Mỹ - Triều Tiên tiếp tục xích lại gần nhau
Có vẻ như Triều Tiên sẽ tiếp tục là chương trình nghị sự tập trung của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong năm 2019, với mục tiêu rõ ràng là hướng đến việc sớm giải giáp vũ khí hạt nhân trên bán đảo này để đánh dấu như là một thành tích dưới triều đại của ông - điều mà các đời tổng thống trước của Mỹ đã thất bại.
Một cuộc gặp được chờ đợi
Những ngày gần đây, thông tin về Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 sắp diễn ra đã được chia sẻ tràn ngập, với dấu hiệu là Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đã có chuyến thăm Trung Quốc vào ngày 8/1 để thảo luận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về phương hướng xử lý tình hình trên bán đảo Triều Tiên.
Trước đó trong Hội nghị lần thứ nhất diễn ra vào giữa tháng 6 tại Singapore, ông Trump đã đi vào lịch sử với tư cách là tổng thống Mỹ đầu tiên gặp mặt lãnh đạo Triều Tiên. Trong cuộc gặp này, 2 bên đã cam kết xây dựng quan hệ, thiết lập hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo này để đổi lấy những đảm bảo an ninh từ Mỹ.
Và ngay từ đầu năm mới, trong cuộc họp nội các ngày 2/1, ông Trump cho biết đã nhận được bức thư từ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và sẽ sắp xếp cuộc gặp với ông Kim trong tương lai không xa.
Về phần mình, trong bài phát biểu nhân dịp năm mới hôm 1/1, nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng nói rằng ông hy vọng có thêm các cuộc gặp thượng đỉnh về vấn đề hạt nhân với Tổng thống Trump trong năm 2019.
Ông Kim mới đây khẳng định không thay đổi lập trường đối với các thỏa thuận đã thống nhất cùng Tổng thống Mỹ Donald Trump tại hội nghị thượng đỉnh ở Singapore hồi tháng 6 năm ngoái và luôn muốn theo đuổi các giải pháp hòa bình. Tuy nhiên, ông Kim cũng bày tỏ quan ngại trước tình trạng bế tắc trong nỗ lực tăng cường quan hệ Mỹ - Triều và thảo luận phi hạt nhân hóa với Mỹ.
Rõ ràng chưa bao giờ Mỹ và Triều Tiên lại thể hiện thái độ tích cực và mong muốn xích lại gần nhau nhiều như thế. Trong bài phát biểu đầu năm mới, chủ tịch Kim Jong Un cũng đã thay đổi hình ảnh khi diện vest, đeo cà vạt thay vì bộ quần áo kiểu Mao Trạch Đông thường mặc. Điều này được cho là một phần nỗ lực của Triều Tiên để thể hiện Kim Jong Un là một nhà lãnh đạo chính trị hiện đại và gợi ý đến khả năng mở cửa quốc gia này trước phương Tây.
Vai trò của Trung Quốc
Về phía Trung Quốc, giới quan sát cho rằng nước này cũng có thể tận dụng Triều Tiên như là một con bài chiến lược trong các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ. Cụ thể trong trường hợp Triều Tiên không tuân theo cam kết với phía Mỹ, Washington có thể tiếp tục áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế hà khắc. Tuy nhiên, để phương án này trở nên hiệu quả lại cần sự hợp tác của Trung Quốc, vì đây là thị trường cho 90% các hoạt động thương mại với nước ngoài của Triều Tiên.
Triều Tiên dưới thời Kim Jong Un dường như xa cách với Bắc Kinh hơn, tuy nhiên với nền kinh tế nội địa phụ thuộc lớn vào nước láng giềng, Triều Tiên vẫn xem Trung Quốc là đồng minh thân cận nhất từ trước đến nay.
Mặc dù các chuyên gia phân tích cho rằng Triều Tiên dưới thời của Kim Jong Un dường như xa cách với Bắc Kinh hơn, cũng như tìm cách thoát khỏi phần nào tầm ảnh hưởng của cường quốc này. Tuy nhiên, với nền kinh tế nội địa phụ thuộc lớn vào nước láng giềng cũng như các chương trình hỗ trợ, thì Triều Tiên vẫn xem Trung Quốc là đồng minh thân cận nhất từ trước đến nay. Theo đó, trước các cuộc gặp với phía Mỹ, chủ tịch Kim Jong Un đều có chuyến thăm Trung Quốc.Còn trong trường hợp muốn Triều Tiên thật sự giải trừ vũ khí hạt nhân, Mỹ cũng cần những tác động cụ thể từ phía Trung Quốc. Mặc dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc họp mới đây với Kim Jong Un đã khẳng định nước này ủng hộ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp tới, cũng như hy vọng 2 bên sớm thỏa hiệp, thì phía Mỹ vẫn cần Bắc Kinh có những tác động cụ thể và rõ ràng hơn. Đổi lại, không loại trừ Trung Quốc sẽ yêu cầu Mỹ có những nhượng bộ lợi ích trong các cuộc đàm phán thương mại trong tương lai.
Đứng về phía Hàn Quốc - quốc gia anh em trên bán đảo Triều Tiên, thì một Hiệp ước giải trừ vũ khí hạt nhân nếu thành công sẽ là tin tốt đẹp, khi từ trước đến nay nước này luôn canh cánh mối lo ngại về vũ khí hạt nhân của người anh em có chung đường biên giới.
Về thời gian gặp lần 2, ngày 6/1, ông Trump cho biết Mỹ đang thảo luận về địa điểm và ông dự kiến hội nghị thượng đỉnh sẽ diễn ra vào tháng 1 hoặc tháng 2. Ngày 8/1, các đội tiền trạm của Nhà Trắng đã đến thăm Bangkok, Hà Nội và Hawaii để kiểm tra xem các địa điểm có phù hợp cho cuộc họp hay không.