6 mục tiêu cần đạt được trong cải cách tài chính công

PV.

Mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi Việt Nam phải có những cải cách về mặt hành chính, trong đó có cải cách tài chính công để phù hợp với những quy định, cam kết quốc tế, bảo đảm nâng cao năng lực quản lý nhà nước về kinh tế, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và của nền kinh tế.

Hội nghị quốc tế bàn tròn về “Quản lý tài chính công tại Việt Nam”
Hội nghị quốc tế bàn tròn về “Quản lý tài chính công tại Việt Nam”

Chia sẻ về vấn đề cải cách tài chính công ở Việt Nam thời gian qua, tại Hội nghị quốc tế bàn tròn về “Quản lý tài chính công tại Việt Nam” do Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) phối hợp với Liên đoàn Kế toán châu Á – Thái Bình Dương (CAPA) tổ chức mới đây, ông Phạm Sỹ Danh - Chủ tịch VACPA cho biết: "Việt Nam thực hiện cải cách tài chính công chưa được bao lâu nhưng những kết quả đạt được là rất cơ bản".

Cụ thể, hệ thống chính sách thuế đã được đổi mới thích ứng dần với cơ chế thị trường, tác động tích cực đến tỷ trọng huy động GDP hàng năm và đang bảo đảm nguồn lực tài chính chủ yếu để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Ngân sách nhà nước (NSNN) đã được cơ cấu lại, tăng dần tỷ lệ chi cho đầu tư phát triển, tập trung ưu tiên chi cho những nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội quan trọng và giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc. 

Bên cạnh đó, cơ chế tài chính đối với đơn vị hành chính sự nghiệp cũng đã phân định rõ các đơn vị hành chính với đơn vị sự nghiệp; Cơ chế tài chính trong lĩnh vực quản lý tài sản công đã được hoàn thiện; Quản lý nợ nước ngoài với việc thực hiện thành công cơ cấu lại các khoản nợ đã tạo điều kiện khai thông quan hệ tài chính - tín dụng với các tổ chức quốc tế và các chính phủ nước ngoài cùng với hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý vay và trả nợ đã giúp tăng cường hiệu quả giám sát về nợ quốc gia...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, ông Phạm Sỹ Danh cũng cho biết, trong quá trình thực hiện cải cách tài chính công ở Việt Nam còn tiềm ẩn những yếu tố chưa ổn định; chất lượng, hiệu quả và tính bền vững của sự phát triển còn thấp.

Đồng thuận với vấn đề trên, theo ông Trương Bá Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính cho rằng, nền tài chính công đang gặp một số thách thức trong đảm bảo tính bền vững của mức độ động viên NSNN khi các chủ trương về giảm thuế suất, cắt giảm thuế nhập khẩu, mở rộng ưu đãi thuế được thực hiện. Về chi NSNN, ông Trương Bá Tuấn cho rằng, quy mô chi thường xuyên vẫn ở mức cao và hiệu quả cũng chưa cao… cũng là những thách thức.

Theo GS., TS. Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, qua công tác kiểm toán cho thấy, tình trạng tăng biên chế xảy ở nhiều cấp, nhiều ngành, gây áp lực cho chi NSNN. Cụ thể, theo kết quả kiểm toán năm 2017, một số bộ, ngành và địa phương giao biên chế công chức vượt Bộ Nội vụ giao 5.087 biên chế; sử dụng lao động thực tế trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập vượt quy định 63.279 người. Cùng với đó, công tác cơ cấu lại chi NSNN gắn với đổi mới khu vực sự nghiệp công lập theo cơ chế tự chủ còn chậm...

Mở cửa và hội nhập kinh tế đòi hỏi Việt Nam phải tuân thủ những luật chơi chung đã cam kết với các tổ chức khu vực và quốc tế. Theo đó, yêu cầu đặt ra và có ý nghĩa sống còn là Việt Nam phải có những cải cách về mặt hành chính, trong đó có cải cách tài chính công sao cho bảo đảm nâng cao năng lực quản lý nhà nước về kinh tế, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và của nền kinh tế.

Trên cơ sở đó, theo ông Phạm Sỹ Danh, những mục tiêu cần đạt được trong cải cách tài chính công thời gian tới sẽ gồm: (1) Đảm bảo tiết kiệm và hiệu quả các khoản chi của khu vực công; (2) Hướng tới mục tiêu thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc cải cách hành chính nhà nước; (3) Đảm bảo cho việc sản xuất và cung cấp hàng hóa dịch vụ công cộng công bằng và hiệu quả hơn; (4) Bảo đảm NSNN thực sự là công cụ điều tiết vĩ mô của Nhà nước; (5) Đảm bảo tính hợp pháp của số lượng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách và sử dụng chúng hiệu quả; và (6) Đối với tài chính của các cơ quan công quyền và các đơn vị sự nghiệp công lập, là tập trung nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm gắn với công cuộc cải cách hành chính...