5 điều cần biết trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều
Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un lần thứ 2 tại Hà Nội vào ngày 27-28/2. Cuộc gặp lần thứ nhất diễn ra tại Singapore vào tháng 6/2018.
Ông Trump đang tìm cách đẩy nhanh tiến độ phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, tuy nhiên, ông Kim sẽ không dễ dàng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.
Trump muốn gì từ Kim?
Yêu cầu chính của Mỹ là Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân, đặc biệt là tên lửa đạn đạo liên lục địa - đầu đạn hạt nhân siêu lớn có khả năng tấn công Mỹ. Nếu kế hoạch phi hạt nhân hóa Triều Tiên thành công, đây sẽ là thành tựu ngoại giao lớn, giúp Trump chuyển hướng chú ý của công chúng khỏi các vụ bê bối trong nước, đồng thời, nhận được sự ủng hộ lớn cho nhiệm kỳ thứ 2 của ông tại Nhà Trắng.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để Mỹ đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Đầu tiên, Mỹ muốn Triều Tiên tuân thủ kế hoạch phi hạt nhân hóa và thực hiện từng bước nhằm đạt được mục tiêu trên, ví dụ như phê chuẩn lại Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân (NPT), tiết lộ đầy đủ về chương trình hạt nhân và cho phép thanh tra các nhà máy, bãi thử hạt nhân.
Rõ ràng, Trump đang nỗ lực đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa Triều Tiên thông qua cuộc đàm phán với Kim. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại rằng Trump có thể không giữ được lập trường, cho phép Triều Tiên tự đàm phán các điều khoản.
Kim muốn gì từ Trump?
Các yêu cầu của Triều Tiên bao gồm nới lỏng trừng phạt, kết thúc chiến tranh Triều Tiên, cắt giảm lực lượng quân sự của Mỹ và Hàn Quốc, công nhận quan hệ ngoại giao chính thức với Mỹ, ký kết một hiệp ước hòa bình và tăng cường hỗ trợ kinh tế.
Việc Mỹ nới lỏng cấm vận và hỗ trợ kinh tế đặc biệt quan trọng với Triều Tiên hiện nay. Sau khi thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa vào tháng 11/2017, Triều Tiên chuyển hướng sang cải cách và phát triển kinh tế.
Triều Tiên cho rằng nước này đã nhượng bộ khi phá hủy một địa điểm thử nghiệm hạt nhân, tạm dừng các vụ thử tên lửa trong hơn một năm. Triều Tiên chỉ đang chờ đợi một lời đề nghị từ phía Mỹ. Với lượng vũ khí hạt nhân Triều Tiên đang nắm giữ và sự ủng hộ từ Trung Quốc, Triều Tiên khẳng định không có gì phải sợ Mỹ.
Kịch bản nào có thể xảy ra?
Việc Triều Tiên từ bỏ kho vũ khí hạt nhân là điều khó xảy ra. Ông Kim dự kiến chỉ nhượng bộ những điều khoản đủ để xác lập mối quan hệ hòa bình giữa 2 đất nước.
Triều Tiên sẵn sàng cho phép các thanh tra từ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế kiểm tra các nhà máy hạt nhân tại Yongbyon, phía bắc Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, quốc gia này không có ý định ký lại Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân hay tháo dỡ các nhà máy ở Yongbyon.
Mỹ có khả năng đồng ý chấm dứt chiến tranh Triều Tiên. Tuy nhiên, tuyên bố chính trị này không thay đổi việc triển khai lực lượng quân sự của Mỹ tại Hàn Quốc.
“Đó chỉ là lời nói hoa mỹ, một động thái chính trị không có hiệu lực thực tế”, Robert Kelly, giáo sư tại Đại học Quốc gia Pusan, Hàn Quốc cho biết. “Thỏa thuận về hiệp ước hòa bình có thể đạt được, tuy nhiên, sẽ mất một thời gian bởi các nhà lãnh đạo vẫn chưa có được tiếng nói chung”.
Các khoản nhượng bộ khác của Mỹ bao gồm cho phép tiến hành lại các dự án Hàn Quốc – Triều Tiên như khu công nghiệp Kaesong.
Mỹ dự kiến tiếp tục các biện pháp trừng phạt. Stephen Biegun, đặc phái viên hạt nhân của Washington tuyên bố. “Chúng tôi vẫn giữ quan điểm gây áp lực”.
Tại sao chọn Việt Nam là địa điểm gặp mặt?
Bằng việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại Việt Nam, Trump gửi thông điệp tới Triều Tiên rằng các quốc gia từng có chiến tranh đều có thể cải thiện mối quan hệ. Mỹ cho rằng Triều Tiên nên tập trung vào cải cách kinh tế, thay vì phát triển hạt nhân, Stephen Nagy, phó giáo sư Đại học Christian tại Tokyo cho biết.
Trung Quốc nói gì về hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều?
Đương nhiên, Trung Quốc cần cảnh giác với mối quan hệ phát triển nhanh giữa Mỹ và Triều Tiên. “Trung Quốc không muốn Triều Tiên ‘thân thiết’ với Mỹ trong trung hạn”, Shawn Ho, nhà nghiên cứu tại trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore cho biết. Trung Quốc “muốn càng nhiều nước ‘thân thiết’ với Trung Quốc càng tốt, đặc biệt là những nước có chung đường biên giới trên đất liền”.
Trung Quốc có thể thúc đẩy thỏa thuận hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên. Trong khi đó, Tokyo và Seoul đẩy mạnh tiến trình phi hạt nhân hóa. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã dùng nhiệm kỳ của ông nhằm giảm thiểu tình trạng căng thẳng với Triều Tiên. Nếu tiến trình này thất bại, đảng Dân chủ có thể bị đánh bại trong cuộc bầu cử tiếp theo vào năm 2022.
Đối với Nhật Bản, việc ngăn chặn mối đe đọa hạt nhân từ Triều Tiên liên quan đến duy trì ổn định kinh tế và chính trị.