2017 do tốc độ tăng trưởng chậm tại Trung Quốc và các nước đang phát triển. IMF (4/2016) và WB (6/2016) lần lượt dự báo giá kim loại sẽ giảm 14% và 15% năm 2016 sau đó tiếp tục giảm nhẹ 1% năm tiếp theo do nhu cầu sụt giảm mạnh tại thị trường Trung Quốc. Cụ thể, IMF và WB lần lượt dự báo giá dầu trung bình là 43 USD/thùng và 41 USD/thùng và sẽ tăng lên mức 50 USD/thùng trong năm 2017 do lượng cung sẽ vẫn được duy trì ổn định trên thị trường khi các nước OPEC và các nước ngoài khối này chưa đạt thoả thuận đóng băng sản lượng Đối với giá lương thực thực phẩm được IMF dự báo giảm 6%, và WB dự báo giảm 1,5% - 2% trong năm nay tuy nhiên sẽ tăng nhẹ trong năm tiếp theo.
Theo NCIF, với những diễn biến của kinh tế thế giới trong thời gian gần đây không thực sự khả quan, đà tăng trưởng của các nền kinh tế dẫn dắt chưa thực sự rõ nét, cùng với những biến động khó lường của giá dầu, đồng USD mất giá so với các đồng tiền chủ chốt và giá cả hàng hóa chưa khởi sắc. Kinh tế thế giới trong năm 2016 được dự báo tăng trưởng ở mức 2,98% giảm 0,2% so với mức dự báo trước đây. Kinh tế Mỹ được dự báo tăng trưởng ở mức 2%, khu vực Eurozone được dự báo tăng trưởng ở mức 1,5%, tăng trưởng GDP của Trung Quốc là 6,5%.
Tác động đến Việt Nam
Đà phục hồi mong manh quả kinh tế thế giới cũng những biến động của giá dầu thế giới, thi trường tài chính thế giới cũng như cuộc trưng cầu dân ý “Brexit” đã và sẽ có những tác động không nhỏ tới kinh tế nước ta.
Lãi suất của Mỹ sau 4 lần được giữ nguyên ở mức 0,25-0,5% của tháng 12/2015 sẽ sẽ giảm áp lực giảm giá của đồng VNĐ so với đồng USD. Hiện tại giá đồng USD đã giảm so với các đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới và đặc biệt là vào những thời điểm sau khi FED chính thức giữ nguyên lãi suất. Thời gian qua, cùng với một loạt chính sách bình ổn tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước tỷ giá VNĐ/USD đã ổn định hơn.
Đồng USD giảm giá so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt trên thế giới, và đồng thời giảm so với đồng VNĐ trong 6 tháng đầu năm 2016 sẽ khiến nợ ngoại tệ của Việt Nam tính bằng VNĐ giảm xuống. Tuy nhiên, do Việt Nam giao dịch thương mại với các nước trên thế giới chủ yếu bằng đồng USD nên khi USD giảm giá so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt trên thế giới thì giá hàng nhập khẩu tính bằng USD cũng sẽ rẻ hơn, do vậy có thể sẽ khuyến khích nhập khẩu nhiều hơn vào Việt Nam, mặt khác, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra các nước khác sẽ gặp khó khăn do kém cạnh tranh về giá.
Tác động của Brexit đến Việt Nam gồm có tác động trực tiếp, qua kênh thương mại đầu tư giữa Việt Nam và Anh, và tác động gián tiếp thông qua ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu cũng như các đối tác thương mại và đầu tư chính của Việt Nam. Xuất khẩu sang Anh chỉ chiếm khoảng 3% tổng giá trị xuất khẩu, trong khi đó nhập khẩu từ Anh nhỏ hơn 1%. Do vậy, nếu tăng trưởng kinh tế của Anh có suy giảm như một hệ quả của Brexit, ảnh hưởng trực tiếp qua kênh thương mại ít có khả năng ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Tuy nhiên, sẽ có một số ảnh hưởng cục bộ theo ngành, đặc biệt là những ngành xuất khẩu các mặt hàng sang nước Anh, trong đó có giày dép và dệt may, khi mà cầu hàng hóa nhập khẩu có thể suy giảm do tăng trưởng kinh tế chậm lại và do sự mất giá của đồng Bảng Anh. Về đầu tư, tính đến năm 2015, Anh có 222 dự án còn hiệu lực với tổng đầu tư đăng ký 4,437 tỷ và đang xếp thứ 15 trong số 105 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Vốn đầu tư nước ngoài của Anh chủ yếu tập trung vào lĩnh vực bất động sản và công nghệ chế biến. Nếu hậu Brexit, tăng trưởng kinh tế của nước Anh giảm, tiết kiệm giảm, đầu tư sẽ giảm theo như một hệ quả, ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn từ Anh vào Việt Nam..
Việc Anh rời khỏi EU sẽ khiến thị trường tài chính quốc tế bị tác động mạnh, giá đồng bảng Anh sẽ suy giảm, giá các đồng tiền chủ chốt thế giới như đồng Yên sẽ tăng mạnh và Brexit có thể gây ra thiệt hại lớn đến kinh tế khu vực EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung, đặc biệt tại thời điểm kinh tế thế giới tăng trưởng chậm. Sự không chắc chắn hậu Brexit khiến rủi ro gia tăng, và làm suy giảm đầu tư và tiêu dùng. Brexit làm giảm thương mại song phương cũng như phá vỡ những lợi ích từ việc hợp tác kinh tế và hội nhập.
Theo đánh giá về tác động của Brexit của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế, đến năm 2018, Brexit khiến kinh tế Vương quốc Anh giảm gần 1,5% so với việc nước này ở lại EU. Tác động ngắn hạn của Brexit tới khu vực đồng tiền chung châu Âu, khối OECD, khối BRICS , Nhật và Mỹ lần lượt xấp xỉ là 1%, 0,6%, 0,6%, 0,5% và 0,2%. Với Việt Nam, tác động gián tiếp chủ yếu đến từ các hoạt động đầu tư và thương mại. Khi rủi ro tăng cao và niềm tin của nhà đầu tư suy giảm, dòng tiền sẽ có xu hướng dịch chuyển ra khỏi các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam, ít nhất là trong ngắn hạn. Về thương mại, tác động gián tiếp của Brexit đến từ sự suy giảm tăng trưởng của các nền kinh tế là các đối tác thương mại chính của Việt Nam.
Trong đó, EU là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam, đồng thời chịu tác động lớn từ Brexit. Tuy nhiên, xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này chủ yếu là hàng tiêu dùng, nên ít phụ thuộc vào tăng trưởng kinh tế. Thêm nữa, với việc chính thức kết thúc đàm phán hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU gần đây, tác động thương mại sẽ hạn chế.
Với mức dự báo giá dầu trung bình của IMF trong năm 2016 là 43,9 USD/thùng. Khi đó, so với kịch bản cơ sở khi giá dầu trung bình thế giới năm 2016 ở mức 35,1 USD/thùng và chưa tính đến tác động của việc Anh rời EU, kinh tế Việt Nam sẽ được hưởng lợi hơn do thu ngân sách từ xuất khẩu dầu thô tăng nên có tác động tích cực tới chi ngân sách, cầu chính phủ,… khiến tăng trưởng GDP trong năm 2016 tăng thêm 0,3 điểm %, KNXK và KNNK tăng thêm với các mức tương ứng là 0,5 và 0,3 điểm %; giá tiền đồng giảm 0,4%, lạm phát tăng thêm 1 điểm %; tổng thu thuế Chính phủ tăng thêm 3.644 tỷ đồng.