5 điều doanh nghiệp bất động sản cần chuẩn bị hậu COVID-19
Dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng mạnh mẽ tới nền kinh tế, trong đó có thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, gần đây các chuyên gia cho rằng thị trường BĐS đang chuyển biến tích cực và các doanh nghiệp có thể “chuyển nguy thành cơ” nếu tự trang bị 5 điều sau:
1. Tái cấu trúc hệ thống nhân sự
Theo các chuyên gia BĐS, sau dịch, nhân sự ngành BĐS sẽ có xu hướng chuyển sang làm tự do nhiều hơn, thay vì phụ thuộc và gắn bó vào một doanh nghiệp. Vì vậy, các doanh nghiệp cần phải tái cấu trúc lại bộ máy nhân sự.
Cụ thể, doanh nghiệp có thể thay thế một bộ phận nhân viên chính thức bằng các cộng tác viên. Ngoài ra, để tối ưu hóa hiệu quả chi phí, các khoản chi trả trong khoảng thời gian trống cho nhân sự làm chính thức nhưng thiếu nguồn hàng cũng có thể được quy đổi thành các khoản ưu đãi thêm như nâng mức hoa hồng, thưởng cao hơn cho sales...
2. Hoàn thiện danh mục đầu tư, sản phẩm
Việc nhà nước đang nới lỏng dần môi trường pháp lý để kích thích nền kinh tế sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp BĐS đẩy nhanh tiến độ sau đợt nghỉ dịch dài.
Bằng việc hoàn thiện danh mục đầu tư, sản phẩm hiện có, các doanh nghiệp BĐS không chỉ đảm bảo tính liên tục trong kinh doanh mà còn cho thấy sự ổn định và cam kết sự tin cậy đối với khách hàng. Mặt khác, doanh nghiệp cũng cần tập trung cơ cấu lại danh mục đầu tư, sản phẩm và tìm kiếm các hạng mục đầu tư tiềm năng mới.
3. Tìm kiếm các gói hỗ trợ từ nhà nước và ngân hàng
Để kích hoạt lại nền kinh tế, chính phủ và các ngân hàng đã đưa ra nhiều chính sách, các gói ưu đãi hấp dẫn cho doanh nghiệp. Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11 chỉ đạo việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh để góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội. Sau đó, ngày 17/03/2020, các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Với ngành BĐS gần như bị “đóng băng” trong dịch, đây là cơ hội vàng để các doanh nghiệp giảm bớt thiếu hụt về tài chính trong thời gian tạm ngừng hoạt động. Tận dụng các nguồn hỗ trợ này hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp tạo thêm nguồn vốn đầu tư và duy trì hoạt động.
4. Chuẩn bị các kịch bản phát triển dài hạn
Để các doanh nghiệp BĐS có thể lấy lại đà tăng trưởng và lập kế hoạch phát triển dài hạn, một điều không thể thiếu đó là khiến cho nền kinh tế trong nước hồi phục. Lúc này, sự hỗ trợ đến từ các doanh nghiệp và nhà phát triển BĐS giúp nhanh chóng ổn định tình hình dịch là yếu tố cần thiết. Đây là điều mà các doanh nghiệp BĐS đã làm rất tốt ở thời kỳ đỉnh dịch.
Điển hình, CapitaLand đã gửi đến các trung tâm y tế tại Hà Nội và TP.HCM 40.000 test xét nghiệm virus SARS-CoV-2 với trị giá 1 triệu USD, trong đó 7.500 test xét nghiệm trong tổng số này được gửi đến Bệnh viện Nhi Trung ương tại Hà Nội. Tập đoàn Novaland đã đóng góp 2 phòng cách ly áp suất âm, 5 máy thở và 2 máy lọc máu với trị giá khoảng 10 tỷ đồng cho Bệnh viện Nhân dân 115. Tập đoàn Hưng Thịnh và Công ty CP Gỗ An Cường cũng đã chung tay chống dịch bằng cách tài trợ vật tư y tế và tiền mặt với tổng trị giá hơn 3,3 tỷ đồng cho Bệnh viện Nhiệt đới TP. HCM. Ngoài ra, công ty Cổ phần Đầu tư & Kinh doanh Golf Long Thành (Tập đoàn KN) đã trao số tiền 10 tỉ đồng để ủng hộ chương trình phòng chống dịch COVID-19 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, chiến dịch “Cảm ơn Việt Nam tôi” do Gramuda Land khởi xướng cũng thể hiện nỗ lực của các doanh nghiệp BĐS trong cuộc chiến chống dịch. Chiến dịch này đã giúp họ đóng góp trên 1 tỷ đồng cho Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhờ vào hơn 10.000 bức ảnh được chia sẻ.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tự đưa ra các tình huống “hậu Covid” để có thể chủ động phát triển trong mọi trường hợp. Việc thiết lập một hình ảnh ổn định và uy tín cho thương hiệu cũng là một trong những cách hiệu quả mà các doanh nghiệp BĐS nên cân nhắc.
5. Khẳng định thương hiệu bằng một giải thưởng danh giá
Năng lực và hình ảnh là hai yếu tố quan trọng và liên kết mật thiết với nhau để thúc đẩy sự phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp. Tên tuổi của doanh nghiệp xuất hiện ở một cuộc thi, hay được xướng tên ở một giải thưởng danh giá là cơ hội tốt nhất để khẳng định vị thế của mình ở cả hai nội dung này.
Đối với ngành BĐS thì Giải thưởng Bất động sản Việt Nam 2020 (VPA 2020) chính là một cơ hội như thế. Đây là giải thưởng được tổ chức rộng rãi tại 15 thị trường BĐS sôi động nhất thế giới và hiện tại đang tổ chức mùa thứ 6 ở Việt Nam. Được đánh giá là một trong những giải thưởng có giá trị cao nhất, Giải thưởng VPA 2020 phản ánh chất lượng của các doanh nghiệp chuyên về hoạt động kinh doanh BĐS với những tiêu chí công bằng, minh bạch nhất. Tham gia giải thưởng là một cơ hội để các doanh nghiệp tự khẳng định mình, tạo niềm tin cho khách hàng, lấy lại mức tăng trưởng trước đây và ổn định hơn.
Trong bối cảnh đầy biến động như hiện nay, lãi suất tiền gửi giảm, giá vàng lên xuống thất thường, giá xăng, chứng khoán lao dốc bởi COVID-19, bất động sản lại là một trong những thị trường “ăn chắc mặc bền” có sức hút rất lớn với người mua và nhà đầu tư. Nếu có sự chuẩn bị tốt, biết nắm bắt thời cơ, sự vực dậy của các doanh nghiệp và cả ngành BĐS sẽ là một tương lai không xa.