Xây dựng Chiến lược Cách mạng công nghiệp 4.0: Kinh nghiệm nào cho Việt Nam?
Theo giới phân tích, Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội cũng như thách thức do cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 mang lại. Để tận dụng được cơ hội, vượt qua thách thức, Việt Nam cần xây dựng được Chiến lược Cách mạng Công nghiệp 4.0, trong đó cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế, nhất là những nước có nền kinh tế tương đồng. Vấn đề đặt ra là bài học kinh nghiệm nào cho Việt Nam trong việc xây dựng chiến lược này?
“Bây giờ hoặc không bao giờ”
“Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0” - Phó Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Đặng Quang Vinh nhận định. Theo ông, Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra thay đổi mang tính toàn diện, từ cấu trúc thị trường, đến cách thức sản xuất, tiêu dùng và quản lý nhà nước.
“Đây là cơ hội để Việt Nam nâng cao năng suất, khả năng cạnh tranh của các ngành truyền thống cũng như có cơ hội nhanh chóng tiếp cận thị trường thế giới trên nền tảng số/internet tăng trưởng nhanh, giá trị gia tăng cao. Bên cạnh đó, cơ hội đầu tư, phát triển các ngành mới hình thành nhờ cuộc cách mạng này sẽ chiếm vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng. Thêm nữa, công cụ sản xuất chính sẽ là máy móc có kết nối thông minh hơn. Tư liệu sản xuất chính là dữ liệu, lao động là trí óc. Như vậy các nước có nguồn lực con người nếu được đào tạo tốt sẽ có lợi thế, trong đó có Việt Nam”, ông Vinh nói.
Cũng theo chuyên gia này, cách mạng công nghiệp đưa các nước công nghiệp hóa thành công lên đỉnh cao phát triển. Riêng với Việt Nam, do hoàn cảnh lịch sử nên không thể bắt kịp cuộc Cách mạng Công nghiệp lần 1 và lần 2.
Nguyên nhân bởi trình độ công nghệ còn thấp, do đó năng suất thấp, thu nhập thấp. Việt Nam chưa tận dụng được cơ hội phát triển, thu hẹp khoảng cách với các quốc gia như mục tiêu, kỳ vọng… Song, hiện nay, nhận thức về Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã gia tăng nhanh chóng cả trong giới lãnh đạo, doanh nghiệp và công chúng kể từ năm 2016.
Nhờ đó, Việt Nam đang nỗ lực áp dụng các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp cũng như tận dụng các cơ hội do cuộc cách mạng này mang lại. “Giờ là lúc đặt ra cho Việt Nam phải xác định “bây giờ hoặc không bao giờ” để trở thành nước phát triển, văn minh, hiện đại” - ông Nguyễn Quang Vinh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng thách thức đối với Việt Nam vẫn rất lớn. Đó là cạnh tranh quốc tế ngày càng khốc liệt hơn, nguy cơ tụt hậu, lệ thuộc cả về công nghệ lẫn sản phẩm tiêu dùng.
Mặt khác, Việt Nam phải đối mặt với thiếu vốn đầu tư để nâng cấp công nghệ. Nguồn lao động dù dồi dào song vẫn thiếu lực lượng đủ trình độ để tiếp nhận, làm chủ và sáng tạo công nghệ.
Thách thức lớn nhất là hệ thống thể chế kém linh hoạt, hành lang pháp lý không rõ ràng, cản trở sự sáng tạo… Trong bối cảnh đó đặt ra yêu cầu Việt Nam cần nghiên cứu, đề xuất chính sách để bắt kịp Cách mạng Công nghiệp 4.0. Qua đó, tạo bước nhảy vọt về công nghệ, năng suất và tăng trưởng kinh tế.
Chính phủ phải đi đầu
Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung cho biết, Bộ Chính trị có kế hoạch đưa ra Nghị quyết đặc biệt về Cách mạng Công nghiệp 4.0 để cung cấp các định hướng chiến lược, Chính phủ cũng có kế hoạch ban hành Chiến lược quốc gia về Cách mạng Công nghiệp 4.0 nhằm cung cấp các hành động chiến lược và khung thực hiện.
Trong quá trình chuẩn bị các tài liệu quan trọng này, việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế có ý nghĩa rất quan trọng để Việt Nam tận dụng được các cơ hội và vượt qua thách thức do cuộc cách mạng này mang lại.
Dẫn kinh nghiệm từ Đài Loan trong thực hiện chiến lược Cách mạng Công nghiệp 4.0, GS. Min - Ren Yan - nhà nghiên cứu chính sách cho khoa học và công nghệ Đài Loan cho biết, để khai thác tối đa cơ hội sẵn có, Đài Loan đã xác định những ngành có tính chiến lược để tập trung đầu tư, dựa trên đánh giá về cơ hội thị trường, đóng góp cho GDP của đất nước, có thúc đẩy công nghệ mới hay không…
“Điều quan trọng nhất là với mỗi ngành công nghiệp ưu tiên và kế hoạch thực hiện phải có ngân sách thực sự minh bạch, công khai cho người dân biết để cùng giám sát”, GS. Min - Ren Yan cho biết.
Còn theo ông Singmeng, Đại học Tổng hợp Quốc gia Singapore, để thực hiện chiến lược Cách mạng Công nghiệp 4.0 hiệu quả, Singapore đã thành lập cơ quan cấp quốc gia về trí tuệ nhân tạo nhằm chia sẻ những chương trình hành động của mình với các cơ quan khác để thúc đẩy vận hành trí tuệ thông minh. Singapore cũng tạo điều kiện để mọi người dân được tiếp cận, hiểu về trí tuệ nhân tạo một cách bài bản.
Cố vấn Công nghiệp 4.0 cho Scotland, Canada và EU Indy Johar cho rằng, ứng dụng Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ mở ra những chìa khóa để khai thác được đổi mới sáng tạo. Song, cần cân nhắc xem phần công việc nào do con người làm và phần công việc nào do máy móc, tức là cần có trí thông minh nhân tạo.
Nói cách khác, trước đây sử dụng con người làm nhân công thì bây giờ phải lấy con người làm giá trị thặng dư và đổi mới sáng tạo trong tổ chức của mình, qua đó giảm biên chế trong bộ máy. “Chính phủ sẽ phải đi đầu trong quá trình đổi mới sáng tạo này”, chuyên gia nhấn mạnh.
Từ kinh nghiệm của quốc tế, để tận dụng tối đa cơ hội, vượt qua thách thức mà cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 mang lại, Chính phủ phải giữ vai trò dẫn dắt. Đồng thời, cần xác định các ngành ưu tiên để tập trung phát triển; coi số liệu là tài sản công thay vì đóng dấu mật lên rất nhiều số liệu; phải huy động được sự tham gia của khối tư nhân trong các trung tâm công nghệ; đào tạo được nguồn lao động công nghệ cao…
Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung bổ sung, thách thức lớn nhất của Việt Nam hiện nay không phải về khoa học - công nghệ hay thiếu nguồn lực mà là đâu đó vẫn còn cách quản lý quan liêu. Việt Nam có thể bắt kịp đoàn tàu 4.0 hay không là do Chính phủ quyết định, nói cách khác là do thể chế, luật pháp quyết định.
Trong đó, yếu tố chủ chốt là xây dựng chiến lược chuyển đổi số và triển khai các lĩnh vực đột phá như cải cách thể chế, đẩy mạnh Chính phủ số, phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp… “Cách mạng Công nghiệp 4.0 tạo ra nhiều cơ hội và thách thức, chỉ có tận dụng cơ hội mới vượt qua thách thức. Chỉ có chủ động áp dụng, xây dựng môi trường kinh doanh đón đầu thì mới vượt qua thách thức”, ông Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.